02/05/2016 11:21 GMT+7

Giấc mơ đổi đời của võ sĩ cao 2,16m

NGUYÊN KHÔI (nguyenkhoi@tuoitre.com.vn)
NGUYÊN KHÔI ([email protected])

TT - Cao 2,16m, có lẽ sẽ phù hợp hơn nếu Trần Ngọc Tú chọn chơi bóng rổ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chàng trai 18 tuổi này lại quyết định gia nhập bộ môn vovinam TP.HCM, bắt đầu giấc mơ thay đổi cuộc sống nghèo khó của anh.

Trần Ngọc Tú trong buổi tập luyện vovinam đầu tiên tại TP.HCM - Ảnh: N.K.
Trần Ngọc Tú trong buổi tập luyện vovinam đầu tiên tại TP.HCM - Ảnh: N.K.

Hôm 28-4, Ngọc Tú đã có buổi tập đầu tiên ở nhà thi đấu Phú Thọ sau khi gia nhập bộ môn vovinam TP.HCM.

Giấc mơ HCV vovinam

Vào TP.HCM là một quyết định dũng cảm của Ngọc Tú bởi anh đến với môn võ mà mình chẳng biết gì cả. Ngọc Tú cất bước ra đi khi nhiều người thân lẫn cả làng Thiệu Thịnh (Thanh Hóa), nơi gia đình đang ở, đều muốn anh gia nhập CLB bóng rổ Quân chủng phòng không - không quân.

Ngọc Tú kể: “CLB bóng rổ cầm hợp đồng vào tận nhà để tôi ký, nhưng tôi chỉ muốn vào TP.HCM. Bởi tôi đã tập luyện ở ngoài Bắc nhiều rồi, giờ vào miền Nam tập một môn võ mới để thử sức mình cũng như hi vọng có thể thay đổi cuộc sống”.

Ngày đầu tiên tập luyện vovinam tại TP.HCM, anh chàng “khổng lồ” tung các đòn đá thiếu lực vào dụng cụ khiến các VĐV ở đội tuyển vovinam TP.HCM ai nấy đều bật cười. Nhưng khi Ngọc Tú đã bắt được nhịp, các đòn đá của anh phát ra âm thanh từng tiếng “bốp bốp” rõ to. Hướng dẫn từng đòn đá và giữ dụng cụ cho Ngọc Tú thực hiện, HLV Trần Ngọc Nam (HCB thế giới nội dung đối kháng) phải xuống tấn khá kỹ để không bị lùi lại phía sau trước mỗi cú đá có lực rất mạnh của học trò.

Sau buổi tập, HLV Ngọc Nam cho biết: “Không chỉ có lợi thế về chiều cao, Ngọc Tú còn có lực đá rất mạnh. Vào thi đấu, đối thủ dính một đòn đá của Ngọc Tú thì khó trụ nổi. Nhưng để thành công, Ngọc Tú phải nỗ lực tập luyện nhiều thêm vì thi đấu không chỉ dựa vào sức mạnh và chiều cao”.

Sau buổi tập đầu tiên, anh chàng 18 tuổi này không giấu được sự hào hứng cho sự khởi đầu mới: “Tôi muốn mình giành huy chương thế giới để đem vinh quang về cho Tổ quốc, cũng như có được khoản tiền thưởng lớn giúp đỡ gia đình và bản thân”.

Theo kế hoạch, nếu kết quả kiểm tra y tế tốt, Ngọc Tú sẽ được nhận vào tuyến dự bị tập trung của vovinam TP.HCM. Nhưng thay vì tập luyện chung với các VĐV khác, anh sẽ được đặc cách kèm riêng một thầy một trò (với HLV Trần Ngọc Nam) và tập luôn hai buổi/ngày để có thể phát triển tốt nhất về chuyên môn. Đây cũng là những bước đi để Ngọc Tú có thể kịp tham dự Giải vovinam toàn quốc 2016 diễn ra vào tháng 10 tại Nghệ An cũng như Giải vô địch vovinam thế giới 2016 vào cuối năm.

Ước mơ có một đôi giày

Mẹ mất năm 2002, lúc Tú mới được khoảng 5 tuổi. Cha đi làm xa suốt nên bà nội là người duy nhất nuôi Tú ăn học. Nhưng cũng chỉ học đến lớp 8, Tú bỏ ngang để tìm cách kiếm tiền nuôi mình cũng như nuôi bà. Khi đó ở tuổi 13, Tú đã cao 1,9m và được giới thiệu ra Hà Nội thử việc tại đội trẻ CLB bóng chuyền Dầu khí quốc gia. Nhưng tập chỉ được một tháng, Tú phải rời đội vì được đánh giá không phù hợp với bóng chuyền khi không có độ nhanh và sức bật tốt.

Lang thang ở Hà Nội, Tú xin đi phụ hồ kiếm sống. Không có tiền, lại quá cao lớn để có thể tìm được giày dép để mang, Tú tâm sự anh từng đi chân đất ở Hà Nội gần cả năm trời. Thấy Tú lông bông như vậy, có người lại giới thiệu anh về Ninh Bình tập ở môn vật... Nhưng sau 6 tháng, anh chia tay môn vật, vào Đồng Nai làm phụ hồ với người chú ruột, rồi lại bỏ về Vĩnh Phúc học nghề trước khi tham gia đội tuyển pencak silat Vĩnh Phúc...

Bây giờ Tú đã quyết định chọn vovinam với hi vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp và ổn định hơn. Có một chi tiết khiến các HLV ở bộ môn vovinam TP.HCM nhớ mãi về Tú là khi ra sân bay đón anh, họ “chưng hửng” khi thấy anh mặc quần đùi áo thun ba lỗ cũ kỹ cùng một túi xách nhỏ cũng chỉ có vài bộ đồ cũ sờn rách. Thương hoàn cảnh quá khó khăn của Tú, các HLV đã giúp anh may vài cái quần và áo sơmi mới để mặc ra đường cho tươm tất.

Tú tâm sự: “Từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng mang giày một lần nào. Nên nếu có tiền tôi sẽ mua một đôi giày vừa chân, mua một cái iPad để giải trí và mua một cái gì đó tặng bà nội đã 80 tuổi để cảm ơn bà đã nuôi nấng tôi suốt thời gian qua. Trước mắt tôi chỉ biết nghĩ đến đó, vì có bao giờ tôi cầm được hơn 5 triệu đồng trong tay để nghĩ đến điều lớn hơn”.

“Có thuốc giảm chiều cao không?”

Nhân viên y tế phải bắc ghế để đo chiều cao cho Trần Ngọc Tú - Ảnh: N.K.
Nhân viên y tế phải bắc ghế để đo chiều cao cho Trần Ngọc Tú - Ảnh: N.K.

Ba Tú chỉ cao 1,7m, còn mẹ cao 1,6m. Nhưng 11 tuổi Tú đã cao 1,75m. Năm 14 tuổi, Tú đã cao 1,95m. Anh trai Tú hiện giờ cao 1,75m. Trước khi vào TP.HCM (tháng 3-2016), Tú đo cao 2,15m. Vậy mà chưa đầy một tháng anh lại cao thêm 1cm, nặng 118kg. Nhìn Tú ngồi xe máy đi lại ở TP.HCM, nhiều người không khỏi “ái ngại”. Khi đi khám tổng quát ở phòng y học - khoa học Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM, Tú đã hỏi các nhân viên tại đây có thuốc giảm chiều cao không?

Cao quá cũng khổ. Ngoài chuyện khó tìm quần áo, giày dép vừa với mình, anh còn phải nằm ngủ dưới đất vì nằm trên giường phải co người lại rất khó chịu.

Theo TS.BS Trần Bá Thoại - ủy viên BCH Hội Nội tiết VN, Trần Ngọc Tú sinh ra trong gia đình có chiều cao trong giới hạn bình thường nhưng với chiều cao và cách tăng trưởng của anh như hiện nay, khả năng rất lớn là Tú bị bệnh khổng lồ (gigantism).

Bệnh khổng lồ là bệnh nội tiết hiếm gặp. Nguyên nhân bởi khối u của tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng (GH) trên mức bình thường, trước tuổi dậy thì ở trẻ, hậu quả là cơ thể phát triển quá mức nhưng còn cân đối. Nếu u xảy ra khi đã lớn tuổi, các đĩa sụn tiếp hợp đã hóa cốt, bệnh nhân sẽ bị to đầu chi, xương hàm: bệnh to đầu chi (acromegaly).

Muốn chẩn bệnh khổng lồ cần xét nghiệm đo nồng độ hormone GH và IGF-I trong máu. Nếu có điều kiện hơn thì làm thêm nghiệm pháp ức chế GH (Growth hormone suppression test) và chụp cắt lớp CT scan hay MRI sọ não để thấy; đo kích thước khối u tuyến yên.

Hiện bệnh khổng lồ được điều trị bằng cách phẫu thuật qua xương. Trên thế giới, người đang giữ kỷ lục Guinness cao nhất thế giới là Sultan Kosen (sinh năm 1982, người Thổ Nhĩ Kỳ), cao 2,51m, cũng bị mắc chứng bệnh khổng lồ do một khối u trong tuyến yên gây ra.

Sau một thời gian điều trị tại Đại học Virginia (Mỹ) từ tháng 5-2010, đến giữa tháng 3 năm nay người đàn ông cao nhất thế giới này đã ngừng cao.

NGUYÊN KHÔI ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên