Lúc 16h ngày 19-8, giá vàng thế giới đã giảm 0,78% tương đương 11,8 USD/ounce (gần 330.000 đồng/lượng) về sát ngưỡng 1.500 USD/ounce, giá vàng giao tương lai của Mỹ của giảm 0,3% về 1.518,7 USD/ounce.
Theo các nhà phân tích, đồng USD tăng mạnh lên trong khi vàng cũng đã có nhiều tuần lễ tăng giá, bứt phá khá tốt là yếu tố làm cho giá vàng suy yếu dần.
Chỉ số đồng USD, dollar index, so với các 6 loại tiền tệ khác trong rổ đã chạm mức cao nhất trong 2 tuần gần đây kể từ hôm thứ sáu, đưa giá vàng đang niêm yết theo các đồng tiền khác trở nên đắt đỏ hơn.
Giá vàng thế giới giao ngay đã tăng 19% kể từ khi rơi xuống mức thấp nhất là 1.265,85 USD hồi tháng 5, nhờ lực hỗ trợ của căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy vậy, vàng đang trong những cơn nóng, lạnh một tuần qua.
Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi Hội nghị chuyên đề thường niên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong tuần này để có được sự rõ ràng hơn về con đường lãi suất trong tương lai. Các nhà đầu tư dự đoán có đến 74% cơ hội FED sẽ tiếp tục cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 9 tới.
Trong phiên giao dịch sáng, giá vàng trong nước tiếp tục giảm nhẹ theo đà thế giới, có lúc vàng rơi xuống 41,75 triệu đồng/lượng nhưng chưa phải là mức thấp nhất.
Cuối ngày, mỗi lượng vàng SJC trong nước tiếp tục giảm từ 150.000-300.000 đồng so với giá buổi sáng, xoay quanh mức mua vào 41,5 triệu đồng/lượng, bán ra 41,65-41,75 triệu đồng/lượng. Nếu so với cuối tuần trước, giá vàng đã giảm gần nửa triệu đồng/lượng.
Theo bảng giá tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, niêm yết giá vàng nhẫn SJC lẫn vàng miếng 4 số 9 tiếp tục cao hơn vàng miếng SJC, ở mức 41,68-41,8 triệu đồng/lượng.
Theo lý giải của các công ty kinh doanh vàng, nhu cầu mua vào của thị trường đang tăng, nhưng nguồn vàng miếng SJC trọng lượng lớn loại 1 lượng trở lên không còn dồi dào, người dân chuyển sang mua các loại vàng trọng lượng nhỏ 1 chỉ, 2 chỉ với mục đích tích trữ, khiến giá các sản phẩm vàng này cao giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận