Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cần tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, thuốc lào cả chủ động và bị động, tránh khói bếp củi, bếp than. Trong những ngày trời lạnh, do khó thở nên bệnh nhân không ăn uống được, cần thay đổi sang loại thức ăn mềm, dễ nuốt, tránh uống nước đá, đồ ăn lạnh.
Bác sĩ CHU THỊ HẠNH
Ông Ngô Quý Châu, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết số người trẻ (20-30 tuổi) mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), tràn khí màng phổi, ung thư phổi... phải vào viện gia tăng liên tục thời gian qua.
Sai lầm dùng thuốc và chữa COPD
Các biểu hiện của bệnh nhân COPD trước khi nhập viện đều là ho, khó thở, đau ngực..., tuy nhiên do được phát hiện bệnh muộn, dinh dưỡng và dùng thuốc không hợp lý khiến tình trang bệnh nặng thêm. Theo bác sĩ Hạnh, trên thế giới tỉ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính hiện đang đứng thứ ba, với 3 triệu người/năm, chỉ sau tim mạch, ung thư.
Là bệnh mãn tính và phải điều trị kéo dài, nhưng bác sĩ Hạnh cho biết rất nhiều bệnh nhân COPD chỉ điều trị trong vòng một tháng và ngưng ngay khi đỡ bệnh, không đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ rồi tự dùng thuốc theo đơn cũ hoặc mách nước của người thân quen, trong khi việc dùng thuốc không đúng dẫn đến hậu quả chữa trị bệnh kém.
Cuối tuần qua, có 200-300 người bệnh đến Bệnh viện Bạch Mai khám sàng lọc để phát hiện bệnh COPD. Theo bác sĩ Hạnh, đây đều là bệnh nhân mới, nhưng ở nhóm bệnh nhân đã điều trị bệnh này nhiều năm, các bác sĩ ghi nhận được tỉ lệ có sai lầm trong dùng thuốc rất lớn, làm bệnh nặng lên. Nhiều bệnh nhân không biết rằng khi bệnh trở nặng, họ phải thở oxy tại nhà, không được đi đâu quá lâu mà không có thiết bị hỗ trợ thở.
Bệnh nặng, nhiều tử vong nhưng ít người biết
Theo ông Ngô Quý Châu, có khoảng 75% bệnh nhân COPD có liên quan đến thuốc lá. Ở VN, nghiên cứu dịch tễ học cho thấy hơn 4% người trên 40 tuổi mắc COPD và con số này đang tiếp tục gia tăng do gánh nặng của thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường.
Bệnh COPD có số tử vong đứng thứ ba sau tim mạch và ung thư, nhưng chưa nhiều người biết đến căn bệnh. Bằng chứng là một tỉ lệ rất lớn người đã mắc bệnh có sai lầm trong điều trị khiến bệnh nặng thêm.
Đa số những người này đều có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào từ khi còn trẻ. Những người hút thuốc biết hút thuốc liên quan nhiều đến ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, nhưng chưa có nhiều người biết đó là căn nguyên của căn bệnh cũng nặng không kém là COPD.
Ngưng hút thuốc lá, giảm tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh như khói bếp than, bếp củi, bụi để giảm nguy cơ mắc bệnh, nếu không muốn một ngày nào đó bạn không bao giờ có thể rời nhà hoặc bệnh viện vì phải gắn cuộc đời với thiết bị hỗ trợ thở.
"Vì lá phổi khỏe"
Hôm 15-12 vừa qua, nhân ngày hội "Vì lá phổi khỏe", Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức khám miễn phí, tư vấn và phát thuốc cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đại diện nhiều tổ chức quốc tế đã tham gia cuộc đạp xe tại Hà Nội, kêu gọi phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận