Ông Kim Jong Un trong chuyến thăm đến khu kinh tế Samjiyon sát biên giới Trung Quốc tháng 10-2019 - Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng phê phán tư tưởng lệ thuộc vào du khách Hàn Quốc trong việc phát triển núi Kim Cương, một điều mà Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho rằng chẳng khác gì phê phán chính sách của cha ông, cố lãnh tụ Kim Jong Il.
Ông ấy đang ngày càng hạ quyết tâm đổi mới đất nước, xây dựng một nền kinh tế tự lực và không phụ thuộc vào nước khác.
Nhà nghiên cứu Shin Beom Chul thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan nhận định.
Mỹ đã ngỏ lời?
Xâu chuỗi lại những sự kiện gần đây có thể thấy quyết tâm đổi mới đất nước của ông Kim Jong Un ngày càng rõ. Mới tuần trước, ông Kim Jong Un đã cưỡi bạch mã lên núi thiêng Bạch Đầu, nơi các lãnh đạo Triều Tiên thường tới trước khi ra quyết định quan trọng cho đất nước.
Vài ngày sau đó, ông gọi mối quan hệ của ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump là "đặc biệt". Mặc dù cuộc đàm phán cấp sự vụ hồi đầu tháng 10 giữa Mỹ và Triều Tiên đã kết thúc trong bế tắc, nhưng theo Hankook Ilbo - một tờ báo Hàn Quốc, Mỹ đã đưa ra một đề xuất đáng chú ý, sẽ giúp Triều Tiên phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng Wonsan-Kalma, đổi lại Bình Nhưỡng phải chấp nhận phi hạt nhân hóa.
Hankook Ilbo cho rằng đề xuất của Washington có thể đã bắt trúng giấc mơ phát triển, canh tân đất nước của ông Kim Jong Un.
Nếu Yongbyon là trái tim của chương trình hạt nhân Triều Tiên được xây dựng dưới thời cố lãnh tụ Kim Jong Il, Wonsan-Kalma được xem là biểu tượng cho khát vọng phát triển đất nước của ông Kim Jong Un.
Các khu nghỉ dưỡng Triều Tiên trước đây thường được truyền thông phương Tây mô tả không mấy thiện cảm như là một chốn xa hoa chỉ dành cho các thành viên gia tộc Kim. Nhưng Wonsan-Kalma thì khác. Ông Kim Jong Un đã 5 lần đến thăm công trường này kể từ năm 2018, thi thoảng mắng các quan chức phụ trách rồi đưa ra chỉ đạo cụ thể. Cùng với núi Kim Cương, Triều Tiên đang muốn biến Wonsan-Kalma thành các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới, đem về nguồn ngoại tệ quý giá cho đất nước.
Chỉ trong vòng 2 năm, hàng chục biệt thự sang trọng, khách sạn, trung tâm hội nghị, nhà hát, khu vui chơi hình kim tự tháp và bến du thuyền đã mọc lên ở Wonsan-Kalma, nơi trước đó thường được nhắc đến là bãi phóng tên lửa của Triều Tiên. Trong chuyến thăm hồi tháng 4-2019, ông Kim Jong Un đã chấp nhận kéo dài thời gian xây dựng thêm 1 năm, dời ngày khánh thành sang tháng 4-2020, trùng với ngày sinh của ông nội ông - cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.
Thăm dò Hàn Quốc
Phát triển khu nghỉ dưỡng Wonsan-Kalma và núi Kim Cương là hai mục tiêu đã được nhắc đến trong thông điệp đầu năm 2019 của ông Kim Jong Un. Các khu kinh tế dọc biên giới Trung Quốc cũng mọc lên nhanh chóng dưới thời ông, chẳng hạn như Samjiyon ở tỉnh Ryanggang.
Mệnh lệnh phá bỏ các công trình của Hàn Quốc tại núi Kim Cương và xây lại theo cách riêng của Triều Tiên đang tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau tại Seoul.
Hàn Quốc bắt đầu đưa khách du lịch đến núi Kim Cương năm 1998 và kết thúc vào năm 2008 sau vụ một du khách Hàn Quốc bị binh sĩ Triều Tiên bắn chết. Trong chuyến thăm núi Kim Cương hôm 23-10, ông Kim Jong Un đã phê phán tư tưởng phụ thuộc du khách Hàn Quốc của "chính quyền tiền nhiệm", nhấn mạnh núi Kim Cương là đất của Triều Tiên nên Hàn Quốc không có quyền quyết định ai nên đến và không nên đến nơi này.
Trong khi các chính trị gia Hàn Quốc hối thúc chính phủ cần xem xét thảo luận với Triều Tiên để giữ lại "biểu tượng của sự hợp tác liên Triều", giới học giả nhận định đây là chiêu "ném đá dò đường" của Bình Nhưỡng, theo Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc.
Giáo sư Lim Eul Chul thuộc Đại học Kyungnam thậm chí còn đi xa hơn, cho rằng đây là "tối hậu thư của miền bắc". "Đó là một tín hiệu của chính quyền ông Kim Jong Un rằng đất nước của ông sẽ không phụ thuộc vào Hàn Quốc để phát triển kinh tế nữa, là tối hậu thư của miền bắc rằng họ sẽ đi theo cách của riêng mình trước sự bất động của miền nam" - ông Lim nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận