30/05/2020 20:16 GMT+7

Giá vé máy bay giảm, tour du lịch thêm phong phú

CÔNG TRUNG - THÁI THỊNH
CÔNG TRUNG - THÁI THỊNH

TTO - Việc các hãng hàng không tung ra nhiều ưu đãi về vé máy bay cũng như kết hợp với nhiều ưu đãi về nghỉ dưỡng tác động lớn tới việc xây dựng sản phẩm du lịch của các công ty lữ hành.

Giá vé máy bay giảm, tour du lịch thêm phong phú - Ảnh 1.

Hội nghị "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế" do Hội đồng tư vấn du lịch phối hợp cùng Bamboo Airways và các bên liên quan tổ chức ở Quy Nhơn chiều 30-5 - Ảnh: THÁI THỊNH

Bà Đoàn Thị Lộc - phó giám đốc Saigon Tourist - phát biểu như vậy tại hội nghị "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế" do Hội đồng tư vấn du lịch phối hợp cùng Bamboo Airways và các bên liên quan tổ chức ở Quy Nhơn chiều 30-5.

Vé rẻ, khách hưởng lợi

Theo bà Lộc, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí của tour. Vì vậy, các công ty thường đàm phán giá cả với nhà hàng, khu vui chơi giải trí... nhằm xây dựng những sản phẩm tốt, kích thích nhu cầu du lịch của người dân.

Vẫn có tâm lý dịch COVID-19 khiến người dân ngại sử dụng những sản phẩm phải di chuyển bằng máy bay. Tuy nhiên, với việc các hãng hàng không tung vé giá rẻ như hiện nay, khách hàng sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Theo bà Lộc, việc giảm giá vé máy bay mang tới sự phong phú và đa dạng cho các sản phẩm du lịch, tour nghỉ dưỡng có giá cả hợp túi tiền. Khi các hãng hàng không muốn kích cầu du lịch nội địa, họ đưa ra nhiều lựa chọn hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lựa chọn.

"Trước đây, hàng không thường thiếu chỗ, các công ty lữ hành thường đưa ra những tour có giờ bay không đẹp như đi sớm, về sớm. Các hãng cũng linh động trong điều chỉnh chính sách như trước 10 khách mới được áp dụng vé đoàn thì giờ chỉ cần 6 khách. Những điều này tạo điều kiện cho lữ hành nâng cao phục vụ, hạn chế rủi ro", bà Lộc nói.

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Quang - tổng giám đốc Công ty Dolphin Tour - lưu ý giảm giá chỉ nên là giải pháp tức thời. Doanh nghiệp muốn phát triển đường dài phải kích thích, thu hút nhu cầu nâng cao của khách hàng. Dịch vụ địa phương, ăn uống, lưu trú phải luôn luôn đổi mới để đáp ứng nhu cầu nâng cao, chứ không chỉ nhu cầu cơ bản của khách hàng. Như vậy, ngành hàng không, du lịch mới có sức sống cơ bản trong thị trường nội địa...

Không chỉ bàn về việc khôi phục hàng không, du lịch, tại hội nghị các doanh nghiệp, chuyên gia thảo luận về việc dự kiến 1-7 sẽ mở cửa đón khách quốc tế.

Ông Lưu Đức Kế - phó giám đốc Công ty truyền thông Du lịch Việt - cho rằng hiện nay chúng ta đang chung tay khởi động lại du lịch nội địa, nhưng muốn sống được phải nhờ thị trường quốc tế. Theo ông Kế, cần phải chuẩn bị, khắc phục những điều chưa tốt để đón nhận luồng khách quốc tế bài bản.

Ưu tiên hàng không nội địa

Về ngành hàng không, ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch Bamboo Airways - cho biết hiện hãng mở lại 90% chuyến bay tại các sân bay, cơ bản đã hanh thông. Đầu tháng 6 sẽ phủ kín các đường bay. Nếu nhu cầu đi lại của hành khách trở lại bình thường, chậm nhất tháng 7 Bamboo sẽ có số chuyến bay bằng trước dịch.

Dù tần suất các hãng bay đã tăng, mạng bay nội địa hầu hết được kết nối trở lại, song khó khăn vẫn còn khi số lượng máy bay "nằm đất" của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways vẫn còn nhiều.

Ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết tạo điều kiện tối đa theo nhu cầu, không hạn chế về tần suất. Trừ trường hợp Tân Sơn Nhất và Nội Bài vì gặp nhiều khó khăn trong việc cất hạ cánh, nguyên nhân do đội máy bay đậu chờ chưa thể giải phóng sân đỗ.

Ông Cường cho biết Bamboo Airways còn hơn 50% máy bay chưa khai thác, VietJet Air tương tự, tỉ lệ này với Vietnam Airlines lớn hơn. Chỉ khi các hãng được cất cánh thì vấn đề về cơ sở hạ tầng mới được giải quyết.

TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn của Chính phủ, cho rằng hàng không Việt tới thời điểm này "trụ được là quá giỏi": "Trong lúc chờ phục hồi hàng không quốc tế thì hàng không nội địa cần ưu tiên. Phối hợp 'tay ba' hàng không - điểm du lịch - lữ hành để tạo các gói phát triển, xử lý những khó khăn mà tôi gọi là 'chòi đạp để trỗi dậy'. Phải đột phá trong đột phá".

Gần 50% du khách Việt không muốn bỏ kế hoạch đi du lịch sau dịch Gần 50% du khách Việt không muốn bỏ kế hoạch đi du lịch sau dịch

TTO - Mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế và thu nhập cũng như tâm lý sợ dịch bệnh bùng phát trở lại khi đi du lịch của rất nhiều người, tuy nhiên, du khách Việt Nam không vì thế mà từ bỏ ý định đi du lịch của mình trong năm 2020.

CÔNG TRUNG - THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên