Việc áp giá sàn vé máy bay có thể có lợi cho số ít hãng bay nhưng bất lợi cho nhiều ngành khác và đại đa số người tiêu dùng - Ảnh: C.TRUNG
Du lịch là ngành mũi nhọn mang lại doanh thu 35 tỉ USD, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hơn 5 triệu người (năm 2019). Nhưng toàn ngành du lịch từ lữ hành đến khách sạn... bị tê liệt vì đại dịch Covid-19.
Ngành du lịch được Bộ VH-TT&DL và Chính phủ ưu tiên kích cầu hồi phục sau dịch, nhưng nếu áp giá sàn vé máy bay và làm mặt bằng giá vé tăng cao như phương án Bộ GTVT đề xuất thì triển vọng hồi phục của ngành du lịch rất xấu.
Bởi vì 70% khách du lịch trong và ngoài nước liên quan đến hàng không. Chi phí vé máy bay chiếm 40-50% giá tour. Trong khi ai cũng biết giá là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng của việc kích cầu, thu hút khách du lịch.
Giá vé máy bay sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ba phân khúc khách, trong đó khách đại trà chiếm số lượng lớn nhất, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ là những người thu nhập trung bình và thấp, là khách gia đình, khách đoàn. Nhiều người sẽ không đi du lịch nữa nếu giá vé máy bay tăng.
Giá vé máy bay tăng cũng sẽ "đánh" thẳng vào các địa phương có cảng hàng không, đặc biệt là Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, TP.HCM, Kiên Giang, Cần Thơ, Quảng Ninh...
Du lịch có sức lan tỏa rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của các địa phương, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, đặc sản địa phương, dịch vụ ăn uống, vui chơi..., đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội của địa phương, trong đó có việc làm, thu nhập...
Tăng giá vé máy bay vào thời điểm cần kích cầu hồi phục du lịch hiện nay là rất tai hại cho ngành du lịch và nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tính riêng về doanh thu, năm 2020 ngành du lịch Việt Nam thiệt hại ít nhất 23 tỉ USD, năm nay với "đòn" tăng giá vé máy bay, thiệt hại về kinh tế còn lớn hơn nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận