Theo công bố của Bộ Công Thương, ngoại trừ giá xăng và dầu mazut 180CST 3.5S được giữ nguyên, các mặt hàng dầu đều tăng giá. Trong đó, dầu diesel 0.05S tăng thêm 410 đồng/lít và dầu hỏa tăng 374 đồng/lít.
Giảm chi quỹ vì lo giá xăng dầu còn tăng
Trong kỳ điều hành này, cơ quan quản lý không trích lập với tất cả các mặt hàng xăng dầu nhưng có điều chỉnh trong việc chi sử dụng quỹ. Cụ thể, không chi với dầu diesel và dầu hỏa nhưng chi quỹ với xăng và dầu mazut. Tuy nhiên, mức chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng E5RON92 chỉ 22 đồng/lít và xăng RON95 là 14 đồng/lít. Cần nhắc lại nhiều tháng qua nhà điều hành không "xả" quỹ với các mặt hàng xăng.
Trong khi đó, các mặt hàng dầu (gồm dầu hỏa và dầu diesel) tiếp tục tăng nhưng nhà điều hành không xả quỹ trong bốn kỳ liên tiếp gần đây. Nếu tính từ đầu năm đến nay, quỹ bình ổn chỉ "xả" ra một lần duy nhất vào ngày 1-8 ở mức 300 - 400 đồng/lít. Với mặt hàng dầu mazut, dù kỳ này có xả quỹ với 27 đồng, nâng tổng số tiền được chi trong bốn lần "xả" quỹ từ đầu năm đến nay lên 577 đồng/lít.
So với cùng kỳ năm trước, bình quân giá xăng dầu trong nước giảm gần 20%, song xu hướng tăng giá trở lại đang tạo áp lực lên chi phí sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính hồi tháng 7-2023, số dư quỹ bình ổn xăng dầu đang ở mức trên 7.400 tỉ đồng - một con số khá lớn.
Theo Bộ Công Thương, việc hạn chế trích quỹ bình ổn do lo ngại giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới, sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung, chưa kể việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) tiếp tục thắt chặt thị trường trong mùa đông...
Bộ Tài chính cũng dự báo giá năng lượng và các vật tư chiến lược vẫn biến động phức tạp do tác động từ diễn biến xung đột chính trị - quân sự Nga - Ukraine.
Việc OPEC+ dự kiến kế hoạch cắt giảm sản lượng đến hết năm 2024 cũng làm gia tăng mức độ biến động với giá các mặt hàng năng lượng như xăng dầu, khí đốt. Căn cứ diễn biến giá dầu thô và giá dầu thành phẩm thế giới, Bộ Công Thương dự báo giá bình quân dầu thô thế giới quý 3-2023 ở mức từ 87 - 92 USD/thùng, tương ứng dự báo giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu ở mức 90 - 98 USD/thùng.
Siết lại hoạt động quản lý quỹ bình ổn
Theo các quy định về kinh doanh xăng dầu, quỹ bình ổn xăng dầu sẽ do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nắm giữ, được hạch toán, theo dõi riêng bằng tài khoản mở tại ngân hàng. Quy định cũng nêu rõ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, không được sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác.
Nhưng trên thực tế, việc quản lý và sử dụng quỹ bình ổn đang phát sinh những bất cập. Chẳng hạn, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an (A09) khởi tố vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", Công ty Xuyên Việt Oil - một doanh nghiệp đầu mối lớn ở phía Nam - cũng đã bị Bộ Công Thương rút giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu.
Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa nộp tiền quỹ bình ổn mà đơn vị này đang nắm giữ, chưa kể khoản nợ thuế lên tới 1.531 tỉ đồng. Theo ông Phạm Văn Bình - cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cơ quan này đã có hai văn bản và gọi điện thoại đôn đốc Công ty Xuyên Việt Oil nộp lại tiền sau khi bị thu hồi giấy phép nhưng vẫn chưa nhận được báo cáo về việc nộp lại tiền từ doanh nghiệp này.
Cũng theo ông Bình, quan điểm của Bộ Tài chính là nếu vẫn duy trì quỹ bình ổn xăng dầu, cần có giải pháp quản lý đồng bộ hơn. Cụ thể, cần quy định rõ hơn vai trò trách nhiệm của ngân hàng với tài khoản doanh nghiệp xăng dầu mở tại đây hoặc đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động bán hàng xăng dầu nhằm minh bạch quản lý kinh doanh xăng dầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thương nhân đầu mối xăng dầu cho rằng việc quản lý quỹ bình ổn xăng dầu đang bộc lộ những bất cập. Các doanh nghiệp được quản lý quỹ trên cơ sở mở tài khoản ngân hàng nhưng trách nhiệm báo cáo "có phần lỏng lẻo" nên doanh nghiệp có thể báo cáo không đúng về tình trạng tồn dư của quỹ bình ổn, mà cơ quan quản lý cũng không kiểm soát được hoàn toàn.
"Gần đây cơ quan quản lý mới siết lại, quy định doanh nghiệp phải thường xuyên báo cáo về số dư quỹ bình ổn, bao gồm cả sao kê tài khoản ngân hàng cũng như việc trích lập, chi sử dụng quỹ để đảm bảo tính xác thực cao hơn", vị này thông tin.
Sức ép từ giá dầu thế giới
Đầu tuần mới, giá dầu thế giới giảm nhẹ do đồng USD mạnh hơn và do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc tác động đến triển vọng nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, giá dầu thô Brent vẫn tiếp tục trên mức 90 USD/thùng do ảnh hưởng từ kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga.
Theo Hãng tin Reuters, giá dầu thô Brent (tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) giảm 0,2% xuống còn 90,5 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,5% xuống còn 87,08 USD/thùng vào ngày 11-9. Giá dầu thế giới đã tăng trong hai tuần qua, với giá dầu Brent lần đầu tiên tăng lên mức 90 USD/thùng trong năm nay và là mức giá cao nhất kể từ tháng 11-2022.
Giá dầu tăng sau khi Saudi Arabia và Nga - hai nước thành viên trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) - thông báo kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện đến hết năm 2023, lên tới 1,3 triệu thùng dầu thô/ngày xuất khẩu từ hai nước này (gồm 1 triệu thùng của Saudi Arabia và 300.000 thùng của Nga).
Ông Mukesh Sahdev, trưởng bộ phận kinh doanh dầu tại Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, cho rằng tác động của các đợt cắt giảm sản lượng dầu mỏ do Saudi Arabia dẫn đầu sẽ trở nên rõ ràng hơn vào cuối năm nay khi các nhà máy lọc dầu hoàn tất bảo trì và tăng sản lượng.
Các nhà kinh doanh dầu mỏ cũng đang theo dõi xem liệu các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu có tiếp tục chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất hay không, bởi việc tăng lãi suất có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận