04/03/2014 08:06 GMT+7

Giá sữa: thanh tra đồng loạt các "ông lớn"

LÊ THANH thực hiện
LÊ THANH thực hiện

TT - Ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-3. Không chỉ bốn doanh nghiệp lớn (Vinamilk, Mead Johnson VN, Nestlé VN, FrieslandCampina VN) mà Thủ tướng yêu cầu, cơ quan này còn thanh tra giá sữa Công ty dinh dưỡng 3A - nhà phân phối sản phẩm sữa Abbott.

RTNzi735.jpgPhóng to
Các sản phẩm sữa của Nestlé VN cũng vào diện bị thanh tra giá đợt này - Ảnh: Thanh Đạm

Ông Tuấn nói: Quan điểm của Bộ Tài chính là quyết liệt làm đến nơi đến chốn việc tăng giá sữa. Tuần này, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ sẽ cử các đoàn thanh tra các doanh nghiệp sữa xem có chuyện bắt tay cùng tăng giá. Nếu phát hiện trường hợp nào tăng giá bất hợp lý thì Nhà nước tịch thu vào ngân sách tất cả tiền chênh lệch mà doanh nghiệp thu được do tăng giá quá mức. Thêm nữa, doanh nghiệp còn bị xử phạt vi phạm hành chính.

* Nhưng mức xử phạt hành chính cao nhất cũng chỉ là 60 triệu đồng. Năm ngoái, Trung Quốc đã xử phạt năm doanh nghiệp sữa vi phạm tăng giá hàng triệu USD. Còn ở ta, phải chăng mức xử phạt quá nhẹ khiến các doanh nghiệp không sợ?

- Hiện nay nghị định 109 quy định như vậy. Thế nên Bộ Tài chính áp dụng theo đúng quy định. Còn việc Trung Quốc xử phạt các doanh nghiệp sữa, mức xử phạt nặng là do vi phạm quy định về cạnh tranh. Còn như tôi nói ở trên là xử phạt vi phạm hành chính ở góc độ quản lý giá, chỉ là điều tiết thị trường và mang tính chất răn đe chứ không mang tính trừng phạt. Trường hợp doanh nghiệp cố tình vi phạm lần nữa thì doanh nghiệp cũng vẫn bị xử phạt hành chính. Còn nếu lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường mà áp đặt giá để thu lợi bất chính thì doanh nghiệp sẽ bị cơ quan quản lý cạnh tranh trừng phạt.

* Nhưng Nestlé VN cho rằng cách tính giá của họ là căn cứ theo thị trường chứ không chỉ các yếu tố cấu thành của giá. Liệu doanh nghiệp tính như vậy có hợp lý?

ECowYlj0.jpgPhóng toÔng Nguyễn Anh Tuấn - Ảnh: CTV

"Nếu phát hiện trường hợp nào tăng giá bất hợp lý thì Nhà nước tịch thu vào ngân sách tất cả tiền chênh lệch mà doanh nghiệp thu được do tăng giá quá mức"

Ông Nguyễn Anh Tuấn

- Vừa rồi mình làm như vậy là để bảo vệ người tiêu dùng, nghĩa là giám sát chặt yếu tố đầu vào để hạn chế sự biến động của giá sữa bán ra thị trường. Nếu căn cứ theo yếu tố thị trường thì rất khó. Cơ quan quản lý chỉ chấp thuận việc tăng giá khi yếu tố đầu vào biến động. Còn nếu chúng ta chấp thuận việc tăng giá theo hành vi tiêu dùng - cứ sản phẩm bán chạy là doanh nghiệp được phép tăng giá - thì khách hàng sẽ bị thiệt thòi.

Vì sữa là sản phẩm quan trọng, nằm trong danh mục nhóm mặt hàng chịu sự quản lý giá của Nhà nước, cho nên doanh nghiệp được quyền định giá nhưng phải kê khai với cơ quan quản lý. Nếu kê khai không hợp lý thì doanh nghiệp phải giải trình. Giải trình không được thì cơ quan quản lý buộc doanh nghiệp phải tính toán lại và giải trình lại. Còn nếu giải trình hợp lý thì đương nhiên doanh nghiệp được quyền tăng giá.

Trường hợp mất cân đối cung - cầu thì Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Trong trường hợp mất cân đối cung cầu do vị thế độc quyền, chiếm lĩnh thị trường thì Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế cạnh tranh.

* Trong trường hợp doanh nghiệp tăng đúng khiến giá sữa tăng cao thì Nhà nước sẽ có biện pháp gì để chia sẻ khó khăn với người dân?

- Luật giá quy định có bảy biện pháp như điều hòa cung cầu; áp giá trần, giá sàn, phải kê khai giá; hỗ trợ thị trường... Nếu thị trường xấu (tức giá tăng quá cao - PV) thì có thể áp dụng các biện pháp phù hợp vì luật cho phép rồi.

* Như trên ông vừa nói sẽ thanh tra giá các sản phẩm sữa của Công ty Abbott VN?

- Đây là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường. Bộ Tài chính vừa nhận được hồ sơ kê khai giá của doanh nghiệp này với hơn 20 sản phẩm có mức tăng 5-7% từ ngày 15-3. Tuy nhiên, hiện nay bộ đang đề nghị doanh nghiệp này giải trình nguyên nhân tăng giá và mức đề xuất tăng có hợp lý hay không.

* Giá bán lẻ ngoài thị trường cao hơn vài chục ngàn thậm chí cả 100.000 đồng so với giá bán buôn mà doanh nghiệp đăng ký với Bộ Tài chính. Về góc độ quản lý giá một mặt hàng thiết yếu như sữa, ông nhận định như thế nào về tình trạng này?

- Đây là một vấn đề khó của kiểm soát giá sữa. Khi gửi văn bản đăng ký giá, các doanh nghiệp cũng có gửi biểu giá bán lẻ khuyến nghị dự kiến tăng so với giá bán buôn. Mức chênh lệch thường 30-40%. Bộ Tài chính cũng đang tính toán khắc phục.

Theo tôi, chỉ có cách công khai giá bán buôn sữa để người tiêu dùng biết. Thực tế, một số doanh nghiệp kinh doanh sữa không thích và phản ứng về điều này, nhưng Bộ Tài chính làm đúng luật và sẽ làm hết trách nhiệm của mình. Chắc chắn chúng tôi sẽ quyết liệt hơn trong việc quản lý và giám sát giá sữa.

* Thực tế mặt hàng sữa đang kinh doanh theo kiểu mua đứt bán đoạn. Bộ Tài chính chỉ quản lý giá bán buôn, còn giá bán lẻ thì để các cửa hàng, đại lý “tự do vùng vẫy”. Ông có cho rằng nên quy định doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến giá bán lẻ hay không?

- Quan trọng nhất là cơ quan quản lý phải công khai thông tin về giá để người tiêu dùng biết giá bán buôn và giá bán lẻ như thế nào. Qua đó, người dân có thể lựa chọn các sản phẩm sữa khi mua cho con em mình. Thứ hai, các thông tin giá sữa được công khai giúp cơ quan quản lý thị trường, thuế... sẽ thanh tra, kiểm tra. Họ có thể yêu cầu các đại lý, cửa hàng bán sữa giải thích tại sao giá sữa mặt hàng này lại tăng cao như vậy. Trường hợp nào giải trình không hợp lý thì có thể bị xử phạt theo đúng quy định.

Còn nếu quy định buộc doanh nghiệp chịu trách nhiệm giá bán lẻ sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng thì quá tốt. Nhưng đây mới chỉ là mong muốn vì pháp luật hiện hành chưa quy định nội dung này. Còn nếu muốn đề xuất chính sách này thì phải đánh giá xem tác động đến đâu, tính khả thi đến đâu.

Hiện kinh doanh sữa theo kiểu mua đứt bán đoạn. Các đại lý, cửa hàng phải lo về vốn nên họ có quyền và chịu trách nhiệm với giá bán lẻ. Thêm nữa, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa đều không phải là doanh nghiệp nhà nước. Do đó, việc Nhà nước buộc doanh nghiệp chịu trách nhiệm đến cùng giá sản phẩm của mình là rất khó.

Cục Quản lý cạnh tranh sẽ vào cuộc

Ông Nguyễn Phương Nam, cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), khẳng định như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ này diễn ra chiều 3-3. Theo ông Nam, thị trường sữa cạnh tranh rất khốc liệt. Qua phản ảnh của dư luận và đặc biệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giá sữa của bốn doanh nghiệp lớn, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để tập hợp dữ liệu, điều tra sơ bộ trong khoảng 30 ngày. Nếu phát hiện hành vi phản cạnh tranh thì Cục Quản lý cạnh tranh sẽ chính thức đệ trình điều tra chính thức trong vòng 180 ngày.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Vượng - thanh tra Bộ Tài chính, ngay trong tuần này thanh tra bộ bắt đầu triển khai đoàn thanh tra các doanh nghiệp sữa.

LÊ THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên