Tình trạng hết xăng ở một số cửa hàng tái diễn ngay cả trước kỳ điều hành ngày 11-3 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Đó là nội dung được Bộ Công thương nêu ra trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa được gửi các đại biểu Quốc hội.
Theo Bộ Công thương, nguồn cung xăng dầu gặp khó trong bối cảnh Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính nên không có chi phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm.
Lọc dầu Nghi Sơn chưa rõ kế hoạch giao hàng sau tháng 4
Vì vậy, từ đầu tháng 1 năm 2022, nhà máy đã giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55-60% công suất.
Bộ Công thương cho hay, do cắt giảm công suất sản xuất nên việc giao hàng thực tế cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2-2022 đã bị giảm 50% so với kế hoạch.
Cụ thể, tháng 2 kế hoạch giao là 739.900m3, nhưng thực tế chỉ giao được 365.200m3; trong đó xăng giảm 40% và dầu DO giảm 58%. Tháng 3 giảm 20% so với kế hoạch giao là 680.000m3 nhưng dự kiến giao hàng chỉ là 556.000m3, trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%.
Bộ Công thương cho hay, ngay từ khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và huy động các nguồn xăng dầu từ nguồn dự trữ và từ các nhà sản xuất.
Vì vậy, nguồn cung xăng dầu trong 2 tháng cơ bản đáp ứng. Nhưng tháng 3, nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng xăng dầu từ sản xuất trong nước tiếp tục giảm so với kế hoạch 20%, nhưng nhờ tồn kho tháng 2 gối đầu sang nên cơ bản vẫn đáp ứng.
Hiện Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng trong tháng 4, tháng 5 và chưa rõ kế hoạch vận hành lại sau tháng 5.
Do đó, trên cơ sở làm việc với PVN, đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ Công thương thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý 2-2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Bộ Công thương ban hành quyết định số 242 giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước, nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong mọi tình huống.
Giá trong nước tăng thấp hơn giá thế giới
Về điều hành giá, Bộ Công thương lý giải việc điều hành sớm vào thời điểm Tết Nguyên đán sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý người dân, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và tác động lớn đến CPI cả nước, nên bộ đã kiến nghị cho phép được lựa chọn thời điểm điều hành giá phù hợp.
Theo đó, từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 đến kỳ ngày 11-3, 6 kỳ điều hành đều tăng thì giá xăng dầu các loại tăng từ 4.625 - 7.030 đồng/lít/kg. Giá xăng dầu được kiềm chế nhờ vào việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại.
Bộ Công thương cho rằng, đây là mức tăng thấp hơn so với đà tăng của giá xăng dầu thế giới. Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11-3 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44,01% đến 60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 24,91% - 39,56%.
Về giải pháp, Bộ Công thương cho hay sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu theo kế hoạch đã phân giao, điều hành giá bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường…
Tuy nhiên, bộ này cũng kiến nghị các ngân hàng cần tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp đầu mối để nhập khẩu kịp thời; rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở, các loại thuế, phí. Đồng thời, nhanh chóng khắc phục sự cố Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và có cam kết kế hoạch cung ứng ổn định để phục vụ thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận