Người dân đã đắn đo nhiều hơn khi bỏ tiền vào vàng. Trong ảnh: tìm hiểu sản phẩm vàng tại một hội chợ trang sức - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ, giá vàng miếng SJC tăng thêm 700.000 đồng/lượng, lên mức 44,55 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng vọt lên mức 44,85 triệu đồng/lượng. Nhưng không có cảnh xếp hàng mua vàng. Người dân chỉ mua vàng trang sức, còn vàng miếng vốn thường được cất giữ luôn trong cảnh ế ẩm.
Giá vàng nóng, thị trường lạnh
Trước và sau kỳ nghỉ tết, giá vàng hầu như chỉ theo chiều đi lên. 26 tết, giá vàng miếng SJC bán ra ở mức 43,8 triệu đồng/lượng. Ngày đầu tiên của năm Canh Tý, khi dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra tại Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, giá vàng lên mức 44,15 triệu đồng/lượng. Ngày mùng 6 (30-1), thị trường vàng mở cửa trở lại với mức giá ngất ngưởng: 44,85 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn và 44,55 triệu đồng/lượng với vàng miếng.
Nhiều năm trước, khi Ngân hàng Nhà nước chưa siết thị trường vàng, những đợt biến động mạnh như hiện nay sẽ "tạo sóng" rất mạnh, kéo giá vàng trong nước tăng phi mã. Người người nhà nhà đua nhau xếp hàng mua vàng bất chấp giá vàng trong nước cao hơn đến 4-5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi. Còn thời điểm hiện tại, tình hình đã khác hẳn.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 30-1 cho thấy mãi lực trên thị trường ngay cả những thời điểm giá vàng nóng nhất cũng rất thấp. Tại một số tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM), chỉ có một số người ghé xem một số mẫu vàng nữ trang sức như nhẫn, lắc, dây chuyền. Không có cảnh chộn rộn mua bán, trả lời điện thoại gọi hỏi giá liên tục...
Tại khu vực bên hông chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM), nhiều tiệm vàng cũng lâm vào cảnh người bán nhiều hơn người mua. Các công ty vàng và tiệm vàng cũng không thể vô tư "thổi giá" như trước mà bám theo sát giá vàng niêm yết tại Công ty SJC. Cũng không xuất hiện các thông tin khan hiếm nguồn cung dù nhiều năm qua không còn nhập vàng.
Doanh nghiệp chuyển hướng
Thị trường vàng miếng giao dịch trầm lắng khiến nhiều công ty vàng không còn chú trọng phân khúc này. Ngay tại Công ty SJC, trước đây mỗi khi thị trường sôi động, giao dịch đến vài chục ngàn lượng mỗi ngày, điện thoại báo giá luôn bận, thời điểm thông thường giao dịch cũng ở mức 4.000-5.000 lượng thì nay lượng giao dịch giảm hẳn. Mấy năm gần đây, Công ty SJC "lấn sân" mạnh sang mảng nữ trang vàng, nữ trang cao cấp, quà tặng doanh nghiệp...
Công ty PNJ cũng là một trong những doanh nghiệp có lượng giao dịch vàng miếng mạnh trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước siết thị trường vàng. Khi đó, chỉ cần truy cập website PNJ là có thể dễ dàng thấy bảng niêm yết giá vàng miếng. Còn hiện nay rất khó tìm bảng giá vàng miếng, thay vào đó trang chủ website doanh nghiệp này giới thiệu các mẫu nữ trang vàng, bạc, kim cương...
Lãnh đạo một công ty vàng lớn tại TP.HCM cũng thừa nhận doanh thu và lợi nhuận của công ty cũng chủ yếu đến từ vàng trang sức, còn vàng miếng không đáng kể.
Dữ liệu: A.Hồng - Đồ họa: TUẤN ANH
Về đúng nhu cầu thật
Theo chuyên gia vàng Trần Thanh Hải, nhu cầu vàng giảm xuống mức thấp thời gian qua do hàng loạt nguyên nhân. Trước đây, nếu không muốn giữ vàng trong nhà, người dân có thể gửi ngân hàng, vừa có lãi vừa có thể thế chấp vay VND khi cần. Tuy nhiên, hiện ngân hàng không còn huy động vàng, gửi còn phải trả phí. Giao dịch vàng cũng khó khăn hơn do các điểm được phép giao dịch vàng miếng thu hẹp từ 12.000 điểm trên cả nước giờ chỉ còn 2.000 điểm.
Đặc biệt với quy định không cho phép ngân hàng huy động và cho vay vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng chặn đứng việc các "tay to" là ngân hàng và công ty vàng tham gia đầu cơ vàng theo kiểu "đánh lên đánh xuống". Theo ông Hải, trước đây với kho vàng huy động từ người dân, nhiều ngân hàng hoán chuyển đến 30% lượng vàng sang VND để cho vay nhằm hưởng chênh lệch lãi suất. Khi giá vàng biến động đến một mức độ nhất định, các ngân hàng buộc phải mua lại nhằm tránh bị lỗ. Lực mua từ nhiều ngân hàng tập trung vào một thời điểm nhất định đẩy giá vàng tăng thẳng đứng, khiến nhiều thời điểm giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới 4-5 triệu đồng/lượng.
"Lợi dụng chênh lệch giá này, nhiều đơn vị mang vàng bóng ký đến dập thành vàng miếng SJC để bán. Còn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước quản việc sản xuất vàng miếng SJC, muốn dập vàng phải được phép của Ngân hàng Nhà nước nên "cửa" để biến vàng bóng ký thành vàng miếng không còn" - ông Hải phân tích và cho rằng điều này cũng giúp giá USD không bị đẩy lên mỗi đợt giá vàng trong nước - thế giới có chênh lệch lớn, tạo nên "sóng kép" như trước.
Diễn biến trên khiến cho thị trường vàng từ chỗ là sân chơi của các tổ chức lớn, là chỗ "đánh lên đánh xuống" để kiếm lời nay trở về đúng nhu cầu thật.
Mua vàng làm đẹp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số công ty vàng cho biết hiện nhu cầu người dân chủ yếu là cất giữ, tập trung các loại 5 phân, 1 chỉ, 2 chỉ trong khi vàng miếng SJC trên thị trường chủ yếu là loại 1 lượng. Do vậy, người dân chuyển sang mua vàng nhẫn. Quan sát bảng giá vàng tại Công ty SJC có thể thấy điều "nghịch lý" là giá vàng nhẫn bốn số 9 niêm yết tại Công ty SJC hầu như luôn cao hơn giá vàng miếng mọi thời điểm trong năm.
Giá cao, tranh thủ bán
Ngay ở thời điểm ngày 8-1 vừa qua, giá vàng thế giới tăng vọt ngay sau khi Iran nã tên lửa vào căn cứ lính Mỹ ở Iraq, thị trường vàng trong nước cũng "lạnh". Không có cảnh đổ xô đi mua vàng như trước. Thậm chí nhiều thời điểm, những ngày giá cao ghi nhận lượng bán tăng. Nhiều người mua vàng giá cao trước đây đã tranh thủ bán.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, trước đây các ngân hàng có quỹ vàng dồi dào từ nguồn huy động của người dân, có thể cho giới kinh doanh vay để "đánh lên đánh xuống". Tuy nhiên, nghị định 24 đã khóa chặt cửa đầu cơ vàng.
Về phía người dân, nay lạm phát thấp, kênh đầu tư bất động sản những năm qua khả quan, lãi suất tiết kiệm cũng ở mức khá nên dòng tiền đổ vào vàng cũng yếu bớt...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận