Tranh thủ mấy ngày nghỉ, Hoàng Thị Diệu Hiền đi hái ớt kiếm tiền phụ giúp mẹ - Ảnh: THANH TÚ
Hằng đêm con vẫn ôm tập sách vuốt ve, tôi đau lắm. Không muốn con vướng bận đến chuyện học nữa, tôi ôm xấp giấy khen của nó định đốt quách cho xong. Nhưng cứ hễ nhóm lửa lên định đốt, tôi lại thấy có lỗi với nó quá.
Bà NGUYỄN THỊ MỸ LỆ
Bà Lệ giục con gái lớn là , 18 tuổi, chạy nhanh về nhà cất mấy bộ quần áo đang phơi ngoài rào, để mai còn có đồ mặc lên TP.HCM nhập học.
Giọt nước mắt trên ruộng ớt
Tiếp tục cho con học đại học - một quyết định rất bình thường, thậm chí là khao khát của bậc làm cha làm mẹ nhưng với bà Lệ, đây thật sự là một cuộc giằng xé tâm can. Bà sợ bị hụt hơi!
Nhìn Hiền kéo theo chiếc chậu lội xuống ruộng để hái ớt, ông Nguyễn Văn Quang (ngụ xã Bình Ninh) lắc đầu: "Mới mười tám tuổi đầu mà nó lo đủ chuyện, vừa chuyện nhà vừa đi làm thuê, thâm niên trên dưới mười năm rồi đó.
Từ hồi lớp 6 đến nay, vụ ớt nào cũng có mặt con nhỏ trên ruộng. Vậy chứ học giỏi có tiếng".
Ông Quang cho biết thường ông cũng như những chủ ruộng khác chỉ thuê người lớn, đủ sức khỏe làm việc, nhưng biết hoàn cảnh của ba mẹ con bà Lệ, ông nhận đủ cả ba người cùng làm và trả tiền công bình thường.
Ngoài giờ lên lớp, Hiền không dám nghĩ tới bất kỳ một thú vui nào.
Không phải Hiền không mê trà sữa, cũng không phải Hiền không thích đi đây đi đó cùng bạn bè, với bạn, thời gian rảnh được đổi bằng những chén cơm cho người mẹ bị dị tật bẩm sinh và học phí cho em gái mới lên lớp 6.
Có những hôm thấy bạn học đạp xe đi chơi, đi học thêm trên đường, dưới ruộng ớt Diệu Hiền lặng lẽ kéo khẩu trang che kín mặt cặm cụi hái ớt, nước mắt giàn giụa vì tủi thân.
Đôi bàn tay của cô học trò tuổi mới lớn cũng bị chai sần, mẩn đỏ bởi tiếp xúc với phân bón, hóa chất từ ruộng vườn.
Thế nhưng lực học của Hiền khiến bạn bè phải nể phục. 12 năm học, hầu như Hiền đều đạt học sinh khá, giỏi. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa rồi, Hiền đạt 21,5 điểm.
Hành trang nhập học của cô tân sinh viên ngành lưu trữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vào hôm nay (8-8-2018) chỉ vỏn vẹn 3 bộ quần áo cũ mặc từ mấy năm học cấp III và 200.000 đồng từ tiền công hái ớt của ba mẹ con.
Một quyết định khó khăn!
Để đi đến quyết định "tiếp tục cho con đi học", mẹ Hiền đã trải qua bao đêm thức trắng. Bà Lệ bị dị tật chân bẩm sinh từ nhỏ, đi lại khó khăn nên "mần ăn gì cũng không bằng ai" - như lời bà nói.
Thời con gái, nhà nghèo nên bà Lệ khăn gói lên Sài Gòn phụ giúp việc nhà cho người ta. Xấp xỉ bước qua tuổi ba mươi, bà phải lòng một người đàn ông chạy xe ôm trước cửa nhà ông chủ rồi về ở với nhau và sinh ra Diệu Hiền.
Không trụ nổi ở thành phố, bà đưa con về quê Chợ Gạo. Người đàn ông mà bà hi vọng gửi gắm đời mình sau một lần về thăm thì mất hút!
Nhiều năm sau đó, người đàn ông ấy tiếp tục quay lại và muốn kiếm thêm con trai, bà Lệ mềm lòng và kết quả là bé Hoàng Thị Diệu Phương ra đời.
"Chưa đầy tháng thì ổng bỏ nhà đi mất. Đến giờ bé Phương đã 11 tuổi nhưng ổng không một lần về thăm" - bà Lệ chua chát nói.
Người đàn bà tật nguyền cắn răng chịu đựng, bươn chải từng ngày nuôi hai con khôn lớn. Vậy nhưng bà vẫn quyết một lòng cho con đi học, không để tụi nhỏ dốt, dẫu có đôi lần bà phải ngập ngừng. Và lần quyết định khó khăn nhất là khi Diệu Hiền đậu đại học.
"Hôm đó, con nhỏ chạy đâu về ôm chầm lấy mẹ hét lên: Con đậu rồi, đậu đại học rồi, tôi nghe mà điếng người. Thấy con vui mà lòng tôi như ngàn vết dao cứa. Vì lo được đến đây tôi cũng đã gần như kiệt sức rồi, tiền đâu mà học đại học".
Gần 10 năm trước, thấy gia cảnh nghèo, chính quyền địa phương xét cho vay hơn 20 triệu đồng để nuôi heo từ Ngân hàng Chính sách. Nào ngờ dịch bệnh hoành hành nên đàn heo chết, gia đình lỗ trắng.
Giờ nhà bà nằm trong "danh sách đen" của ngân hàng, muốn vay tiền cho con đi học cũng khó.
Hai mẹ con từng nhiều đêm thức trắng tính chuyện tương lai. Thương mẹ, Diệu Hiền nộp đơn vào công ty để an phận với cuộc đời làm công nhân sắp tới.
"Vậy đó, nhưng hằng đêm con vẫn ôm tập sách vuốt ve, tôi đau lắm" - bà Lệ rưng rưng.
"Thời gian này con sẽ đi hái ớt thuê cả ngày, cả đêm để kiếm đủ tiền học kỳ đầu. Còn những kỳ tiếp theo con sẽ làm thêm trên thành phố để có tiền đóng học phí" - Diệu Hiền vẫn thường thuyết phục mẹ như vậy để mẹ an tâm.
Bán máu để có tiền đi học
Trước khi biết đến học bổng "" của báo Tuổi Trẻ, Diệu Hiền đã bàn với mẹ ngoài 200.000 đồng tiền công hái ớt mướn, bạn sẽ đi bán máu để lấy tiền thuê trọ, đóng học phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận