Phóng to |
Cảnh hỗn loạn nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 tại cổng Trường PTCS Thực nghiệm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Ngoài những ưu điểm là sĩ số học sinh/lớp thấp, môi trường sư phạm phù hợp với học sinh tiểu học như một số trường khác tại Hà Nội, nhiều phụ huynh đang cộng thêm cho trường này những giá trị ảo.
16 tỉnh thành triển khai
Từ năm 1978, GS Hồ Ngọc Đại đã sáng lập Trung tâm công nghệ giáo dục để nghiên cứu về công nghệ giáo dục. Và, Trường PTCS Thực nghiệm tại Hà Nội được GS Hồ Ngọc Đại với cộng sự lập nên nhằm áp dụng công nghệ giáo dục đối với môn học tiếng Việt.
Đến năm 2008, trường được chuyển về trực thuộc Viện Nghiên cứu giáo dục theo mô hình liên cấp tiểu học, THCS. Sau hơn 30 năm hoạt động, trong những năm gần đây Trường PTCS Thực nghiệm quay lại dạy theo chương trình đại trà của Bộ GD-ĐT, chỉ một nhóm lớp học sinh được tiếp tục áp dụng công nghệ giáo dục với mục đích phục vụ việc nghiên cứu của Bộ GD-ĐT.
Ông Lê Tiến Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, cho biết “Đề tài nghiên cứu khoa học về công nghệ giáo dục mới áp dụng cho môn tiếng Việt lớp 1” của GS Hồ Ngọc Đại đã được thẩm định từ năm 2000. Nhưng sau đó, Luật giáo dục quy định thống nhất thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa nên Bộ GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường phải thực hiện theo chương trình - sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT.
Cha mẹ học sinh nên để con được bước vào hành trình học tập ở những trường học có điều kiện bình thường. Không phải cứ nỗ lực cho con vào trường được xem là tốt thì đã tốt cho con mình. Bởi với tình trạng “chạy trường”, bên cạnh việc gây phức tạp cho xã hội, các bậc cha mẹ đã và đang tạo nên áp lực không cần có cho con trẻ ngay từ buổi đầu tiên đến trường. Ông Lê Tiến Thành (vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT) |
Theo ông Thành, một số tỉnh miền núi phía Bắc từng được thực hiện thí điểm phương pháp dạy học môn tiếng Việt lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại đã đề nghị với Bộ GD-ĐT cho tiếp tục thực hiện, vì kết quả cho thấy phương pháp này rất có hiệu quả đối với những học sinh có vốn tiếng Việt hạn chế.
Vì vậy, năm học 2011-2012 Bộ GD-ĐT cho phép 16 tỉnh, thành có nhu cầu được triển khai tiếp chương trình này, chủ yếu là các tỉnh miền núi, vùng khó khăn. Con số đăng ký năm học mới có thể sẽ nhiều hơn.
Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh có điều kiện thuận lợi thì lại dè dặt không đăng ký thử nghiệm. Ông Phạm Xuân Tiến, trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, xác nhận: “Hà Nội không tham gia đăng ký triển khai thử nghiệm công nghệ giáo dục, 100% trường trực thuộc sở vẫn thực hiện theo chương trình tiếng Việt lớp 1 của Bộ GD-ĐT”.
Một chuyên viên bậc tiểu học ở Hà Nội giải thích: “Chương trình tiếng Việt lớp 1 của Bộ GD-ĐT áp dụng với học sinh Hà Nội rất ổn, không nhất thiết phải áp dụng thí điểm chương trình khác. Chỉ những vùng khó khăn, học sinh hạn chế trong giao tiếp tiếng Việt mới cần áp dụng”. Chính vì lý do này mà hiện nay ở Hà Nội chỉ duy nhất Trường PTCS Thực nghiệm với vai trò là nơi thể nghiệm nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu giáo dục - Bộ GD-ĐT triển khai công nghệ giáo dục ở môn tiếng Việt lớp 1 đối với một bộ phận học sinh.
Trường tốt vì GS Ngô Bảo Châu từng học
“Cần nhìn nhận chuyện xếp hàng mua đơn tại Trường Thực nghiệm ở khía cạnh tâm lý xã hội” - ông Lê Tiến Thành nhấn mạnh. Theo nhiều hiệu trưởng trường “điểm” tại Hà Nội, nếu nhà trường chọn phương thức bán đơn như Trường Thực nghiệm cũng có thể diễn ra cảnh trèo rào, phá cổng tương tự. Trong khi phần lớn trường được coi là “điểm” tại Hà Nội đều đang bị quá tải về sĩ số lớp. Trường tiểu học Nam Thành Công, Hà Nội năm học 2011-2012 hầu hết các lớp 1 đều có sĩ số trên 60 học sinh/lớp. Các trường tiểu học Kim Liên, Lê Văn Tám, Kim Đồng... của Hà Nội đều trong tình trạng tương tự. Bởi vậy, nếu nói “Trường Thực nghiệm “nóng” vì sĩ số học sinh/lớp thấp” thì quả là phiến diện.
Những năm gần đây, một bộ phận học sinh đổ xô vào các trường tư thục có tên tuổi như Lê Quý Đôn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu... Và để chọn học sinh, các trường này phải tổ chức thi tuyển. Nhiều giáo viên trực tiếp coi thi một trường tiểu học kể lại: “Những đứa trẻ lần đầu tiên đi học đã phải tham gia luyện thi từ nửa năm trước, căng thẳng tột độ vì trải qua kỳ thi mà tỉ lệ chọi còn lớn hơn kỳ thi đại học. Không ít cháu thi rớt, cả bố mẹ và con cái ôm nhau khóc như một thất bại kinh khủng”.
Nhưng thực tế không phải trượt khỏi trường điểm, trường có tên tuổi thì trẻ em Hà Nội thất học hoặc gặp vấn đề về học tập. Câu chuyện cần nói ở đây là tâm lý chọn trường theo trào lưu của số đông phụ huynh các quận nội thành của Hà Nội. Nhiều người nghĩ “vào trường tốt, tất con mình sẽ tốt”. Nhưng thế nào là tốt thì nhiều khi lại không phân biệt rõ ràng.
“Tôi muốn cho con tôi vào Trường Thực nghiệm vì đây là ngôi trường cũ của GS Ngô Bảo Châu. Chắc chắn sẽ tốt” - một phụ huynh chờ mua đơn trước cổng Trường PTCS Thực nghiệm cho biết. Với suy nghĩ này, Trường Thực nghiệm đang được chính phụ huynh khoác lên những giá trị ảo mà họ cho rằng có nó sẽ tốt cho con mình.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Đống Đa cho biết: “Chúng tôi ở trong ngành, chúng tôi biết rất rõ trong quận có những trường tiểu học chất lượng rất tốt, cơ sở vật chất rộng rãi, sĩ số không quá 35 học sinh/lớp, có nhiều giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp thành phố. Nhưng chỉ vì chưa có “tên” nên không “nóng”.
Hà Nội có nhiều trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, có nghĩa trường có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, nhưng một số trường trong đó không tuyển được học sinh chỉ vì chưa được đồn là “trường tốt”. Những trường được xem là “tốt” nhưng khi phụ huynh chen nhau tranh một chỗ học, chấp nhận việc lớp đông, chấp nhận các tiêu cực, chấp nhận những áp lực giội lên con cái thì không thể coi là tốt nữa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận