Lúc 23h ngày 22-4, giá vàng thế giới giảm về mức 2.337,5 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 71,82 triệu đồng/lượng.
Rủi ro khi 'bắt dao rơi'
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, chiều 22-4 các công ty vàng đều nâng nhẹ giá mua bán vàng miếng SJC so với buổi sáng.
Sáng 22-4, Công ty DOJI niêm yết giá mua vào vàng miếng SJC chỉ còn 80,9 triệu đồng/lượng, bán ra 83,35 triệu đồng/lượng.
Đến cuối ngày giá bán vàng nhích nhẹ lên 83,45 triệu đồng/lượng, mua vào 81 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty SJC có lúc giá mua vàng rớt về 80,9 triệu đồng/lượng, bán ra lúc 9h sáng còn 83,2 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng/lượng so với cuối tuần.
Đến cuối ngày giá bán vàng miếng tại Công ty SJC tăng lên mức 83,5 triệu đồng/lượng, mua vào 81 triệu đồng/lượng.
Còn các tiệm vàng giá bán vàng miếng SJC cuối ngày ở mức 83,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn 200.000 - 300.000 đồng/lượng so với giá bán vàng tại các công ty lớn, tuy nhiên giá mua vào cao hơn, ở mức 81,6 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, chênh lệch giữa giá mua - bán vàng miếng SJC đang rất cao, dao động khoảng 2,5 triệu đồng/lượng. Mức giá mua vào tại các công ty vàng lớn cuối ngày hôm nay chốt chặn ở mức 81 triệu đồng/lượng, chỉ nhỉnh hơn 300.000 đồng so với mức giá tham chiếu đặt cọc mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vào phiên ngày mai.
Ngược lại, giá vàng nhẫn 9999 cuối ngày 22-4 lao dốc mạnh theo giá vàng thế giới. Công ty SJC giảm giá bán vàng nhẫn 600.000 đồng/lượng, bán ra còn 75,9 triệu đồng/lượng, mua vào 74 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty DOJI, giá bán vàng nhẫn 9999 ở mức 76,35 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước, mua vào 74,65 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá mua bán vàng nhẫn 9999 ở mức 76,22 triệu đồng/lượng, mua vào 74,52 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng nhẫn đang cao hơn 4,08 triệu đồng/lượng, còn giá vàng miếng cao hơn 11,38 triệu đồng/lượng.
Các công ty vàng có dám mạo hiểm ôm vàng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối nay, nhiều chuyên gia dự báo sau một thời gian dài tăng nóng, giá vàng thế giới đang đối mặt với điều chỉnh mạnh do áp lực chốt lời.
Trong nước, sau khi hủy phiên đấu thầu vàng sáng nay do không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thông báo về phiên đấu thầu vàng miếng dự kiến vào 9h sáng 23-4.
Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu ngày 23-4 vẫn là 16.800 lượng, tương đương 631 ký vàng.
Các quy định vẫn như cũ, tuy nhiên giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc đã giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với mức giá của ngày 22-4, còn 80,7 triệu đồng/lượng.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu: 14 lô, tương đương 1.400 lượng, tối đa là 2.000 lượng.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng giảm liên tục như hiện nay, rất ít công ty vàng có can đảm để "ôm" một lúc 1.400 lượng vàng.
Ông Huỳnh Trung Khánh - phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam - cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng ở thời điểm này, khi giá vàng miếng SJC bán ra trên thị trường đang ở mức 83,5 triệu đồng/lượng và lại yêu cầu số lượng mua tối thiểu là 1.400 lượng cũng khiến các đơn vị tham gia đấu giá hết sức cân nhắc.
Vì 1.400 lượng vàng miếng SJC ở thời điểm này tương đương hơn 116 tỉ đồng. Bỏ ra số tiền khổng lồ nếu trúng thầu nhưng không biết có tiêu thụ kịp không vì sức mua của thị trường lúc này rất chậm.
"Tôi có tham khảo một số doanh nghiệp vàng thì 1.400 lượng tương đương số lượng vàng mà họ bán ra trong vòng một tuần. Chưa kể rủi ro về giá vì giá vàng thế giới hiện nay biến động trong biên độ rất lớn.
Sức mua của thị trường còn là ẩn số vì khi có thêm nguồn cung vàng miếng SJC lớn được cung ra thị trường, thì yếu tố tâm lý được giải tỏa, khi đó người dân cũng bán ra thay vì mua vào", ông Khánh nói.
Nhiều chuyên gia cũng dự báo có thể trong phiên đấu thầu đầu tiên sau 11 năm, nhiều công ty vàng sẽ chỉ quan sát chứ không dám mạnh tay vì mức giá sàn gần bằng mức giá mua vào từ thị trường, trong khi ở đây là mua sỉ, tối thiểu là 1.400 lượng.
Trước đó trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên vào ngày 28-3-2013 có 21 ngân hàng và doanh nghiệp đăng ký nhưng chỉ 17 đơn vị chính thức tham gia phiên đấu thầu. Tuy nhiên có đến 15 đơn vị bỏ phiếu trắng.
Kết quả chỉ có hai đơn vị trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng, giá trúng thầu bằng mức giá sàn. Ở phiên đấu thầu đầu tiên này, Ngân hàng Nhà nước "ế" 24.000 lượng vàng.
Khó tiêu thụ hết 16.800 lượng vàng
Từng đại diện một công ty vàng lớn tham gia nhiều phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm 11 năm trước đây, ông Nguyễn Ngọc Trọng - giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) - cho biết thị trường vàng ở thời điểm này rất khác so với năm 2013.
Năm 2013 quy mô thị trường vàng rất lớn. Các ngân hàng cũng phải mua vàng để tất toán khi chấm dứt huy động và cho vay vàng theo quy định của nghị định 24.
Do vậy các công ty vàng và ngân hàng tham gia đấu thầu với tâm thế tính toán xem mua được với giá nào và với giá mua đó có thể lời được bao nhiêu. Do vậy vào phiên đấu thầu chỉ cần Ngân hàng Nhà nước phát giá là trong tích tắc có thể quyết định mua hay không.
Còn nay tình hình đã khác hẳn vì quy mô thị trường vàng rất nhỏ, các ngân hàng cũng không còn nhu cầu mua vàng tất toán trạng thái. Các chành vàng và mối sỉ giờ co cụm, nghỉ gần hết.
"Ôm 1.400 lượng vàng các ngân hàng và công ty vàng phải trả lời được câu hỏi bán cho ai, và ai sẽ là người mua nếu như những đơn vị trúng đấu thầu vàng đồng loạt bán ra.
Giá vàng thế giới lại đang trên đà đi xuống. Do vậy khả năng 16.800 lượng vàng miếng SJC mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu giá ngày mai khó mà hấp thụ hết", ông Trọng dự báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận