08/02/2019 08:59 GMT+7

Giấc mơ 'hạm đội' tàu du lịch 5 sao

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Tháng 4-2019, hai con tàu tương tự mang tên Trưng Trắc - Trưng Nhị sẽ tiếp tục hạ thủy. Đến năm 2020, hai con tàu đẳng cấp thế giới cũng sẽ ra đời tại Việt Nam để biên chế vào "hạm đội" tàu du lịch 5 sao trên đất Việt.

Giấc mơ hạm đội  tàu du lịch 5 sao - Ảnh 1.

Đội tàu của GreenlinesDP đã chở đến 400.000 lượt khách chặng TP.HCM - Vũng Tàu trong năm 2018 - Ảnh: HIẾU GIANG

Trong một quán cà phê trên con đường mang tên Hoàng Sa (quận 1, TP.HCM), Trần Song Hải mở chiếc điện thoại "khoe" những hình ảnh mới toanh của con tàu hai thân vừa hạ thủy mang tên Phú Quý Express. 

Ngay buổi sáng hôm đó, con tàu hiện đại này đã có hải trình đầu tiên từ nhà máy đóng tàu tại Hải Phòng trực chỉ đảo Phú Quý (Bình Thuận)...

Ngồi trên những con tàu Việt mới thấy yêu thêm từng con sóng. Phải bước ra biển mới thấy cái đẹp của biển, của đất nước và từ đó mới biết trân quý, bảo vệ biển bằng cách phát triển kinh tế biển

Trần Song Hải

Tháng 4-2019, hai con tàu tương tự mang tên Trưng Trắc - Trưng Nhị sẽ tiếp tục hạ thủy. Đến năm 2020, hai con tàu đẳng cấp thế giới cũng sẽ ra đời tại Việt Nam để "biên chế" vào "hạm đội" tàu du lịch 5 sao trên đất Việt. 

Người luôn đau đáu giấc mơ phát triển du lịch biển và đang từng ngày hiện thực khát vọng đó là Trần Song Hải, tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (GreenlinesDP).

Đứa con của biển

Những lần vượt đại dương thăm Trường Sa, nhà giàn trên Biển Đông luôn gợi nhớ Trần Song Hải điểm khởi đầu của tình yêu với biển. Ngay từ thuở cha mẹ đặt tên cũng hàm ý gieo trong anh một sự nhắc nhở về cảnh ngộ ra đời. 

Năm 1971, khi cha anh đang lênh đênh giữa Thái Bình Dương trên hải trình nhận chiến hạm Trần Khánh Dư HQ-4 thì hay tin mẹ anh sinh non. 

Qua điện đàm cách xa hàng ngàn hải lý, người cha quyết định đặt tên con là Hải như là đứa con của biển cả. Và có lẽ người cha không ngờ rằng cái tên đã vận vào số phận khi cuộc đời anh bây giờ gắn bó với biển.

Những năm cuối thập niên 1980, người cha thường đạp xe chở anh Hải ra trước bến Bạch Đằng, ngồi uống cà phê và ngắm nhìn những con tàu ngược xuôi trên dòng sông Sài Gòn. 

Những kiến thức về hàng hải và niềm đam mê với đại dương đã được người cha hun đúc vào tâm hồn đứa con thơ qua chuyện kể của chính cuộc đời mình. "Những trải nghiệm của cha khiến tôi rất mê biển, thích những con tàu, khoái nghe những hồi còi tàu vang vọng" - anh Hải kể.

Vì vậy, dù tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM với tấm bằng kỹ sư cơ khí và cử nhân Anh văn, nhưng anh luôn "ủ mưu" về một tương lai gắn bó với biển. Đầu tiên, anh đầu quân cho các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới để nhằm tạo mối quan hệ. 

Tiếp đến, năm 2001 anh lập doanh nghiệp làm đối tác thực hiện dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng thiết bị cho Hãng Rolls-Royce MTU (Đức) và sau đó trở thành nhà phân phối cho hãng này tại thị trường Việt Nam.

Sau khoảng thời gian cung cấp động cơ, máy phát điện cho các xưởng đóng tàu trong nước, Hải thấy được nghịch lý rằng Việt Nam đóng tàu xuất khẩu giá rẻ nhưng lại nhập về những con tàu rất đắt đỏ. 

Chính vì thế, anh Hải quyết định đầu tư vào lĩnh vực vận chuyển du khách đường thủy bằng cách đóng tàu trong nước để tiết kiệm chi phí. Năm 2014, 3 con tàu trị giá gần 40 tỉ ra đời, chạy thử nghiệm chặng TP.HCM - Vũng Tàu, đặt viên gạch đầu tiên trong hành trình tiến ra biển lớn...

Giấc mơ hạm đội  tàu du lịch 5 sao - Ảnh 3.

Trần Song Hải - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (GreenlinesDP)

Khát vọng của "Hai Biển"

Sau một thời gian chạy thử nghiệm, Trần Song Hải nhận thấy tiềm năng của vận tải hành khách đường thủy rất lớn. Do đó, anh tiếp tục hợp tác với các nhà đầu tư để đóng mới thêm 5 con tàu hiện đại (tổng trị giá gần 140 tỉ đồng) để mở thêm những tuyến mới nối đất liền với các đảo ven bờ.

Năm 2017, anh hợp tác với một nhà đầu tư tại Phú Quý để đóng mới 3 con tàu hiện đại tại Nhà máy Z189 (Hải Phòng). Những con tàu này có thể chở đến 300 khách, vận tốc tối đa 30 hải lý/giờ và có thể chịu đựng được sóng cấp 7-8. 

Năm 2018, anh cùng Phú Quốc Express tiếp tục đóng thêm 3 chiếc tàu "5 sao", có thể chở tối đa 600 khách để chạy từ đất liền ra Côn Đảo, Phú Quốc... Những con tàu này được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, tốc độ tối đa 33 hải lý/giờ và "cưỡi" sóng phăng phăng trong mùa biển động.

Tuy nhiên, để vươn ra những hải trình xa hơn, chàng giám đốc này tiếp tục hợp tác với các nhà đầu tư và vay mượn ngân hàng để đóng hai siêu tàu trị giá đến 200 tỉ đồng mỗi chiếc. 

Lần đầu tiên, hãng đóng tàu lớn nhất Hà Lan DAMEN đã mang các kỹ sư, chuyên gia, giám sát... từ Hà Lan sang Việt Nam đóng con tàu cao tốc dân dụng cho người Việt. 

Tàu được đóng theo tiêu chuẩn quốc tế và dự kiến hạ thủy vào năm 2020. "Đây sẽ là con tàu vận tải du khách hiện đại bậc nhất ở Việt Nam, hoạt động bất chấp mọi cấp sóng. Tôi mong muốn sẽ dùng con tàu này để chở khách du lịch vượt đại dương ra Trường Sa" - anh nói.

Tháng 3-2018, khi tàu sân bay của Mỹ buông neo trong vịnh Đà Nẵng, công ty của  anh Hải "góp" 3 con tàu tham gia vận chuyển. Trong đó, con tàu Phú Quốc Express 7 mới xuất xưởng đã trực tiếp làm con thoi để đưa lực lượng hải quân hai nước ra vào giao lưu. 

"Hải quân Mỹ đã kiểm tra an ninh, chứng chỉ an toàn của tàu cũng như chứng chỉ hành nghề của các thuyền viên. Mọi thứ đều đáp ứng tốt nên đây vừa là nhiệm vụ đặc biệt, vừa là niềm tự hào của chúng tôi" -  anh Hải nói.

Gắn bó với biển, và từ cái tên Song Hải của mình, anh đặt luôn cho mình biệt danh "Hai Biển". Cũng chính vì yêu biển mà anh chưa bao giờ hài lòng với những gì mình đã làm cho du lịch biển. "Hai Biển" dự định phủ các đội tàu du lịch từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) cho đến Phú Quốc (Kiên Giang). 

Anh ao ước những con tàu năm sau ra đời to hơn, hiện đại hơn năm trước để xây nên một "hạm đội" tàu du lịch biển. Tuy nhiên, đầu tư trong lĩnh vực này hết sức rủi ro. Phải là một người thực sự yêu biển mới dám đánh đổi mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả gia sản để sống với tình yêu của mình. 

"Tôi chỉ là một con én nhỏ, không thể làm nên mùa xuân. Tôi vẫn mong có nhiều người chung một tình yêu với biển để cùng đầu tư những dịch vụ du lịch biển. Chúng ta là quốc gia biển, kinh tế biển phải phát triển xứng tầm thì an ninh biển mới vững chắc được" -  anh Hải quả quyết.

Những đóng góp đáng trân trọng

Kỹ sư Đỗ Thái Bình, phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cho biết trước đây những phương tiện từ đất liền ra các đảo là những phương tiện cũ, đầu tư nhỏ lẻ, vận chuyển khách ít ỏi.

Do đó, việc Trần Song Hải mạnh tay đầu tư những con tàu hiện đại, sử dụng máy móc của các nước phát triển sẽ khiến những con tàu này hoạt động ổn định, sức chở và công suất lớn sẽ góp phần thay đổi diện mạo của du lịch ra các đảo.

Theo ông, việc đầu tư đóng tàu trong nước cũng tạo công ăn việc làm cho các nhà máy đóng tàu, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thiết kế tàu thủy đối với các kỹ sư Việt Nam.

"Ngoài đóng tàu phục vụ du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo, Hải còn cung cấp máy cho các tàu cảnh sát biển, đó cũng là những đóng góp rất đáng trân trọng của chàng trai này cho đất nước" - ông nói.

Nhân vật của "Vì ngày mai phát triển"

Trần Song Hải là gương mặt học sinh tiêu biểu đã từng nhận học bổng "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ vào năm 1992. Nhiều năm qua, anh Hải cũng được biết đến là một người yêu bóng đá cuồng nhiệt khi giữ chức phó chủ tịch Hội CĐV Việt Nam.

Năm 2016, doanh nghiệp của anh đã ủng hộ chương trình "Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông" của báo Tuổi Trẻ 3 tổ máy phát điện hiện đại, tổng trị giá gần 2 tỉ đồng.

Chương trình 'Vì ngày mai phát triển' lần thứ 363

TT - Xót xa khi thấy học trò nghỉ học nhiều, thầy Tạ Xuân Đĩnh (Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã đưa mô hình “Homestay - thân thiện và yêu thương - giúp bạn đến trường” vào trường học để ngăn dòng bỏ học.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên