Nội dung trên được nêu ở hội thảo về quảng cáo tại TP.HCM, do Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM tổ chức sáng 29-9.
34% biển quảng cáo vi phạm quy định
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, mỗi năm ngành quảng cáo giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động.
Tính đến năm 2020, TP có hơn 6.084 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo với hơn 54.000 lao động, đóng góp khoảng 1,8% GRDP của TP.
Trong dự kiến đề án phát triển ngành quảng cáo, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành này đóng góp 2,6% GRDP, khoảng 32.000 tỉ.
Bên cạnh các mặt tích cực, phải nhìn nhận TP.HCM vẫn chưa thật sự khai thác hết lợi thế của quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời. Hệ thống bảng, biển quảng cáo ngoài trời thực tế vẫn mang tính tự phát, chưa đồng bộ, gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Mặc dù Luật Quảng cáo (2012) đã có quy định cụ thể về việc quy hoạch quảng cáo ngoài trời, nhưng đến nay TP vẫn chưa thể triển khai thực hiện.
Công tác quản lý cấp phép và quản lý nội dung quảng cáo chưa chặt chẽ, nhất là việc quảng cáo bên trong các tòa nhà chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, tại các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM - cho biết tính đến tháng 3-2023, tổng số biển hiệu, bảng quảng cáo có trên địa bàn TP là 300.044.
Tuy con số được chính quyền địa phương kiểm tra, khảo sát chỉ 47,8%, trong đó có 17% vi phạm các quy định với tổng số tiền xử phạt hơn 24,3 tỉ đồng, ước tính số biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm các quy định trên địa bàn khoảng 34%.
“Cần có giải pháp và lộ trình cụ thể để khảo sát, kiểm tra các biển hiệu, bảng quảng cáo còn lại, kịp thời phát hiện các sai phạm và có hướng chấn chỉnh phù hợp", ông Nhựt nói.
Vận dụng nghị quyết 98 gỡ nút thắt hoạt động quảng cáo
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao những phát biểu, tham luận tại hội thảo, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao tính hiệu quả trong quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Nội dung trọng tâm của các ý kiến xoay quanh đề xuất hoàn thiện quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển ngành quảng cáo phù hợp.
Xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, đồng bộ, tránh chồng chéo. Vận dụng những cơ chế, chính sách đặc thù từ nghị quyết 98 để tháo được nút thắt trong hoạt động quảng cáo.
“TP cũng nên sớm ban hành quy chế phối hợp giữa các sở ngành trong quản lý. Quan trọng nhất ai là người quản lý, chưa thấy sự cố xảy ra nhưng không thể chủ quan. Cần làm rõ trách nhiệm trong cấp phép và xử lý sai phạm”, bà Lệ chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng giá trị của quảng cáo là một trong những thước đo chính xác về “sức khỏe kinh tế”.
Khi các doanh nghiệp đầu tư nhiều cho quảng cáo thể hiện tín hiệu quảng cáo tốt, kinh tế tốt. Như năm 2023 kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng thì các doanh nghiệp không còn nguồn lực đầu tư quảng cáo.
Do đó việc quảng cáo phải có trách nhiệm, nghiêm túc, nếu không dễ làm méo mó thị trường.
Ông Đức ví dụ về việc bán hàng đa cấp, dù không sai nhưng nhiều người lợi dụng hình thức kinh doanh này để trục lợi, làm sai hình thức quảng cáo. Hay các quảng cáo thông qua màn hình điện tử ở các trung tâm thương mại cần phải có quy định, sự kiểm soát về hình ảnh và nội dung.
“Tiềm lực ngành quảng cáo rất lớn nhưng TP cảm thấy có trách nhiệm khi không tạo điều kiện đủ tốt để doanh nghiệp quảng cáo phát huy tối đa năng lực của mình”, ông Đức trăn trở và cho biết việc quảng cáo đúng, đẹp rất quan trọng.
TP sẽ cố gắng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhưng với điều kiện phải làm đúng quy định pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận