26/01/2012 10:55 GMT+7

Gia tộc của đại dương

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Ông ngồi lặng dõi mắt ra biển trông bóng các con tàu trở về. Mùa này biển Đông hay dông bão. Ngư dân phải đối mặt nhiều hiểm nguy, nhưng họ vẫn quyết ra đi như bao lớp tổ tiên dòng họ Phạm đã can trường vượt trên đầu sóng ngọn gió. Biển cả trước mặt họ không chỉ là cuộc mưu sinh nhọc nhằn, hiểm nguy mà còn thấm đẫm cả anh linh, khí phách của tổ tiên...

TSyEu8zB.jpgPhóng to
Lý Sơn - hòn đảo in đậm dấu vết dòng họ Phạm trong các hải đội Hoàng Sa - Ảnh: Quốc Việt

Lần nào ra Lý Sơn tôi cũng ghé nhà ông Phạm Thoại Tuyền, một hậu duệ họ Phạm có công khai mở hòn đảo lịch sử kiêu hùng này. Cùng ông, tôi đã đi thăm viếng, thắp hương ở đài bia liệt sĩ Hoàng Sa, trên những nấm mộ chiêu hồn thờ các anh hùng vị quốc vong thân Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh... Nhiều gia phả xưa ở đảo kể rằng từ thế kỷ 15-16, người Việt đã dong thuyền ra Lý Sơn và trở thành các bậc tiền hiền được thờ cúng đến tận ngày nay. Trong đó, dòng họ Phạm (gồm hai nhánh Phạm Văn và Phạm Quang) đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử trên hòn đảo đầu sóng ngọn gió.

Mộ chiêu hồn và lịch sử hào hùng

Bao biến động thời cuộc thăng trầm cùng dòng chảy thời gian, người muôn năm cũ đã khuất bóng trong đại dương sâu thẳm. Nhưng cả chính sử lẫn ký ức truyền đời của người dân Lý Sơn còn lưu mãi thì họ Phạm chính là một trong những dòng tộc từng cống hiến bao lớp hùng binh cho các đội Hoàng Sa ra đi tiếp nối bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Và lần nào ra đảo, tôi cũng lang thang tìm lại dấu vết những tiền nhân có công với đất nước. Giữa trùng điệp mộ cát chiêu hồn ở Lý Sơn, nấm mộ không hài cốt cai đội Phạm Quang Ảnh nằm lặng lẽ trong mảnh vườn nhà ông Phạm Quang Tĩnh, một hậu duệ nhiều đời của vị hùng binh đã hi sinh xác thân cho chủ quyền nước Việt ở quần đảo Hoàng Sa.

Ông Tĩnh bùi ngùi tâm sự: “Đời ông tổ, ông cố, ông nội, rồi đến đời cha, đời tôi luôn tâm nguyện vun đắp, bảo vệ nấm mộ tổ tiên này. Đảo Lý Sơn chơi vơi giữa biển, lắm gió nhiều mưa. Mộ chiêu hồn lại chỉ là đụn cát lơ thơ rất dễ bị xóa nhòa dấu vết nếu hậu thế lãng quên”. Theo ký ức truyền đời của gia tộc ông Tĩnh và các thư tịch cổ còn lưu giữ ở Lý Sơn, Phạm Quang Ảnh - người làng An Vĩnh (Lý Sơn), huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - là tổ tiên họ Phạm. Ông là người đi biển giỏi, đã từng dũng cảm đánh giặc cướp biển Tàu ô và có chức quan trong triều đình Gia Long. Đặc biệt, ông cũng là một trong những tên tuổi được triều đình giao trọng trách cai đội dẫn nhiều đoàn thuyền công phái đi Hoàng Sa từ rất sớm. Bộ sử Đại Nam thực lục chính biên đã chép: “Tháng giêng năm Ất Hợi (1815 - vua Gia Long) sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình”. Sang năm sau, bộ chính sử này lại tiếp tục ghi chép về những tráng binh Lý Sơn: “Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816), vua Gia Long ra lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình”.

Mỗi năm khởi hành vào tháng hai âm lịch và tháng tám thì về đến bờ, các hải đội Hoàng Sa của Phạm Quang Ảnh đã dong thuyền ra đi nhiều chuyến và có một chuyến cuối cùng ông đã không thể trở về. Thân xác ông gửi lại cho đại dương, nên người còn sống ở quê hương Lý Sơn đã phải làm nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt để thờ tự. Công đức với Tổ quốc của Phạm Quang Ảnh đã được chính nhà vua tôn vinh khi phong Thượng đẳng thần để thờ cúng tại thôn Đông, An Vĩnh, Lý Sơn. Và ông đã được người dân quê đảo truyền đời thành kính thờ cúng như một nhân thần phù hộ cho các lớp hùng binh tiếp bước ông dong thuyền ra đi giữ vững chủ quyền Hoàng Sa.

Cách nay hơn mười năm, lần đầu ra Lý Sơn, tôi đã thắp nén nhang đầu tiên lên nấm mộ chiêu hồn đặc biệt này. Đó là nấm mộ cát rất đặc biệt khi có chiều dài cũng bình thường như bao nấm mộ khác nhưng lại có chiều rộng cả chục mét. Các hậu duệ Phạm Quang Ảnh như ông Tĩnh đã rưng rưng kể rằng đó là mộ chiêu hồn tập thể. Cai đội Phạm Quang Ảnh trong một chuyến đi Hoàng Sa đã hi sinh cùng những người lính dũng cảm. Ngoài ông và một vài tên tuổi khác tạm được xác định như Phạm Quang Thanh, linh hồn của nhiều người lính dưới nấm mộ tập thể này vẫn còn khuyết danh. Các bậc cao niên ở Lý Sơn đã có lần tâm sự với tôi đó là bí ẩn còn lại của nấm mộ này và cũng là nỗi ray rứt, ngậm ngùi của họ. Những tráng binh trong hải đội Phạm Quang Ảnh thuộc nhiều dòng họ khác nhau ở Lý Sơn, thời gian lại đằng đẵng trôi qua nên danh tính nhiều người đành nhòa phai cùng lịch sử!

Những ngày lang thang đảo cát huyền thoại, thắp nén nhang vọng nhớ công đức tiền nhân, tôi còn tìm được nhiều tổ tiên họ Phạm đã hiến thân vì quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc. Tên tuổi chánh suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đã đi vào lòng người hậu thế nước Việt khi nấm mộ chiêu hồn trên núi Chóp Vung được chuyển về nằm dưới bóng tượng đài Hoàng Sa. Bất cứ người khách nào ra thăm hòn đảo lịch sử, nghiêng mình dưới tượng đài Hoàng Sa đều không quên thắp hương lên mộ người anh hùng Phạm Hữu Nhật.

VwyUgCzF.jpgPhóng to
Hậu duệ Phạm Đoàn thắp nén hương vọng nhớ anh hùng Phạm Quang Ảnh - Ảnh: Quốc Việt

Tiếp bước tổ tiên

Nhiều lần ra hòn đảo lịch sử này, tôi có dịp ngồi với hậu duệ họ Phạm, hay hỏi chuyện ký ức hào hùng về các bậc tiền nhân của họ. Ngoài những tên tuổi lưu danh sử sách như Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, Phạm Văn Sanh, Phạm Quang Thanh, Phạm Văn Nguyên, Phạm Văn Biện, còn biết bao hùng binh Hoàng Sa đã khuyết danh với thời gian… Không giấu vẻ tự hào, ông Phạm Thoại Tuyền tâm sự: “Dân Lý Sơn có câu thơ truyền đời: Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn. Người đi thì dễ nhưng không thấy về. Chỉ cách đây khá lâu, khi động cơ tàu thủy bắt đầu được một số ngư dân miền Trung thay cho cánh buồm mà chuyện ra Hoàng Sa cũng không đơn giản, vì vùng biển này nhiều bãi ngầm, lắm bão dông khó lường. Điều đó chứng tỏ tổ tiên ngày xưa không chỉ thạo nghề đi biển mà còn rất quả cảm trên sóng gió đại dương”.

Ông Phạm Đoàn, một hậu duệ đang trực tiếp thờ cúng linh vị hùng binh Phạm Hữu Nhật, tự hào tâm sự đến nay con cháu họ Phạm ở Lý Sơn đã lên đến hàng ngàn người. Nhiều gia đình vẫn tiếp nối ngọn lửa can trường đi biển của tổ tiên. Ông Đoàn có 11 anh em thì bảy anh em trai đều từng treo sinh mạng mình trên đầu sóng ngọn gió. Đến đời con trai họ lại nối bước cha, và giờ qua lớp cháu tuổi gần đôi mươi lại tiếp tục ra khơi. “Thời nay có nhiều nghề nhẹ nhàng, an toàn để mưu sinh hơn xưa, nhưng con cháu chúng tôi vẫn một lòng tiếp nối nghề biển của cha ông” - ông Đoàn nói.

Kể chuyện Phạm Hữu Nhật, Quốc triều chính biên toát yếu còn chép tỉ mỉ rằng: “Tháng giêng năm Bính Thân thứ 17 (1836), triều đình đã khiến thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đến Quảng Ngãi, thẳng tới miền Hoàng Sa, không nệ cù lao nào, cồn cát nào, phàm chiều dài, chiều ngang, chiều rộng, chiều cao, chu vi và bốn phía gần đó có cát ngầm đá mọc hay không, hình thế hiểm dị thế nào, từ cửa biển ra đó đường thủy ước bao nhiêu dặm, bờ biển thuộc địa phương nào, nhất nhất ghi chép rõ ràng. Lại chuẩn bị mang thẻ gỗ đến nơi dựng lên làm dấu, vẽ bản đồ đem về…”. Phạm Hữu Nhật đã nhận lãnh trọng trách dẫn đầu nhiều chuyến ra đi tiếp tục gìn giữ chủ quyền Hoàng Sa.

Và cũng như Phạm Quang Ảnh, rồi đến một lần ông đã hiến dâng sinh mạng cho Tổ quốc. Trải cùng bao biến động thời cuộc, nguồn gốc người anh hùng này cùng nấm mộ chiêu hồn phai mờ theo thời gian. Mãi gần đây, danh phận, bản quán của ông mới rõ ràng khi họ Phạm tìm thấy thư tịch cổ khẳng định ông chính là Phạm Văn Triều ở quê hương Lý Sơn.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên