Ngày 28-2, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng có buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên và các chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông qua tỉnh này.
Giá vật liệu quá cao so với tỉnh lân cận
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Quyết Tiến - quyền cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ Giao thông vận tải - cho hay dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông qua tỉnh Phú Yên có hai dự án thành phần gồm đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh dài 42,1km và đoạn Chí Thạnh - Vân Phong dài 48,1km.
Dự án được khởi công vào ngày 1-1-2023 nhưng đến nay các nhà thầu mới chỉ làm lán trại, phòng thí nghiệm, nhà điều hành..., khối lượng thi công thực tế chưa nhiều.
Lý do là đến nay Phú Yên đã bàn giao mặt bằng của 73,54km/90,12km, đạt 81,5%. "Tuy nhiên chỉ có 35,24km/90,2km (chiếm 39,1%) là tổ chức thi công được" - ông Tiến nói.
Trên diện tích đã được bàn giao, một số nơi dân cản trở thi công do chưa nhận được tiền bồi thường kịp thời, một số diện tích đất do Nhà nước quản lý nhưng dân canh tác nhiều năm hiện chưa có phương án bồi thường, mới có 2/12 dự án tái định cư được thi công nên chưa thể giải tỏa hết các hộ dân phải di dời…
"Qua rà soát, so sánh một số giá vật liệu chủ yếu cho dự án ở các địa phương Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đang có sự chênh lệch giá tương đối lớn. Ví dụ đá 1cm x 2cm Bình Định công bố giá 243.000 đồng/m3, Phú Yên công bố 459.000 đồng/m3; cấp phối đá dăm Bình Định công bố 127.000 đồng/m3 nhưng Phú Yên 299.000 đồng/m3; cát Bình Định có giá 95.000 đồng/m3, còn Phú Yên là 190.000 đồng/m3; đất Bình Định công bố 30.000 đồng/m3, còn Phú Yên là 120.000 đồng/m3" - ông Tiến cho hay.
Một nhà thầu cho rằng giá cát của tỉnh Phú Yên công bố 190.000 đồng/m3 đã cao, nhưng khảo sát giá từ chủ mỏ còn cao hơn, đến gần 300.000 đồng/m3.
Công an, thanh tra cần vào cuộc
Khá bức xúc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng Phú Yên còn rất nhiều mỏ vật liệu xây dựng thông thường, nhưng giá công bố lại cao, chênh lệch quá lớn so với địa phương lân cận.
Thống nhất việc các mỏ đất phục vụ dự án là liên quan đến thỏa thuận giữa nhà thầu với chủ đất, nhưng ông Thắng đề nghị tỉnh phải "cầm trịch". Ông nói hầu hết các mỏ đất là người dân thuê, không phải đất thổ cư.
"Đơn giá đền bù thì Nhà nước đã có quy định rồi, nên nếu tăng cỡ 1,5 lần là kịch khung rồi, còn nâng cao 3-4 lần là không thể chấp nhận, là có vấn đề, nên công an tỉnh phải vào cuộc" - bộ trưởng đề nghị.
Ông Tạ Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - thừa nhận: "Giá vật liệu xây dựng thông thường ở Phú Yên trước đây đã cao, chứ không phải khi làm đường cao tốc mới cao. Trước Tết tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra để đánh giá chung về giá vật liệu xây dựng thông thường. Trong tuần tới UBND tỉnh sẽ mời hai ban quản lý, các nhà thầu, sở, ngành của tỉnh và các chủ mỏ làm việc về giá vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ dự án này" - ông Tuấn nói.
Cam kết giao 100% mặt bằng đúng tiến độ
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn yêu cầu các địa phương phối hợp với hai ban quản lý dự án và các nhà thầu xử lý ngay các điểm nghẽn trong 1-2 tuần tới. Đó là các diện tích đất yếu cần thời gian bù lún dài, các vị trí phục vụ thi công cầu Kỳ Lộ, cầu Đà Rằng, cầu Bàn Thạch, hai bên cửa hầm xuyên núi ở huyện Tuy An…
Hai khu tái định cư đã triển khai thì đẩy nhanh tiến độ, 10 khu còn lại phải khởi công xây dựng trong tháng 3. Phú Yên cam kết đến cuối tháng 6-2023 bàn giao toàn bộ mặt bằng làm dự án như nghị quyết của Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận