Dù các hãng hàng không khẳng định đã bán vé đúng quy định, không vượt giá trần nhưng theo các doanh nghiệp du lịch, giá vé bay tăng cao như năm nay là rất bất thường, gây tác động tiêu cực đến nhu cầu di chuyển của người dân, nhất là trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này.
Giá cao "hết hồn"
Gia đình chị Nguyễn Mỹ Chi (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết sau khi tham khảo giá vé đi Phú Quốc và Thái Lan không chênh lệch bao nhiêu, chị quyết định chuyển đi từ nội địa sang bay quốc tế cho chuyến đi chơi dịp lễ này.
"Bay trong nước mà giá ngang ngửa bay quốc tế, tôi tin số đông người sẽ ưu tiên bay đi nước ngoài chơi thay vì đi du lịch trong nước" - chị Chi nói.
Nhiều gia đình, du khách đã chuyển kế hoạch đi du lịch nước ngoài khi phát hiện giá vé máy bay trong nước quá cao, trong khi giá chặng quốc tế lại rẻ bất ngờ, thậm chí giá vé bay quốc tế ở một số chặng còn rẻ hơn đường bay trong nước.
Gia đình anh Phương (ngụ Q.7) cho biết sẽ đi Úc trong dịp 30-4 và 1-5 năm nay vì giá vé máy bay của Vietjet khứ hồi chỉ có hơn 6 triệu đồng/người.
"Ban đầu kế hoạch của chúng tôi là đi các tỉnh phía Bắc, nhưng khi lên đặt vé máy bay thì... hết hồn, hơn 13 triệu đồng cho hai vợ chồng. Giá vé đi Úc rẻ, chúng tôi làm visa trong hai tuần, kế hoạch đặt phòng, các điểm vui chơi cũng rất thuận lợi", anh Phương cho biết. Không chỉ Úc, nhiều đường bay đến các điểm du lịch như Thái Lan, Nhật Bản, Uzbekistan... cũng có mức giá rẻ không tưởng.
Trong khi đó, dù còn gần một tháng nữa mới đến giai đoạn nghỉ lễ, các hãng công bố tăng chuyến nhưng giá vé máy bay vẫn tiếp tục tăng cao khiến nhiều khách hàng lăn tăn trong việc đi du lịch trong giai đoạn này.
Theo khảo sát ngày 4-4 trên website bán vé của các hãng bay, chúng tôi ghi nhận giá vé bay từ 28-4 đến 4-5 "nhảy múa" từng giờ, một số chặng bay thông báo hết vé phổ thông, chỉ còn hạng thương gia.
Chẳng hạn chặng bay TP.HCM - Phú Quốc, giá rẻ nhất cho hành trình khứ hồi (gồm thuế phí) của Vietjet là 3,5 triệu đồng; Bamboo Airways và Vietnam Airlines dao động 3,6 - 4 triệu đồng. Nếu khách bay từ Hà Nội đến Phú Quốc, giá vé cao gấp đôi, Vietnam Airlines mở bán 8,5 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi, Vietjet và Bamboo Airways có giá từ 7,9 - 8,3 triệu đồng/vé.
Tương tự, chặng bay TP.HCM - Đà Nẵng vào dịp lễ 30-4 có giá 1,5 - 2,5 triệu đồng/vé, khứ hồi hơn 5 triệu đồng/vé/khách, gấp đôi giá vé ngày thường.
Cũng hành trình như trên, giá vé khứ hồi từ TP.HCM - Thái Lan rẻ nhất của Vietjet 3,2 - 4 triệu đồng; Vietnam Airlines và Bamboo Airways 4,1 - 5 triệu đồng. Trong khi đó, bay từ TP.HCM - Singapore, vé khứ hồi các hãng mở bán 5,5 triệu đồng, còn rẻ hơn chặng bay từ Hà Nội - Phú Quốc.
Vì sao giá vé bay quá cao?
Giám đốc kinh doanh của một hãng du lịch ở TP.HCM cho biết trong những năm gần đây, khách có xu hướng đi tự túc bằng phương tiện cá nhân, một phần vì giá vé máy bay tăng cao. Tuy nhiên, tăng cao như năm nay là rất bất thường và có thể tác động ngược lên nhu cầu di chuyển của người dân.
Theo vị này, để kích cầu du lịch sau dịch, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với nhiều địa phương để cho ra sản phẩm mới, giá tốt nhưng kết quả không như mong đợi. "Trong khi đó, làm việc với các chính quyền địa phương cũng như các tổng cục du lịch như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... chúng tôi nhận được rất nhiều hỗ trợ để tăng khuyến mãi giảm giá, tặng quà cho du khách rất thiết thực", vị này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hãng bay cho biết các hãng bán vé với giá theo đúng quy định. Giá vé tăng là do cung cầu thị trường, khách có nhu cầu cao đột biến, dải vé rẻ nhanh chóng cạn và chỉ còn hạng vé cao.
"Trên một chuyến bay có người ngồi bên mua được vé 1 triệu nhưng có người mua vé 2 triệu. Có 12 dải vé được hãng mở bán từ thấp đến cao. Hành khách mua sớm được giá tốt hơn, mua sát ngày bay vé giá cao", vị này lý giải.
Cũng theo vị này, một lý do nữa là việc khó tăng chuyến trong dịp lễ 30-4 cũng ảnh hưởng đến nguồn cung. Các hãng bay theo lịch bay mùa, lượng vé từ tháng 4 đến tháng 8 với lượt cất hạ cánh (slot) đã đăng ký, trong khi Tân Sơn Nhất và Nội Bài gần như kín slot ban ngày nên khả năng tăng chuyến thấp.
Ngoài ra các hãng đang mở rộng mạng bay quốc tế nên việc phân bổ nguồn lực bay nội địa có sự thay đổi so với trước đây.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, tỉ lệ ôm vé của các đại lý lớn cũng ít nhiều làm xáo trộn cung - cầu cũng như giá vé. Theo đó, công ty du lịch hoặc đại lý cấp 1 của hãng bay ôm seri vé trên một chuyến bay.
Chẳng hạn một chuyến bay hơn 200 ghế, có đại lý mua 30% số lượng ghế với một mức giá cố định và thanh toán tiền cho hãng bay. Số ghế này được doanh nghiệp phân phối cho đại lý cấp dưới với mức giá theo thị trường.
"Nhất là mùa cao điểm, nhiều nơi cứ ôm khư khư vé để giá lên cao mới bán. Có thể trên website hết vé, nghĩ là chuyến bay đầy khách nhưng có thời điểm bạn lên máy bay vẫn còn trống nhiều chỗ. Có thể đây là dấu hiệu việc ôm vé của các đại lý" - chuyên gia này nói.
Giá tour không bị ảnh hưởng do mua vé sớm
Giá vé máy bay tăng sốc có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đi du lịch tự túc của nhiều gia đình. Nhưng theo các doanh nghiệp, nhờ đặt seri vé từ sớm nên các tour du lịch bán cho khách vẫn được mức giá tốt. Việc giá vé máy bay tăng cao sẽ khiến nhiều điểm đến xa các thành phố lớn sụt giảm khách.
Bà Trần Phương Linh, giám đốc tiếp thị - công nghệ thông tin BenThanh Tourist, cho biết hiện nay toàn bộ tour khởi hành dịp lễ 30-4 và 1-5 đã đóng. Công ty có mở thêm một số tour đi Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan nhưng cũng nhanh chóng kết sổ sớm.
"Ngay từ sau Tết, khách đã tìm hiểu tour dịp lễ và chốt nhanh nên giá cả tour xuất ngoại khá ổn định. Trong khi đó, giá tour trong nước tăng từ 10 - 20% tùy đường tour, chủ yếu do giá dịch vụ ở điểm đến tăng, chi phí vận tải...", bà Phương Linh thông tin.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, giám đốc tiếp thị của Vietravel, cho biết tính đến thời điểm này đã có hơn 6.000 lượt khách đặt tour dịp lễ 30-4 và 1-5, trong đó lượng khách du lịch nội địa chiếm hơn 27%, còn du lịch nước ngoài chiếm gần 73%. Trong khi giá tour nội địa chịu áp lực tăng giá, tour đi các nước lại khá mềm nhờ giá vé máy bay hợp lý.
"Du khách quan tâm nhiều các tour du lịch đến Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Dubai... với hành trình tour được xây dựng mới, thêm nhiều điểm tham quan và trải nghiệm nhưng vẫn giữ nguyên mức giá so với trước dịch, chỉ từ 8 triệu đồng", bà Khanh nói.
Nhật Bản hút du khách Việt như thế nào?
Vào những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4-2023, sân bay Fukushima (Nhật Bản) nhộn nhịp đón các chuyến bay thuê bao (charter) chở khách du lịch Việt sang Nhật Bản để ngắm hoa anh đào vào mùa nở rộ.
Đặc biệt sân bay này có biển chỉ dẫn, phiên dịch tiếng Việt, khách hàng dễ dàng nhập cảnh và đi lại ở sân bay này. Để thu hút du khách Việt, tỉnh Fukushima đã ban hành một số chính sách giảm giá để hỗ trợ hãng bay và công ty du lịch.
Trong đó hãng bay được giảm giá dịch vụ ở sân bay, công ty lữ hành được hỗ trợ giá ở khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan. Nhờ vậy doanh nghiệp thiết kế tour với chi phí hợp lý, điểm đến mới để đưa khách tới Nhật nhiều hơn.
CÔNG TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận