06/06/2024 08:07 GMT+7

Giá vé máy bay tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng 'rất bức xúc'

Sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tiếp tục 'đăng đàn' trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn  - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn - Ảnh: GIA HÂN

Theo chương trình làm việc, sáng 6-6, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Trước đó, trong chiều 5-6, Bộ trưởng Hùng đã trả lời chất vấn và tranh luận của nhiều đại biểu liên quan các nội dung chất vấn.

Cũng theo chương trình, sau khi kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng Hùng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ làm rõ một số vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn.

Giá vé máy bay tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng "rất bức xúc"

Trước đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 5-6, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) chỉ ra thực tế trong thời gian vừa qua, giá vận chuyển trong nước tăng cao, điển hình là giá vé máy bay tăng cao dẫn đến giá tour du lịch trong nước tăng cao so với tour quốc tế, điều này ảnh hưởng tới sự phục hồi chung của ngành du lịch.

"Xin bộ trưởng cho biết giải pháp của bộ về vấn đề này, nhất là về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp?" - đại biểu Lan nêu vấn đề.

Trả lời câu hỏi về việc giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay ông cũng rất bức xúc và thấy trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, ông cho rằng giá vé máy bay có trách nhiệm Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải.

"Nói như vậy không có nghĩa là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đứng ngoài cuộc. Vì giá vé máy bay tác động kinh tế xã hội nói chung, trong đó có lĩnh vực du lịch" - ông Hùng nói.

Do vậy, để trao đổi nghiệp vụ 2 bộ có liên quan, tham mưu Chính phủ, bộ đã tiến hành tổ chức hội thảo, diễn đàn, thu thập thêm thông tin và phân tích dữ liệu, lắng nghe từ các hội thảo và tọa đàm với hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch.

Qua đó cho thấy cơ cấu tour thì giá vé máy bay và dịch vụ chiếm 30-40%, giá vé tăng cao giảm năng lực cạnh tranh các tour.

Nghiên cứu cho thấy giá vé tăng vì phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở cảng sân bay, chi phí giá đầu vào nhiên liệu. Thời gian qua số máy bay phải bảo dưỡng, bảo hành định kỳ nhiều nên số lượng máy bay không nhiều như trước, từ đó ảnh hưởng giá vé.

Ông Hùng cho biết đã đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành chính sách, xem xét hỗ trợ giảm giá phí điều hành, để từ đó giảm giá vé máy bay.

Các hãng hàng không cũng đề xuất cố gắng có máy bay để đảm bảo các tuyến, thiết kế tăng cường chuyến bay đêm, khung giờ bay đảm bảo nhu cầu đi lại.

Các doanh nghiệp lữ hành được yêu cầu tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành...

Theo ông Hùng, các đề xuất trên đã được các cơ quan nhà nước, các hãng bay nghiên cứu, xem xét chấp thuận và Thủ tướng đã chỉ đạo. Do vậy, từ ngày 28-5 vừa rồi giá vé máy bay trên các tuyến đã giảm nhiệt.

"Khi ngồi lại với nhau, tính toán xem xét, tối ưu hóa với quan điểm của Thủ tướng, tìm ra giải pháp để lợi ích hài hòa và chia sẻ rủi ro nên có kết quả bước đầu" - ông Hùng nói.

Xây dựng công nghiệp văn hóa đòi hỏi tính sáng tạo, nghệ thuật

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu thực tế tại Việt Nam, sự phát triển công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ nhưng sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch.

"Rõ ràng phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch và ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa, mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững" - đại biểu đánh giá.

Từ đó đại biểu đặt câu hỏi tới bộ trưởng, cần thực hiện những giải pháp gì để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch?

Theo bộ trưởng, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 xác định Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý 5 nhóm ngành gồm: quảng cáo, điện ảnh, mỹ thuật nhiếp ảnh, triển lãm, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa.

Theo đó, bộ đã tổng kết và tham mưu với Chính phủ tổ chức hội nghị lần thứ nhất về phát triển công nghiệp văn hóa với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Hiện bộ đang xây dựng chỉ thị theo hướng công nghiệp văn hóa sáng tạo, bản sắc, độc đáo, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững… cùng với chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, ngành sẽ đóng góp khoảng 7% GDP vào năm 2030.

Ông Hùng cho biết hiện nay công nghiệp văn hóa mới chỉ chiếm 10-15% sản phẩm du lịch là chưa tương xứng, nên đòi hỏi tính sáng tạo và nghệ thuật.

Ví dụ với Quốc Tử Giám trước đây chỉ là học sinh đến vào mùa thi cử, nhưng Hà Nội đã thổi hồn là "tinh hoa đạo học" cả đêm cũng sáng đèn, di tích nhà tù Hỏa Lò lưu trữ ký ức hào hùng lịch sử nhưng đã thổi hồn vào bằng hoạt động thực cảnh vào buổi đêm, xây dựng hình tượng chiến sĩ cách mạng…

"Thời gian tới ta phải làm nhiều hơn nữa, tập trung đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa. Như Hàn Quốc đi đầu công nghiệp văn hóa, để có được sản phẩm hôm nay thì bộ trưởng của họ trao đổi rằng đã cử hàng ngàn sinh viên đến Mỹ đào tạo từ 40-50 năm trước và đây là các chuyên gia đóng góp cho ngành công nghiệp văn hóa" - ông Hùng nói.

Chủ tịch Quốc hội cho biết sáng nay 6-6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tiếp tục trả lời chất vấn đến 8h30, hiện còn 37 đại biểu đăng ký chất vấn.

Bộ trưởng trả lời chất vấn, tranh luận vấn đề 10 đại biểu đã đặt ra tại phiên chất vấn chiều qua.

Bộ trưởng chia sẻ hôm qua, ông đã báo cáo về những nội dung mà 45 đại biểu quan tâm, quá trình báo cáo làm rõ có thể đã đáp ứng mong muốn của đại biểu, nhưng cũng có thể có đại biểu chưa thực sự hài lòng do quỹ thời gian có hạn.

"Chúng tôi ý thức rằng việc chất vấn, báo cáo không chỉ tăng cường vai trò giám sát, phản ánh nguyện vọng chính đáng của cử tri đối với cơ quan quản lý nhà nước mà còn là sự quan tâm sâu sắc với lĩnh vực. Đảng ta xác định văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định và nhắc lại", Bộ trưởng Hùng nêu.

Ông bày tỏ rất cảm ơn và trong sâu thẳm nhận thức thấy có sự tương tác giữa đại biểu với đại biểu, chẳng qua là sự phân vai. "Bởi nếu chúng ta cùng là đại biểu sẽ hiểu được những điều chúng ta đang mong muốn và phản ánh vấn đề mà nhân dân, cử tri phản ánh đến người đại biểu. Vì vậy, từ tương tác này, với sự chân thành, làm được cái gì báo cáo cái đấy, chưa được cứ báo cáo chưa được để Quốc hội cùng tháo gỡ", bộ trưởng nói thêm.

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng việc xử lý tồn đọng Khu liên hợp thể thao quốc giaĐại biểu chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng việc xử lý tồn đọng Khu liên hợp thể thao quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tập trung rà soát, xử lý các kiến nghị của thanh tra, khắc phục những sai phạm Khu liên hợp thể thao quốc gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên