TTCT - Đồng Nai, Bình Dương có hàng chục khu công nghiệp đang hoạt động và hàng triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Phần lớn họ là lao động nhập cư nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Khu nhà ở xã hội IDICO Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) với khoảng 1.400 căn hộ đã giải quyết nhu cầu nhà ở cho khoảng 3.500 công nhân. Ảnh: A LỘC Loay hoay với nhà ở xã hộiChạy dọc các con hẻm ở phường Long Bình, Trảng Dài, Tân Phong (TP Biên Hòa) là thấy hàng chục dãy nhà trọ với quy mô, cũ mới khác nhau. Điểm chung của chúng là hai dãy phòng đối diện nhau, ở giữa có lối đi chung rộng 2-3m.Mỗi phòng có diện tích từ 12-20m2, được thiết kế với một cửa chính, một cửa sổ, có gác lửng hoặc không. Trung bình mỗi phòng có từ 2-3 người, cũng có phòng đến 5-6 người cùng ở. Hơn 2 năm nay, chị Sao Mai (35 tuổi, quê Hà Tĩnh) cùng chồng và con nhỏ 3 tuổi dọn tới thuê trọ tại khu phố 11A, phường Tân Phong. Cũng như những người đang sống cùng dãy trọ, mọi sinh hoạt nấu ăn, giặt giũ, vệ sinh, ngủ nghỉ, dạy con học… đều gói gọn trong căn phòng chưa tới 20m2. Vợ chồng chị Mai từ quê vào Đồng Nai 10 năm nay. Chị làm nhà nước lương ổn định nhưng thấp, chồng chị làm công nhân trong Khu công nghiệp Amata. Trước đây, lương chồng chị chưa tới 5 triệu đồng vì công ty không tăng ca, sau đó chồng chị đổi qua công ty khác làm, lương có đỡ hơn chút nhưng vẫn không thể dành dụm được tiền mua nhà.Dãy trọ của chị có 14 phòng đối mặt nhau, mỗi phòng có ít nhất 3 người. “Nếu có nhà ở xã hội giá rẻ hay vừa tầm, vợ chồng tôi sẽ vay mượn để mua" - chị nói. Anh Nguyễn Văn Tùng (ngụ phường Trung Dũng, TP Biên Hòa) cho biết từ miền Trung vào Đồng Nai lập nghiệp gần 10 năm. Sau nhiều năm vất vả dành dụm, anh có được hơn 400 triệu đồng, dự tính mua một căn nhà nhưng mãi vẫn chưa kiếm được nhà giá phù hợp.“Chỗ nào rao bán nhà, bán đất giá rẻ chút là tôi đều chạy tới hỏi thăm nhưng vẫn chưa mua được. Ở trung tâm thì mỗi lô đất chưa có nhà đã hơn tỉ, còn các phường như Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình… cũng cả tỉ đồng một căn nhà cấp 4 nhưng không có giấy tờ, không thể thế chấp vay ngân hàng được”, anh Tùng đắn đo.Thiếu nhà ở xã hội trầm trọngTheo Sở Xây dựng Đồng Nai, toàn tỉnh có trên 20.000 cơ sở cho thuê nhà trọ tập trung với hơn 150.000 phòng, đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho NLĐ. Mặc dù các phòng trọ này rất chật hẹp, không đảm bảo các tiêu chuẩn nhưng do giá thấp nên thu hút được nhiều người thuê.Cũng theo Sở Xây dựng Đồng Nai, hiện có khoảng 410.000 NLĐ các khu công nghiệp trên địa bàn có nhu cầu về nhà ở, trong đó có hơn 320.000 người là lao động ngoại tỉnh. Ước tính, Đồng Nai cần ít nhất hơn 200.000 căn nhà giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của số lao động trên. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại Đồng Nai thời gian qua quá chậm. Theo mục tiêu, Đồng Nai phải xây dựng 21.500 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2014-2020, nhưng đến cuối năm 2020, tỉnh này mới hoàn thành 3.498 căn nhà ở xã hội (đạt 16,3% kế hoạch), trong đó có 1.581 căn nhà ở xã hội cho NLĐ.Nguyên nhân chủ yếu do tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội chậm, nhiều dự án đã xác định được chủ đầu tư nhưng đến nay chưa xây dựng; quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại dành để phát triển nhà ở xã hội đạt tỉ lệ thấp (khoảng 6%) do nhiều chủ đầu tư chưa triển khai dự án.Ngày 30-7, HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành nghị quyết 23 thông qua “Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030”, mục tiêu xây dựng 6.000 căn nhà ở xã hội, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025 xây dựng 2.500 căn nhà ở xã hội, diện tích sàn 200.000m2, vốn hơn 2.500 tỉ đồng. Giai đoạn 2026-2030 xây dựng thêm 3.500 căn nhà ở xã hội, tổng diện tích sàn 280.000m2, vốn đầu tư gần 4.800 tỉ đồng.Tuy nhiên, theo một chuyên gia bất động sản, số căn nhà ở xã hội này khó đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của hàng trăm ngàn NLĐ đang khó khăn về nhà ở tại Đồng Nai.Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Xây dựng mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết toàn tỉnh có hơn 400.000 công nhân có nhu cầu nhà ở. Trừ đi các trường hợp tự mua được nhà riêng, các đôi vợ chồng công nhân thì Đồng Nai còn thiếu hơn 200.000 căn nhà ở xã hội. Dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa, Đồng Nai góp phần giúp người dân an cư, lạc nghiệp - Ảnh: A LỘC Ông nói: “Sau đợt dịch tôi đã yêu cầu ngành xây dựng lên kế hoạch ngay chương trình phát triển nhà ở xã hội. Trong đó nói rõ các địa phương, đặc biệt những nơi có khu công nghiệp, phải đầu tư ít nhất từ 2-3 khu nhà ở xã hội”.Về quỹ đất làm nhà ở xã hội, Đồng Nai đã rà soát lại các dự án làm khu dân cư trên 10ha, khu đô thị 2ha trở lên; đưa một số vị trí đất công có thể chuyển thành nhà ở xã hội vào quy hoạch để xây dựng; chuyển các nhà trọ tư nhân xây theo kiểu lụp xụp quy mô 1-2ha sang làm nhà ở xã hội.Cũng theo ông Dũng, qua rà soát các khu thương mại dịch vụ quy hoạch trước đây trong 31 khu công nghiệp tại Đồng Nai hiện còn trống 132ha. Ông Dũng cho rằng đây là quỹ đất khá lớn và kiến nghị Bộ Xây dựng cho cơ chế để Đồng Nai trình lên Chính phủ xin cho địa phương điều chỉnh khu thương mại dịch vụ trong khu công nghiệp thành đất nhà ở xã hội. “Được một nửa trong số 132ha này sẽ giải quyết rất nhiều nhà ở cho công nhân”, ông Dũng tính toán.Khuyến khích tư nhân xây nhà trọ tiêu chuẩn nhà xã hộiSở Xây dựng Bình Dương cho biết tỉnh không đặt nặng việc xây nhà lưu trú cho công nhân mà chuyển sang xây nhà giá rẻ bán cho NLĐ. Trong giai đoạn 2011-2015, Bình Dương xây dựng 1.307.700m² nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho 110.907 người. Thời gian qua tỉnh Bình Dương đã thu hút được 86 dự án phát triển nhà ở xã hội các loại với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 200ha, tương đương với 3,9 triệu m2 sàn xây dựng.Thực tế, mô hình nhà ở xã hội giá thấp (100-150 triệu đồng/căn) được xem là thành công tại Bình Dương. Với lợi thế quỹ đất còn nhiều, Bình Dương đã xây dựng được nhiều block nhà 5 tầng với diện tích khoảng 30m2 mỗi căn hộ (gồm trệt và gác) và hàng ngàn công nhân đã có chỗ an cư tươm tất. Tuy nhiên, lãnh đạo Bình Dương cũng thừa nhận số lượng nhà ở xã hội chưa đủ cho nhu cầu của lượng lớn NLĐ các tỉnh khác đang làm việc tại Bình Dương.Ông Lê Quang Vinh, trưởng phòng quản lý nhà Sở Xây dựng Bình Dương, cho biết hiện trên Bình Dương chưa có nhà lưu trú cho công nhân. Vì vậy, những công nhân chưa mua được nhà ở xã hội phải ở các khu phòng trọ tự phát chật chội, ẩm thấp.“Sở Xây dựng Bình Dương đang xây dựng quy chuẩn xây nhà ở cho công nhân, NLĐ thuê để nâng cao chất lượng phòng trọ trên địa bàn trong khi chờ các dự án nhà lưu trú và nhà ở xã hội xây dựng”, ông Vinh nói.Cũng theo ông Vinh, Bình Dương đã có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội để NLĐ thuê theo quy định. Cụ thể, dự án xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn ngân sách được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Chủ đầu tư dự án được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi; hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội…Với nhà trọ do tư nhân đầu tư, Bình Dương khuyến khích hộ gia đình, cá nhân áp dụng tiêu chuẩn nhà ở xã hội, nhằm nâng cao chất lượng nhà cho thuê. Tags: Bình DươngNhà ở xã hộiNhà lưu trú công nhânNhà trọ công nhânĐồng NaiGiác mơ an cư
Người Việt chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới TRUNG NGHĨA 25/11/2024 Chị Nguyễn Thanh Bình (Hà Nội) là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Ama Dablam cao 6.812m trên dãy Himalayas sáng 9-11.
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Nước trên các sông dâng cao do mưa lớn, Huế khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học NHẬT LINH 25/11/2024 Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát thông báo khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn, nước các sông dâng rất nhanh.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.