TTCT - Với cả hy vọng và lo âu, ngày mai tôi sẽ háo hức đi tuyến metro số 1. Người dân thành phố Hồ Chí Minh háo hức trải nghiệm metro số 1. Ảnh: HỮU HẠNHNgã tư Thủ Đức, năm 2004. Nằm kẹt giữa khuôn viên Đại học Sư phạm kỹ thuật và xa lộ Hà Nội là một bãi đất trống rộng, có phần nhếch nhác, dùng làm bãi giữ xe cho nhân viên văn phòng làm việc trong các khu công nghiệp hằng ngày đón xe đưa rước xuống Biên Hòa, qua Bình Dương. Hôm nào đến trễ thì phải bắt xe lam ba bánh, bốn bánh tuyến Hàng Xanh - Hố Nai.Ngay từ lúc đó, chị chủ bãi giữ xe khuôn mặt đã luôn rầu rĩ: "Mai mốt phải trả mặt bằng cho họ xây metro rồi". Từ bãi xe đi thêm 3km nữa, đối diện nhà máy Coca-Cola (lúc đó vẫn là liên doanh Coca-Cola Chương Dương với mặt tiền ngổn ngang những chồng pallet cũ), là khu đất trống dự tính sẽ xây Khu công nghệ cao, được hiểu là kiểu như Khu công nghiệp Biên Hòa II hay VSIP 1 bên Bình Dương.20 năm trước, dân thành phố đi làm ở tỉnh đã ước mơ mai mốt đi làm Khu công nghệ cao bằng metro, tha hồ thong thả. Cách đó không xa, kế bên nhà sách Nguyễn Văn Cừ trên đường Lê Văn Việt là dự án bất động sản Richland Hill - từ năm 2003 đã được giới thiệu là khu phức hợp có nhà penhouse đúng nghĩa đầu tiên ở TP.HCM, với nguyên một sa hình triển lãm trưng bày ở thương xá Tax - trung tâm quận 1 - để dân nhà giàu chiêm ngưỡng và đặt cọc, khu căn hộ cao cấp kiểu ở New York bên Mỹ.Những lần đầu tiênCái bãi giữ xe đó còn tồn tại thêm tận gần 10 năm nữa, tức khoảng 2014. Đến tận lúc đó, địa điểm sầm uất đông vui duy nhất ở đấy vẫn là siêu thị Co-op Mart. Dự án thành phố trên đồi Richland Hill sau 10 năm, cỏ mọc xanh rì trên bờ móng ngổn ngang sắt gỉ. Liên doanh Coca-Cola Chương Dương đã biến mất sau nhiều năm thua lỗ và trở thành Coca-Cola Việt Nam, công ty 100% vốn Mỹ, mặt tiền đã sáng sủa, ngăn nắp hơn rất nhiều.Khu công nghệ cao đã có lác đác một số công ty của Nhật và Mỹ vào xây dựng, nhưng vẫn chưa ra hình hài.Đã 10 năm trôi qua, metro mới khởi công được hai năm (2012), nhưng Đoàn thanh niên quận Thủ Đức đã được tập huấn và phát tờ rơi giới thiệu tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên xuất phát từ đâu, đi đến đâu, cách thức vận hành và cả cách người dân sử dụng vé như thế nào.Trong 10 năm đó, nhờ công việc, người viết lần đầu được đi nước ngoài, đi metro ở Thái Lan, khi đã xấp xỉ 30 tuổi. Cảnh lần đầu cầm cái thẻ từ, chạm vào bảng quẹt thẻ, chờ barie nhấc lên, đi qua rồi bối rối tìm cầu thang lên bên trái hay bên phải để đi đúng tuyến, vào trong toa rồi vẫn phải đứng cầm cái vòng tròn trên thanh trần để nhìn được chấm đỏ tiếp theo nhảy trên bảng lộ trình, hòng chắc ăn là mình lên tàu đúng chuyến.Bangkok những năm đầu thế kỷ 20 đã có MRT, skyrail và chợ đêm, nơi người Việt vẫn ngưỡng mộ nụ cười của các tiểu thương người Thái, dẫu khách không mua gì, cho đến lúc mặc cả giảm đến 2/3 giá rồi mua về vẫn bị hớ. Không mấy ai đi chợ đêm về mà trong túi còn đồng bath nào vì cái cách móc túi tài tình của dân làm du lịch Thái Lan.Mười năm cũng là khoảng thời gian để Thượng Hải xây xong tuyến metro hiện đại đầu tiên - từ 1993 đến 2003 - tuyến Fujin - Xinzhuang (Phú Cẩm - Tân Trang).Và họ cần 10 năm nữa để có thêm… 10 tuyến, tổng cộng khoảng 700km để phủ khắp thành phố đông dân thứ hai thế giới, trở thành tuyến metro lớn nhất thế giới. Lần đầu, người viết thấy cảnh từ dưới đất chui lên, phải chục ngàn con người ken đặc như đàn kiến, thật sự là một cảm giác choáng ngợp.Trong khu quảng trường Nhân Dân, Thượng Hải, một nhà ga lớn, diễn ra cảnh tượng mà có lẽ trên thế giới, chỉ Trung Quốc mới có: hàng trăm phụ nữ ngồi bên bãi cỏ công viên, giương cao tấm biển ghi các con số như tuổi và số tiền, lúc đầu tưởng là người bất đồng chính kiến đang biểu tình bất bạo động, sau hỏi ra mới biết, họ là những bà mẹ đang quảng cáo để tìm vợ cho con trai. Kiểu: 30 tuổi - đã có nhà, công việc ổn định, lương tháng 50.000 tệ. Đó là khoảng năm 2015 - khi người dân TP.HCM đã được đi xem triển lãm và bình chọn mẫu metro sẽ chạy ở tuyến Bến Thành - Suối Tiên.Hệ thống MRT ở Bangkok. Ảnh: Thailand Travel InfoChâu Âu cũng vậy thôi10 năm tiếp theo. Lần đầu tiên ở Paris, năm 2016. Ga metro ngầm như một siêu thị mới đầy đủ cửa hàng cửa hiệu, thoang thoảng mùi Lancome quyến rũ, những cặp tình nhân hôn nhau ở khắp nơi, đúng là kinh đô của thế giới. Cũng Paris đấy, sáng thứ hai đầu tuần hôm sau, cũng ga đấy, cũng những con người lịch sự đấy, bỗng trở nên khác hẳn, chen lấn, xô đẩy để kịp lên chuyến sớm nhất cho khỏi trễ giờ công sở.Ở những ga ngoại ô Paris, từ sảnh chờ lên tàu nhìn xuống là một hầm lộ thiên thăm thẳm, nơi vài phút lại có một đầu tàu sầm sập chạy qua, không hàng rào bảo vệ. Một Paris khác, tương tự như vườn hoa Luxembourg nổi danh tìm mãi không thấy toilet và khi tìm thấy thì phải bịt mũi. Như tháp Efffeil, vừa đến nơi sẽ có một nhân viên của Unicef đến lịch sự hỏi: "Can you speak English?". Lỡ "Yes" để tỏ ra ta cũng là công dân toàn cầu thì ngay lập tức sẽ bị vòi vĩnh vài đô lẻ ủng hộ người nghèo châu Phi, hoặc may mắn hơn, chưa rút tiền ra thì một viên cảnh sát sẽ đến đuổi nhân viên Unicef kia đi, lý do: Bọn lừa đảo đó!Dân châu Âu sang trọng, đĩnh đạc và duyên dáng khi sải bước trên sân ga bóng loáng trong bộ vét chuẩn mực hay măng tô tôn dáng người. Mai mốt bên mình có metro, người dân cũng sẽ có cơ hội diện đồ, đi đứng như thế. Mặc cảm tự ti và một ước mơ như thế thường vụt qua mỗi khi thấy ở góc hầm metro có một người trung niên nghiêm nghị hay những thiếu nữ trẻ trung duyên dáng đứng lặng lẽ kéo violin hay thụ cầm réo rắt, không màng đến những đồng xu lẻ được khách thả vào chiếc mũ trước mặt.Nhưng dẫu ở ga nào cũng có những đống chăn màn bẩn thỉu của những kẻ vô gia cư, cảnh chai bia vỡ tung tóe của bọn thanh niên say xỉn sau những tiệc tùng hoang đàng. Hay cả cảnh mà ở Việt Nam chỉ có cách đây vài mươi năm trên tàu hỏa: những người mù đi ăn xin. Cảnh hay thấy trên các tuyến metro ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Những đất nước cách đây vài trăm năm, có rất nhiều vàng bạc chiếm đoạt được từ Nam Mỹ.Metro ở Paris. Ảnh: Fodors Travel GuideHy vọngNhưng những gì nhất, có lẽ đều ở Nhật Bản. Ga sạch nhất, tàu từng có tốc độ nhanh nhất - đi Shinkansen từ Kyoto đến Tokyo, có cảm giác mình là phi hành gia bay lên vũ trụ, 2 giờ 20 phút cho 450km (kỷ lục rồi cũng bị phá vỡ bởi một tuyến khác của Trung Quốc). Một cái nhất nữa là cảm giác kinh hoàng khi đến ga trung tâm Tokyo giờ tan tầm, cứ khoảng 2-3 phút lại có một chuyến metro dừng lại. Từ trên đó ùa xuống, đổ xuống, rơi xuống, ập xuống trước mắt, toàn người là người, trăm người như một, áo vét đen, cà vạt, xách samsonite hay đeo ba lô, mặt mày đờ đẫn, mệt mỏi và bước chân dường như vô thức. Khó tìm thấy khuôn mặt tươi tỉnh nào trong hàng trăm ngàn hành khách ở sân ga Tokyo, trừ những du khách đến Tokyo để chơi. Metro ở Nhật phải được coi là một thiên đường đau khổ, nơi con người không thuộc về mình.Nay thì metro số 1 của TP.HCM đã chạy, chắc do người Nhật làm thầu nên phải kỹ lưỡng, dù có chậm trễ và đã đội vốn đến gần gấp ba lần. Lịch sử sẽ sòng phẳng thôi, những khổ ải của quá trình thi công tuyến đường sắt đô thị này rồi sẽ có ngày được viết lại.Nhưng dẫu sau, tuyến metro đầu tiên của thành phố đã hoạt động vào tháng 12-2024. Và từ bước khởi đầu này, sẽ có thêm 6 tuyến nữa, trong 10 năm nữa thôi, do mình đã có kinh nghiệm, sẽ là 180km, tức gấp 10 bây giờ. Tuyến mới sẽ xây nhanh hơn, bớt hao phí hơn, công nghệ hiện đại hơn. Ga trung tâm Bến Thành sẽ đông đúc như bên Sing, bên Hàn. Vòm mái ga sẽ là hình ảnh áo dài, áo bà ba trên nền gạch gốm dân gian. Hình ảnh quen thuộc trên các chuyến metro Nhật Bản. Ảnh: PinterestNhững thiếu nữ sẽ diện áo dài sải bước tự tin từ nhà ga vào trung tâm thành phố, sạch sẽ mà không cần bịt khẩu trang. Xe máy sẽ bớt đi. Hành khách đi tàu sẽ biết cách xếp hàng khi đứng đợi ở ke ga, biết đi nép vào bên phải khi lên cầu thang cuốn hay thang bộ hành, biết không bôi bẩn lên ghế hay thanh nắm trên tàu, biết nói chuyện điện thoại vừa phải và có ý thức nhường nhịn người già, trẻ em…, rồi mọi chuyện sẽ vào nề nếp như mọi siêu đô thị phải thế.Hành trình 20 năm, hy vọng, chờ đợi, thất vọng, hồi hộp, cầu mong cho một dự án dài cả một thế hệ đủ để biến một thanh niên háo hức trở thành người trưởng thành, biết nên mong đợi những gì thực tế, dẫu giấc mơ cũng đã thành sự thật. Cũng mong là metro ở ta sẽ không có người lừa đảo lảng vãng, không có ăn xin, không có những zombie kiệt sức vì công việc, và không có những bà mẹ đứng chưng biển tìm vợ cho con trai. ■ Metro ở Singapore và Hong Kong là hai hình ảnh khá tương phản. Ở Sing, metro sao mà sạch thế, tay nắm, ghế ngồi sạch bong, người dân sao đi lại nhanh thế, nói tiếng Anh nhoay nhoáy. Lúc đó còn chụp lại cái tay nắm bằng nhựa để xem họ làm bằng loại nguyên liệu gì mà lỡ hành khách quẹt tay dính mỡ lên đó vẫn không để lại vết. Metro ở Singapore chắc là một thứ gì đó gần với châu Âu, văn minh, hiện đại, sạch sẽ. Không như bên Hong Kong, chật chội, nóng nảy và ở mỗi cửa hầm ngầm đi lên mặt đất ở khu Tsim Sha Tsui (Tiêm Sa Chủy), nhiều người da đen lang thang đứng túm tụm, hút thuốc lá, nhìn chằm chằm vào hành khách đang từ mặt đất chui lên, mời chào họ mua những thứ gì mờ ám. Metro ở Hong Kong giống như phim xã hội đen và gần giống tàu chợ bên mình thời bao cấp, có lẽ vì đã được xây và khai thác từ lâu lắm rồi, chính xác là năm 1910, cách đây hơn một thế kỷ. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Cẩm nang đi metro Tiếp theo Tags: Tuyến MetroNgười dânCông nghệHành kháchThành phố
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tổ chức bộ máy công an 3 cấp 'bộ, tỉnh, xã', không tổ chức công an cấp huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị khẩn trương triển khai đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương.
Người dân ùn ùn rời Hà Nội nghỉ Tết, cửa ngõ thành phố đông nghẹt hàng cây số HỒNG QUANG 24/01/2025 Kết thúc buổi làm việc cuối cùng, người dân ùn ùn rời Hà Nội để về quê nghỉ Tết. Cửa ngõ phía nam thành phố đông nghẹt người và xe.
Trung ương Đảng cho ý kiến giới thiệu nhân sự lãnh đạo một số cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 THÀNH CHUNG 24/01/2025 Trung ương Đảng cho ý kiến về giới thiệu nhân sự lãnh đạo một số cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 để Bộ Chính trị chính thức giới thiệu Quốc hội bầu, phê chuẩn theo quy định.
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.