TTCT - Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 mới ở giai đoạn sơ khởi, nhưng các ứng viên của cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều đang nhìn sang Canada như một giải pháp tiềm năng cho câu hỏi hóc búa về giá cả thuốc men đắt đỏ ở Mỹ. Sang Canada mua… insulin Hôm 11-7, ứng viên Bernie Sanders của Đảng Dân chủ cho biết ông sẽ đi cùng một nhóm bệnh nhân tiểu đường sang Canada mua insulin. Vị thượng nghị sĩ của bang Vermont viết trên Twitter rằng chuyến đi dự định của ông là vào cuối tháng 7. Một lọ insulin mà bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 cần để điều tiết lượng đường trong máu thường có giá 340 USD ở Mỹ, gấp khoảng 10 lần so với ở Canada. Một lọ insulin ở Mỹ có giá gấp 10 lần giá ở Canada (Ảnh: Reuters) Trong dòng tweet ngày 11-7, ông Sanders viết: “Chúng ta không thể đợi các công ty dược giảm giá. Người Mỹ cần được cứu giúp ngay bây giờ!”. Theo CNN, ông Sanders và đoàn bệnh nhân tiểu đường sẽ thực hiện chuyến đi nhằm nêu cao nhận thức về khó khăn của người Mỹ với chuyện thuốc men. Kế hoạch của họ là xuất phát từ Detroit và đi sang Windsor, Ontario hai ngày trước các cuộc tranh luận vòng tranh cử sơ bộ do Đài CNN tổ chức ở Detroit vào các ngày 30 và 31-7. Ông Sanders từ lâu đã công kích các hãng dược vì giá thuốc kê toa. Suốt chiến dịch tranh cử tới nay, ông thường nhắc tới một chuyến đi tương tự từ Saint Albans, Vermont sang Canada mua thuốc cách đây 20 năm. “Năm 1999, tôi đưa những phụ nữ tầng lớp lao động đang chống chọi bệnh ung thư vú sang Canada mua cùng loại thuốc với giá chỉ bằng 1/10 so với giá họ phải trả ở Mỹ” - ông Sanders viết trên Twitter. Hồi cuối tháng 6, một nhóm bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 từ bang Minnesota đã sang mua insulin ở London, Ontario. Quinn Nystrom, một trong những người tổ chức, cho biết giá insulin ở Mỹ đã tăng vọt trong hai thập niên qua. “1/4 người Mỹ phải hạn chế sử dụng insulin vì họ không kham nổi, nên nhiều người đang chết dần” - Nystrom, 33 tuổi, nói trong một cuộc phỏng vấn. Theo luật lệ hiện hành, người Mỹ được mua ở Canada lượng thuốc tối đa đủ dùng cho cá nhân trong 3 tháng và 4 bang của Mỹ đã thông qua luật cho phép nhập sỉ dược phẩm. Vì insulin là thuốc không kê toa ở Canada, không có cơ chế theo dõi xem bao nhiêu thuốc được bán cho người Mỹ. Tuy vẫn còn ở quy mô khá nhỏ, tình trạng “du lịch mua thuốc” này đã gây ra một số lo ngại ở Canada. Barry Power, giám đốc cấp cao thuộc Hiệp hội Dược sĩ Canada, đã cảnh báo về khả năng xáo trộn nếu đông đảo người Mỹ đổ sang Canada mua thuốc và kêu gọi Chính phủ Canada lưu ý vấn đề này. Một người phát ngôn của bộ trưởng y tế liên bang cho biết chính phủ đang theo dõi tình hình này. Giống như các nước công nghiệp hóa khác, Canada quản lý, điều tiết giá thuốc thông qua hội đồng xét duyệt giá thuốc có bản quyền. Hội đồng này có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng chống lại các chiến thuật ép giá của những hãng dược lớn. Trong khi đó, thuốc men ở Mỹ theo cơ chế thị trường, tức là theo mức giá mà người ta có thể trả được. Ông Sanders cũng thường nêu hệ thống y tế Canada và các nước khác như mô hình đáng noi theo cho hệ thống “Medicare for All” (Chăm sóc y tế cho mọi người) ở Mỹ do ông đề xuất. “Nếu Canada có thể cung cấp dịch vụ y tế cho tất cả mọi người, bất kể đàn ông, phụ nữ hay trẻ em và Vương quốc Anh cùng mọi quốc gia lớn trên thế giới cũng vậy, xin đừng nói với tôi rằng Mỹ không thể làm tương tự” - ông nói trong một cuộc thảo luận trực tiếp với cử tri. Trả lời phỏng vấn CNN hôm 11-7, ông cho rằng giá thuốc quá cao ở Mỹ và sự chênh lệch so với giá thuốc tại Canada là do khác biệt về hệ thống y tế ở hai nước. “Canada có hệ thống quốc hữu hóa, một đầu mối chi trả, nhờ đó họ có thể thương lượng được các mức giá tốt hơn nhiều với các công ty dược - ông Sanders phân tích - Ở nước ta lại là chuyện khác. Các công ty dược có lợi nhuận kiếm lợi 69 tỉ USD. Điều đó thật điên rồ và là mối nguy thực sự cho sức khỏe của mọi người Mỹ. Quốc hội cần hành động với chuyện này và khi tôi là tổng thống, chúng tôi sẽ giảm giá thuốc kê toa”. Ông cũng nói là trái với quan điểm của Tổng thống Donald Trump, các chính sách của chính quyền hiện chỉ càng khiến giá thuốc kê toa cao hơn. Hơn 30 triệu người Mỹ bị tiểu đường, trong đó khoảng 7,5 triệu người cần insulin, theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), hơn 1,5 triệu người bị tiểu đường tuýp 1. Giá trung bình của thuốc này đã tăng gần gấp 3 lần trong giai đoạn 2002-2013, theo ADA năm ngoái. Giá thuốc quá đắt đỏ ở Mỹ đang trở thành cuộc tranh luận chính trị nóng bỏng trong mùa bầu cử. Ảnh: Stat Trump ủng hộ nhập thuốc Canada Chuyện người Mỹ mua thuốc từ Canada, nơi quy định quản lý nhà nước giữ giá thuốc ở mức thấp hơn nhiều lần so với ở Mỹ, không mới. Bệnh nhân đã đặt mua từ các trang mạng bán thuốc hoặc đích thân sang Canada mua từ đầu những năm 2000. Hiện nay, có khoảng một triệu người Mỹ đặt mua thuốc qua đường bưu điện từ Canada, theo Hiệp hội Nhà thuốc tây quốc tế Canada. Nhưng một số diễn biến gần đây đã mở ra khả năng nhập khẩu trên quy mô lớn, điều chưa từng xảy ra. Chính phủ liên bang Mỹ trước đây luôn xem việc này là phi pháp, nhưng đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2003 quy định các bang có thể nhập khẩu dược phẩm nước ngoài sau khi được Washington chấp thuận. Nay ông Trump có vẻ đã sẵn sàng mở rộng quy mô của việc này. Chính trị có vai trò lớn trong cuộc tranh cãi. Giá thuốc là một vấn đề then chốt trong nghị trình của cả hai phe. Nhập khẩu thuốc là giải pháp duy nhất có thể thực hiện trước kỳ bầu cử năm 2020. Ví dụ, Florida là bang lớn thứ ba ở Mỹ, có 21 triệu dân, nơi tập trung nhiều người cao tuổi cần thuốc men. Và thắng lợi ở Florida là mấu chốt để ông Trump hi vọng tái đắc cử năm 2020. Đầu tháng 6, thống đốc Ron DeSantis ký ban hành luật để Florida lập hệ thống chính thức do nhà nước điều hành nhập khẩu thuốc giá rẻ từ Canada. Tháng 5, thống đốc Jared Polis ký ban hành luật tương tự ở Colorado. Vermont là bang đầu tiên ở Mỹ ban hành luật nhập khẩu thuốc. Cả 3 bang này cần được Bộ Y tế và dịch vụ con người (HHS) liên bang phê chuẩn mới bắt đầu được chương trình của mình. Tuy trước đây giới chức HHS tỏ ý phản đối các biện pháp như vậy, Tổng thống Trump đã chỉ đạo Bộ trưởng Alex Azar làm việc với Florida về chương trình của bang này. Trong cuộc họp vào tháng 6 với thống đốc DeSantis và dân biểu Cộng hòa Matt Gaetz của Florida, ông Trump đã chỉ đạo ông Azar phối hợp với Florida để kế hoạch nhập sỉ dược phẩm được phê chuẩn. Sau đó, ông Trump còn công khai nói chính quyền của ông sẽ cho phép các bang nhập thuốc từ các nước khác “nếu họ có thể mua với giá thấp hơn 40, 50, 60%”. Canada lo ngại Theo giới dược sĩ Canada, có khoảng hai chục luật tương tự đang được chuẩn bị ở các cấp bang và liên bang tại Mỹ. Dù Bộ Y tế Canada chưa phát biểu gì về xu hướng này, một số chuyên gia và tổ chức vận động hành lang ở Canada lo ngại về viễn cảnh một thị trường lớn hơn nhiều ngốn mất nguồn thuốc của bệnh nhân ở Canada. Amir Attaran, giáo sư luật ở Đại học Ottawa và là chuyên gia chính sách y tế, lo ngại về khả năng thị trường Mỹ khai thác nguồn cung dược phẩm Canada: “Sẽ ra sao khi ký sinh trùng lớn gấp mười lần vật chủ? Điều đó có thể dẫn tới nạn khan hiếm thuốc lớn nhất từ trước tới nay”. Giáo sư Attaran kêu gọi chính phủ liên bang bảo vệ người Canada trước nguy cơ đó bằng cách ban hành luật của Canada hạn chế xuất khẩu dược phẩm sang các nước khác. Hiệp hội Dược sĩ Canada cho biết họ cũng đã và đang đề nghị chính phủ liên bang có biện pháp, vì lo ngại việc Mỹ nhập khẩu thuốc với quy mô bán sỉ có thể khiến nạn khan hiếm thuốc trở nên trầm trọng. Phó phát ngôn viên Joelle Walker của hiệp hội này nói: “Thị trường của chúng ta chiếm chưa tới 2% thị trường toàn cầu. Nó không nhằm phục vụ một thị trường lớn gấp 10 lần chúng ta”. Theirry Belair, thư ký báo chí của Bộ trưởng Ginette Petitpas Taylor, nói Bộ Y tế Canada có biết và đang theo dõi vấn đề này. Tuy nhiên, việc chính quyền Mỹ ủng hộ nhập thuốc cũng có vẻ mâu thuẫn. Trước áp lực từ giới vận động hành lang đầy thế lực của ngành dược, Nhà Trắng không có vẻ muốn ban hành các quy định để giúp giá thuốc xuống thấp như ở Canada. Ông Trump từng phê phán các nước như Canada dựa vào giá thuốc cao ở Mỹ để trợ giá cho hoạt động nghiên cứu và phát triển dược phẩm. Hiện vẫn chưa rõ liệu kế hoạch nhập khẩu thuốc như của Florida có thực hiện được hay không. Các hãng dược khó lòng tăng nguồn cung ứng của họ cho thị trường Canada để giúp xuất khẩu trên quy mô lớn, qua đó làm giảm lợi nhuận ở Mỹ. Khi lượng thuốc kê toa bán từ Canada qua Mỹ tăng lên tới đỉnh điểm vào đầu những năm 2000, các hãng dược lớn đã từ chối cung cấp cho các trang mạng bán thuốc của Canada phục vụ thị trường Mỹ, và yêu cầu các hãng bán sỉ làm tương tự.■ (Tổng hợp và dịch từ nhiều nguồn) Canada trên hết Tim Smith thuộc Hiệp hội Nhà thuốc tây quốc tế Canada nói còn quá sớm để suy đoán về tác động, nếu có, của luật Florida đối với Canada. Smith cho biết các hội viên của tổ chức ông phục vụ một triệu khách hàng cá nhân ở Mỹ, chứ không phải nhà nhập khẩu bán sỉ và luôn theo chính sách “Canada trước hết”; nghĩa là không bán sang các nước khác nếu đang có tình trạng khan hiếm thuốc trong nước. Tags: Tranh cử tổng thống MỹInsulinY tế MỹNhập khẩu thuốcGiá thuốc tây ở MỹGiá thuốc tây Canada
Tiền đạo Văn Quyết đi vào lịch sử V-League HOÀNG TÙNG 09/11/2024 Tiền đạo Nguyễn Văn Quyết có bàn thắng thứ 117 và chính thức trở thành cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử V-League.
Qatar rút làm trung gian ngừng bắn vì Hamas và Israel thiếu thiện chí NGHI VŨ 09/11/2024 Trong bối cảnh vòng đàm phán mới đây không đạt được kết quả, Qatar tuyên bố rút khỏi nỗ lực trung gian cho lệnh ngừng bắn tại Gaza, đồng thời cho ngừng văn phòng đại diện của Hamas tại Doha.
Khán giả quẩy cực sung tại đêm nhạc Ngày hội Việt Nam Xanh HỒ LAM 09/11/2024 Khán giả tham dự đêm nhạc Ngày hội Việt Nam Xanh 2024 đa phần là người trẻ. Họ đến chương trình với tâm thế vừa để giải trí, gặp gỡ thần tượng vừa góp phần thực hiện các hoạt động cộng đồng giúp ích cho môi trường.
Điều kỳ lạ xảy ra 15 phút trước khi núi lửa phun gây sóng thần khắp Thái Bình Dương BÌNH MINH 09/11/2024 Trước khi núi lửa Tonga phun trào dữ dội làm rung chuyển Thái Bình Dương, không có hoạt động bề mặt nào được ghi nhận, nhưng máy đo địa chấn đã phát hiện điều kỳ lạ.