Tuổi Trẻ Online đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Văn Siêu, phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, liên quan đến tác động của việc giá vé máy bay neo thời gian qua.
Ông Siêu cho rằng đây là lúc nhiều doanh nghiệp cần phải sử dụng "nguồn lực từ tư duy" để đa dạng hóa các loại phương tiện vận tải, tạo ra những sản phẩm du lịch mới.
* Thưa ông, giá vé trong nước neo cao tác động thế nào đến chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam"?
- Hiện nay giá vé máy bay khá cao, chi phí cho vận tải tăng lên, tất nhiên chi phí cho chuyến du lịch cũng tăng lên, làm ảnh hưởng đến nhu cầu của khách.
Trước đây đến mùa cao điểm, vì mất cân đối giữa cung và cầu thì giá vé máy bay mới lên cao. Tuy nhiên như hiện nay giá cao sẽ tạo ra nhiều sức ép hơn cho điểm đến.
Đương nhiên khi cầu vượt cung thì sức ép không riêng gì lĩnh vực hàng không, nhưng nếu giá vé chặng bay trong nước xấp xỉ với bay đến các quốc gia lân cận thì du khách trong nước có nhiều sự lựa chọn nước.
* Khi giá vé máy bay lên cao, khách du lịch và doanh nghiệp lữ hành cần chuẩn bị gì?
- Tôi cho rằng những lúc như thế này là dịp rất cần những phương tiện truyền thông đưa tin kịp thời để du khách có phương án, kế hoạch đi du lịch, và doanh nghiệp lữ hành cũng phải chủ động hơn...
Đang có nhiều yếu tố tác động đến giá dịch vụ hàng không, tuy nhiên nên nhìn nhận "trong nguy có cơ" khi cũng là cơ hội tốt để khai phá, phát triển những sản phẩm, hình thức vận tải khác.
Du lịch trong nước cần đa dạng hóa những sản phẩm phục vụ khách, đa dạng hóa những điểm đến, đa dạng hóa phương tiện…
* Cụ thể những sản phẩm du lịch nào có thể tận dụng cơ hội này để phát triển?
- Các doanh nghiệp ngoài việc phải tăng cường kết nối với các đầu mối giao thông cả về đường hàng không, đường sắt, đường sông với đường biển, đường bộ để đa dạng hóa dịch vụ thì cần biến nó thành cơ hội để tạo ra sản phẩm mới, trải nghiệm mới.
Ví dụ dịch vụ trải nghiệm trên đường sắt, chúng ta có nhiều cung đường có nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc.
Người ta không chỉ di chuyển, mà người ta còn trải nghiệm trên chuyến hành trình như việc khai trương tuyến đường di sản nối Huế với Đà Nẵng vừa qua.
Với đường biển cũng vậy, thay vì chỉ phát triển được những chặng ngắn, chặng ra đảo như hiện nay thì đây cũng là cơ hội để tạo ra được nhiều "vòng cung" kết nối các điểm từ Bắc - Nam từ Móng Cái đến Cà Mau.
Du lịch đường biển có cái thú vị là mang đến cả trải nghiệm trên biển và cả những điểm cập bến, trải nghiệm mới là sản phẩm du lịch mới. Tôi đánh giá đây là cơ hội cho ngành hàng hải, cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư những tàu lớn đi từ Bắc tới Nam.
Đồng thời du lịch đường bộ cũng sẽ có cơ hội phát triển khi cả nước hoàn thiện hệ thống cao tốc. Các điểm đến ven đô thị, điểm đến vệ tinh phù hợp với di chuyển ô tô cá nhân cũng có nhiều cơ hội.
Người Việt ra nước ngoài du lịch năm 2023 bằng 1/2 thời điểm trước dịch
Tại buổi công bố chương trình kích cầu và thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng (Enjoy Danang 2024), ông Hà Văn Siêu, phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho biết trong năm 2023 có khoảng 5 triệu lượt người Việt ra nước ngoài du lịch. Trong khi đó năm 2018 có khoảng 10 triệu lượt người Việt ra nước ngoài du lịch.
Ông Siêu đánh giá Đà Nẵng là địa phương có nhiều sáng tạo trong hoạt động quảng bá du lịch. Không chỉ là điểm sáng về kích cầu du lịch và thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng, mà qua đó góp phần tăng trưởng cho ngành du lịch Việt Nam nói chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận