28/11/2013 08:45 GMT+7

Giá trị nghệ thuật nằm ở "cái thật" và "cái đẹp"

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Hội thảo khoa học toàn quốc “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp” do Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương tổ chức đã dành trọn ngày 27-11 để lắng nghe và trao đổi về thực trạng sáng tác văn học nghệ thuật trong 15 năm qua trong tác động của nghị quyết trung ương 5 khóa VIII.

mFCKDBSc.jpgPhóng to
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu bày tỏ sự quan tâm về tài năng văn nghệ - Ảnh: L.Điền
Đến tham dự hội thảo, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho biết ông “thật sự bị cuốn hút vào hội thảo này”. Và ông bày tỏ sự quan tâm về vốn sống thực tế của các văn nghệ sĩ. Ông kể lại câu chuyện nhạc sĩ Trần Hoàn khi được vào “tắm lửa” ở chiến trường Trị Thiên đã có những sáng tác nổi bật, chất lượng hơn hẳn những sáng tác trước đó. Ông Phiêu cũng bất ngờ đặt vấn đề: hiện nay có 2% nhà văn sống ở nông thôn, còn 98% nhà văn sống tại các đô thị, “thế thì làm sao hiểu biết đầy đủ cuộc sống của đất nước ta hiện nay?”.

Mục đích của hội thảo, theo ban tổ chức, là để đánh giá thực trạng nền văn học nghệ thuật đương đại của ta, và tìm giải pháp để có được các tác phẩm có giá trị cao, những đỉnh cao của văn học nghệ thuật. Mở đầu hội thảo, PGS.TS Đào Duy Quát nhắc lại nội dung cơ bản “xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Ông Quát cũng nhắc lại ý kiến của nhiều người cho rằng hiện nay chúng ta “mới có đội ngũ văn nghệ sĩ có tài năng, năng khiếu, chưa có tài năng lớn và thiên tài. Nhiều văn nghệ sĩ chưa có tư tưởng lớn (cả triết học và mỹ học), chưa thật sự đam mê, quyết liệt dấn thân vào đời sống, nhất là ở những mũi nhọn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, sống chết với tác phẩm của mình, nhân vật của mình”.

Đi vào vấn đề cụ thể là sáng tạo, nhà văn Chu Lai dẫn một so sánh từ phim ảnh Hàn Quốc: họ đi chỉ một đường, tức là những cái kết phim đều gần giống nhau, nhưng họ đi bằng nhiều kiểu nên vẫn hấp dẫn; còn ta tưởng đi nhiều đường nhưng chỉ có một kiểu đi, nên khô cứng nhợt nhạt. Và ông lưu ý “vấn đề còn là cách sáng tạo như thế nào chứ không chỉ sáng tạo về cái gì”.

GS Phong Lê đã có một tổng thuật rất hay về các tác giả đã sáng tạo ra tác phẩm hay - những đỉnh cao văn học từ thời phong kiến đến thời hiện đại giai đoạn 1930-1945: họ đã sáng tác trong những hoàn cảnh xã hội thiếu tự do. “Tôi tin là bất cứ một tên tuổi nào trong lịch sử văn học Việt đều không lăm le viết ra một tác phẩm hay... Những đỉnh cao được viết từ những trái tim lớn - lớn bởi đồng cảm với cảnh ngộ của nhân dân, của đất nước; bởi mối gắn bó xương thịt với mọi lớp người lao khổ làm nên bộ mặt nhân dân...”. Và ông trở lại với thực trạng văn học chúng ta hôm nay, nhấn mạnh rằng đỉnh cao của văn học nghệ thuật nằm ở giá trị của “cái thật” và “cái đẹp”. Với “cái thật”, GS Phong Lê cho rằng nhà văn hiện nay không thể quay lưng với sự sống của nhân dân, mặt khác họ phải đối diện với các thế lực bòn rút, ăn bám, tước đoạt sự sống của nhân dân. Và nhân dân hiểu theo nghĩa gồm cả những anh Pha, chị Dậu, Tám Bính, cô gái sông Hương của thời hiện đại. GS Phong Lê bày tỏ một nỗi buồn: “Trong thơ văn từ thập niên 1990 đến nay, tôi ít được tiếp xúc với sự sống này”. Còn “cái đẹp”, theo GS Lê, “đó là khát vọng nhân văn và thẩm mỹ toát lên từ sau các trang chữ, con chữ”.

Tất cả kết quả và kiến nghị từ hội thảo sẽ được Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương báo cáo thường trực Ban Bí thư, báo cáo Chính phủ và Ban Tuyên giáo trung ương để thể chế hóa thành chính sách hoạt động văn hóa văn nghệ trong thời gian tới.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên