Dữ liệu được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 11-5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo chính của lạm phát - tại nước này tăng 0,3% hồi tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng 0,1% hồi tháng 3.
Lạm phát lõi (không tính đến giá các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và nhiên liệu) tăng 0,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 0,6% trong tháng 3.
Theo Hãng tin Reuters, những con số mới được công bố - theo sau dữ liệu nhập khẩu tốt hơn mong đợi trong tháng 4 - cho thấy loạt biện pháp hỗ trợ chính sách trong vài tháng qua của Bắc Kinh có thể đang giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng.
Ông Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế tại đơn vị nghiên cứu Economist Intelligence Unit, chỉ ra:
"Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, dữ liệu lạm phát tiêu dùng cho thấy nhu cầu đang quay trở lại, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ".
Theo NBS, giá thực phẩm ở Trung Quốc hồi tháng 4 đã giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tốc độ giảm nhìn chung không thay đổi so với tháng 3.
Giá trứng, thịt bò, trái cây tươi, thịt cừu và thịt gia cầm đều giảm, trong khi giá thịt heo và rau tươi tăng lần lượt 1,4% và 1,3%, đảo chiều so với mức giảm hồi tháng 3.
Còn giá hàng hóa không phải thực phẩm hồi tháng 4 đã tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng hồi tháng 3.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát kinh tế Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh còn nhiều việc phải làm và đà tăng trưởng có thể không bền vững, khi các cuộc khảo sát chính thức cho thấy hoạt động của khu vực nhà máy và dịch vụ đang hạ nhiệt, trong khi cuộc khủng hoảng bất động sản không có dấu hiệu giảm bớt. Do đó, việc thúc đẩy nhu cầu nội địa cần có thêm sự hỗ trợ chính sách.
Ngược với CPI, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 4 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau mức giảm 2,8% hồi tháng 3, kéo dài chuỗi sụt giảm của chỉ số PPI trong 1 năm rưỡi.
Ngoài ra, nhiều nhà phân tích cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% của Trung Quốc trong năm 2024 là thách thức và khó đạt được nếu không có sự hỗ trợ chính sách thêm.
Hôm 10-5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết họ sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt, chính xác và hiệu quả, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi vừa phải của giá tiêu dùng để củng cố sự phục hồi kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận