Báo cáo vừa công bố về xu hướng nhu cầu vàng quý 1-2024 của Hội đồng vàng thế giới cho thấy tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.238 tấn, đánh dấu quý 1 tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.
Con số nêu trên bao gồm lượng mua vào của thị trường phi tập trung (OTC). Nếu không tính OTC, nhu cầu vàng giảm 5% xuống còn 1.102 tấn so với cùng kỳ quý 1 năm 2023.
Vì sao nhu cầu vàng ở Việt Nam tăng vọt?
Trong đó, báo cáo chỉ ra riêng ở Việt Nam, nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu tăng 12%, với tổng nhu cầu tiêu dùng tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hội đồng vàng thế giới, sự đầu tư vàng mạnh mẽ từ thị trường OTC, sức mua liên tục của ngân hàng trung ương và sự gia tăng mua vàng từ các khách hàng châu Á đã đẩy giá vàng trung bình hằng quý lên mức cao kỷ lục là 2.070 USD/ounce - tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 5% so với cùng kỳ quý trước.
Trong đó, các ngân hàng trung ương tích cực mua thêm vàng, bổ sung thêm 290 tấn vàng vào kho dự trữ trong quý 1.
"Hoạt động mua vào liên tục và với khối lượng lớn của khối ngân hàng chính thống nhấn mạnh tầm quan trọng của vàng trong danh mục tài sản dự trữ quốc tế trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và rủi ro gia tăng", báo cáo chỉ ra.
Tại Việt Nam, báo cáo cho biết nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu của Việt Nam trong quý 1 vừa qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất kể từ năm 2015.
Theo chuyên gia Hội đồng vàng thế giới, các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý 1.
Đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao, dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát và đồng nội tệ mất giá so với đồng USD.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sáng nay 7-5, giá bán vàng miếng SJC đã lên mức cao nhất 87,5 triệu đồng/lượng, tăng 2 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn từ 16,21 triệu đồng/lượng, cao hơn khoảng 6,68 triệu đồng/lượng so với trước khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng miếng SJC để nhằm tăng cung ra thị trường.
Ông Shaokai Fan, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm giám đốc ngân hàng trung ương toàn cầu tại Hội đồng vàng thế giới, cho biết: "Đồng nội tệ mất giá là chủ đề phổ biến ở các thị trường ASEAN khi chúng tôi theo dõi các khía cạnh trong xu hướng nhu cầu vàng".
Điều này theo vị chuyên gia, đã thúc đẩy nhu cầu tìm đến vàng như một kênh lưu trữ an toàn/bảo toàn tài sản, cũng như thu hút các nhà đầu tư nhờ có được lợi nhuận cao nhất theo giá vàng địa phương.
Vậy bao giờ đồng VND ngưng mất giá?
Chỉ số USD duy trì vị thế khi Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất trước các dữ liệu kinh tế khả quan và lạm phát vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát.
Điều này gây áp lực lên tỉ giá trong nước. Tiền đồng Việt Nam đã mất giá hơn 4% kể từ đầu năm, một trong những nguyên nhân đẩy nhu cầu vàng tăng lên.
Trong báo cáo vừa công bố, đội ngũ phân tích Chứng khoán MB (MBS) cho biết tỉ giá đã ổn định hơn sau loạt giải pháp can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước.
Tính đến cuối tháng 4, tỉ giá USD/VND liên ngân hàng ở mức 25.415 VND/USD, giảm nhẹ 0,1% kể từ đỉnh ngày 23-4 và tăng 4,4% kể từ đầu năm.
Nhìn chung, diễn biến của đồng VND vẫn khá tương đồng với các đồng tiền khác trong khu vực: baht Thái (giảm 7,8%), Malaysia ringgit (-3,8%), Singapore dollar (-3,4%)...
Chuyên gia MBS cho rằng tỉ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 - 25.300 VND/USD trong quý 2 năm nay dưới những yếu tố tích cực.
Thứ nhất, Chính phủ đã có những chỉ đạo kiểm soát để bình ổn thị trường vàng; thứ hai, những yếu tố vĩ mô tích cực sẽ hỗ trợ như thặng dư thương mại tích cực khi lũy kế 4 tháng 2024 đạt 8,4 tỉ USD.
Ngoài ra, dự trữ ngoại hối vẫn đang ở mức tốt và dự kiến đạt 110 tỉ USD trong năm 2024, dòng vốn FDI thực hiện 4 tháng ước đạt 6,2 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ và du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỉ giá trong năm 2024, theo chuyên gia MBS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận