Với mức giá hiện nay, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi gần 20 triệu đồng/lượng - mức chênh kỷ lục từ trước đến nay. Có ý kiến cho rằng đấu thầu nhằm tăng cung nhưng số lượng quá ít, giá lên đều, từ đó xuất hiện hoạt động lướt sóng vàng kiếm lời.
Giá vàng lập đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng, nhiều người xếp hàng chờ mua
Đội mưa xếp hàng mua vàng
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, lúc 14h ngày 10-5, rất đông người đến xếp hàng tại trụ sở Công ty SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM để mua bán vàng.
Lúc 14h10, trời mưa, khách vẫn đông, Công ty SJC phải dựng bảng "Tạm ngưng giao dịch" ngay cổng vào và nhân viên bảo vệ yêu cầu người dân 30 phút sau hãy quay trở lại vì bãi giữ xe đã hết chỗ.
Tuy nhiên, nhiều người sốt ruột vẫn cố nán lại chờ những người đã giao dịch phía bên trong ra để được vào bên trong.
Công ty SJC đã bố trí hai khu vực riêng biệt: khu vực mua bán vàng thanh toán bằng chuyển khoản và khu vực mua bán vàng thanh toán bằng tiền mặt phía bên trong sảnh.
Chị T. cho biết đã xếp hàng chờ hơn 30 phút vẫn chưa tới lượt nên rất sốt ruột vì giá vàng liên tục đi lên. Trong khi đó, công ty sẽ chốt giá mua bán vàng tại thời điểm giao dịch theo giá của bảng điện.
Theo ghi nhận, trong dòng người có cả bên mua lẫn bán.
Một khách hàng nữ chiều 10-5 đã bán ra 15 lượng vàng miếng SJC khi giá mua vào đạt đỉnh 90 triệu đồng/lượng. Dù không tiết lộ giá ở thời điểm mua vào nhưng theo phán đoán, số vàng này đã được mua khá lâu vì bao bì đã cũ và khi mua vào nhân viên Công ty SJC đã phải cắt bao bì miếng vàng để ép lại rồi mới bán ra.
Với giá mua vào vàng miếng SJC ở thời điểm chiều 10-5 là 90 triệu đồng/lượng, khách hàng này thu về số tiền 1,35 tỉ đồng.
Mua vàng có "hạn ngạch"
Trong khi đó ở chiều mua vào, nhiều người mua vàng nhẫn 9999 vì giá vàng nhẫn 9999 mới ở mức 76,5 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng miếng SJC chiều 10-5 đã lên đến 92,4 triệu đồng/lượng và không ngừng nhảy múa.
Do nhu cầu mua quá nhiều và nguồn nguyên liệu để chế tác vàng nhẫn có hạn nên Công ty SJC đã giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 3 chỉ vàng nhẫn 9999. Cũng có hai, ba người trong cùng gia đình cùng đến xếp hàng để mua.
Trong khi đó, ngoài thị trường, theo ghi nhận chiều 10-5, giá vàng cũng nhảy múa loạn xạ và vàng nhẫn 9999 vẫn khan hiếm hoặc đẩy giá lên cao.
Tại một chi nhánh Công ty PNJ trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM), khi hỏi giá vàng nhẫn 9999, một nhân viên bán hàng cho biết giá bán lúc 14h là 76 triệu đồng/lượng, giá mua vào là 74,3 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, nhân viên này cũng cho biết chỉ báo giá chứ không có nguồn vàng sẵn. Nếu khách hàng có nhu cầu mua thì phải đặt trước, thanh toán 100% và chờ đợi trong vòng 15 ngày để được giao vàng. Nhân viên này cũng cho biết tình trạng khan hiếm vàng nhẫn 9999 đã diễn ra rất lâu và nhiều khách hàng cũng đặt trước như vậy.
Trong khi ở một tiệm vàng khác trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) vào chiều 10-5, giá bán vàng miếng SJC được đẩy lên đến 92,8 triệu đồng/lượng - cao hơn 400.000 đồng/lượng so với giá bán vàng cùng thời điểm tại Công ty SJC. Tuy nhiên, khi hỏi giá mua vào thì chủ tiệm vàng này không báo giá vì "giá bây giờ biến động ghê lắm".
Với vàng nhẫn 9999 thì chủ tiệm vàng này cho biết giá bán ra là 76,5 triệu đồng/lượng nhưng giá mua vào chỉ 72,5 đồng/lượng, chênh lệch giá mua bán lên đến 4 triệu đồng/lượng.
Qua đấu thầu, nhắm mắt cũng biết giá còn lên
Như vậy với mức giá hiện nay, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới đến 19,49 triệu đồng/lượng, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. So với mức chênh trước phiên đấu thầu vàng đầu tiên là 9,53 triệu đồng/lượng thì mức chênh lệch đã nhân đôi.
Điều này đồng nghĩa với việc mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC nhằm can thiệp thị trường, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước - thế giới chưa đạt được.
Ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng do đấu thầu vàng bị hủy 3 phiên và 2 phiên đấu giá được tổ chức nhưng lượng vàng đấu thầu thành công rất ít. Do đó nguồn cung vàng rất hạn chế, dẫn đến thị trường có tâm lý giá vàng còn tăng nữa. Đây là lý do đẩy giá vàng miếng SJC ngày càng cách xa so với vàng nhẫn 9999 và giá vàng thế giới.
Trên thực tế qua hai phiên đấu thầu mới chỉ có 6.400 lượng vàng miếng SJC được cung ra thị trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc vì sao càng đấu giá thì giá vàng miếng SJC càng tăng, ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), cho rằng việc giá vàng miếng SJC tăng liên tục là do tâm lý thị trường.
"Trước khi đấu thầu vàng, tâm lý nhà đầu tư còn e ngại sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo giá vàng đi xuống nên còn e ngại khi mua. Tuy nhiên sau khi đấu thầu, lo ngại này không còn vì sau mỗi phiên đấu thầu giá vàng lại bị đẩy lên một mức kỷ lục mới", ông Trọng nói.
"Người dân thấy rằng việc can thiệp thị trường vàng thông qua đấu thầu không kéo giá vàng giảm như mong đợi nên hoạt động mua diễn ra nhiều hơn. Nguồn cung vẫn hạn chế nên giá tăng liên tục khi có sức mua", ông Trọng phân tích.
Cũng theo ông Trọng, để can thiệp thị trường hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cần có mục tiêu cụ thể, song song đó cần có sự điều chỉnh để các doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu nhiều hơn. Còn hiện nay các doanh nghiệp vàng không mặn mà đấu thầu vì phải bỏ ra số tiền lớn trong khi rủi ro lại quá cao.
Sau khi lần lượt phá đỉnh 90, 91 và 92 triệu đồng/lượng trong cùng một ngày, đến cuối ngày 10-5, giá bán vàng miếng SJC ở mốc 92,4 triệu đồng/lượng. Giá mua vào ở mức 90,1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá bán vàng nhẫn 9999 tại Công ty SJC ở mức 76,55 triệu đồng/lượng, mua vào ở mức 74,85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới cuối ngày 10-5 ở mức 2.373,1 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 72,91 triệu đồng/lượng.
Kích thích nhu cầu lướt sóng vàng
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ chiều 10-5, trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) - nơi được xem là con phố kinh doanh vàng, nhiều cửa hàng vàng rất vắng vẻ. Khách đến là nhân viên hỏi ngay ở ngoài vỉa hè là đến bán hay mua vàng, nếu bán vàng thì xếp hàng chờ vào trong quầy giao dịch.
Còn nếu mua vàng miếng SJC hay nhẫn tròn trơn thì cửa hàng hết vàng, hoặc có nơi bán thì số lượng rất hạn chế. Như tại cửa hàng của Công ty SJC, nhân viên ở cửa hàng cho biết đã hết sạch vàng miếng SJC. Nếu khách có nhu cầu thì nên gọi điện trước khi đến cho khỏi mất công đi lại.
Còn tại cửa hàng của Công ty Bảo Tín Minh Châu, ngay đầu giờ chiều 10-5, khách đến giao dịch phải xếp hàng. Nếu khách bán thì cửa hàng sẵn sàng nhận, còn nếu khách đến mua thì mỗi người chỉ được mua tối đa 1 lượng vàng miếng SJC loại 1 lượng/miếng, còn nhẫn tròn trơn là 5 chỉ.
Nhưng sau 15h cùng ngày, nhiều người đến mua phải ra về vì nhân viên cửa hàng vàng thông báo tạm ngưng bán hai loại sản phẩm này do lượng hàng hiện tại không đủ để đáp ứng cho khách mua hiện tại.
Dù có ý định mua 2 lượng vàng miếng SJC, bà P.T.H. (Hà Nội) chỉ mua được 1 lượng vì chỉ được mua tối đa 1 lượng loại 1 miếng/lượng.
"Ngày 8-5, giá vàng miếng SJC lên 85 triệu đồng/lượng nhưng tôi không mua vì nghĩ giá đã quá cao, mua vào sẽ nhiều rủi ro. Tuy nhiên, giá vàng mà Ngân hàng Nhà nước đấu thầu bán ra là hơn 86 triệu đồng/lượng thì khả năng giá vàng miếng SJC trong nước còn tăng nữa.
Hôm 10-5, sau đấu thầu vàng 1 ngày, giá vàng đã lên đến trên 92 triệu đồng/lượng. Chính vì vậy, tôi đã lấy khoản tiền gửi tiết kiệm để mua vàng" - bà Phạm Thị Phương kể.
Nhưng cũng có người lo giá vàng cao bất thường, rủi ro lớn, mua lướt sóng có thể bị "sóng úp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận