Trước khi hạ nhiệt trong buổi chiều 29-11, giá bán vàng miếng SJC đã xô đổ mọi kỷ lục khi lên 74,5 triệu đồng/lượng. Còn vàng nhẫn bốn số 9 tiếp tục tăng và lập đỉnh mới ở mốc 62,4 triệu đồng/lượng.
Vì sao giá vàng tăng cao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết vàng quốc tế tăng rất cao do nhiều yếu tố.
Giá vàng thế giới hôm nay tăng lên mốc 2.052 USD/ounce - mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay. Dù mức này thấp hơn kỷ lục 2.063 USD/ounce vào năm ngoái và mức 2.078 US/ounce vào tháng 3-2020 nhưng do tỉ giá VND/USD cao hơn nên giá trong nước tăng vọt.
Nói về lý do giá vàng thế giới tăng, ông Hùng cho biết giá USD giảm mạnh sau cuộc họp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đầu tháng 11 với thông điệp không tăng thêm lãi suất.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa ngày 29-11 về mức 102,65 điểm. Sau chưa đầy một tháng, chỉ số đo sức mạnh đồng bạc xanh đã giảm 4,1%.
"Giá USD giảm mạnh càng củng cố khả năng Fed sẽ chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất và đảo chiều sang chu kỳ giảm từ năm sau. Nhiều quỹ tăng mua vàng, giới đầu tư tìm đến vàng là kênh trú ẩn", ông Hùng nhận định.
PGS.TS Trần Việt Dũng, viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, cho rằng việc giá vàng tăng mạnh gần đây không thể hiện sự bất ổn nội tại nền kinh tế. Đây là kết quả cả yếu tố trong nước và quốc tế cộng hưởng.
Ông Dũng phân tích việc Fed lần thứ hai trong năm nay không tăng lãi suất, giữ lãi suất ở vùng 5,25 - 5,5%/năm, đồng nghĩa với việc phát tín hiệu chính sách tiền tệ thắt chặt của nước này thời gian qua đã đến chặng cuối cùng, khiến đồng USD giảm mạnh. Diễn biến này góp phần đẩy giá vàng thế giới tăng cao.
Ngoài ra, giá vàng trong nước tăng trong khoảng thời gian vừa rồi cũng xuất phát từ việc các kênh đầu tư trong nước khác như thị trường chứng khoán, bất động sản... đang kém hấp dẫn.
Dự báo xu hướng giá vàng thời gian tới
Ông Nguyễn Thế Hùng dự báo giá vàng vừa qua tăng rất nhanh. Khi giá vàng quốc tế vượt được vùng cản 2.060 USD/ounce, khả năng cao có thể chạm ngưỡng 2.100 USD/ounce.
Còn trong nước, vị chuyên gia cho biết sẽ ảnh hưởng từ giá quốc tế nhưng có mức chênh khá lớn. Chưa kể, nguồn vàng cho sản xuất vàng nhẫn khan hiếm, điều này càng đẩy giá mặt hàng này lên cao.
"Giá vàng lên nhanh, hôm trước hôm sau tăng cả triệu đồng một lượng tác động khá lớn đến tâm lý nhiều người dân. Trong khi lãi suất tiền gửi thấp, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán... còn ảm đạm. Chưa kể giá vàng trong nước còn chịu tác động từ yếu tố mùa vụ, cuối năm nhu cầu bao giờ cũng cao hơn", ông Hùng nói.
Nhìn chung, dự báo giá vàng trong nước thời điểm này rất khó. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, vàng đang ở vùng giá đỉnh, hết sức cẩn trọng khi mua vào găm giữ, đầu tư. Chênh lệch mua vào - bán ra lớn, do vậy nhà đầu tư sẽ rất rủi ro khi giá có dấu hiệu đảo chiều.
Còn ông Trần Việt Dũng kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ sớm sôi động trở lại, đi kèm với đó là sự ấm lên của thị trường bất động sản... Khi các kênh đầu tư tốt hơn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người dân.
"Quốc hội đã thông qua nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, CPI 4 - 4,5%. Nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá có tính ổn định cao và đạt được các mục tiêu đề ra trong năm sắp tới", ông Dũng nói về triển vọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận