Phóng to |
Công ty CP ôtô Trường Hải lắp rắp ôtô tại Khu phức hợp ôtô Chu Lai - Trường Hải, Quảng Nam - Ảnh: N.C.T. |
Nhiều chuyên gia khẳng định ngành công nghiệp ôtô VN vẫn đang trong vòng luẩn quẩn là muốn phát triển, nhưng lại hạn chế phương tiện cá nhân, ôtô cõng nhiều loại thuế, phí.
Ôtô cõng 8 loại thuế, phí...
Mở đầu phiên tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Quân, vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương, tuyên bố ngành công nghiệp ôtô VN đang đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, bình quân lên tới hơn 1 tỉ USD/năm (chỉ tính riêng các khoản thuế). Tuy nhiên theo ông Quân, tỉ lệ nội địa hóa hiện mới đạt bình quân 7-10% đối với xe con, 35-40% đối với xe tải nhẹ, còn quá thấp so với mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 đối với loại xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con).
Ông Quân thừa nhận người dân VN vẫn đang phải mua xe với giá bán cao so với các nước trong khu vực. Do sản lượng thấp, hầu hết các dây chuyền lắp ráp chỉ hoạt động đến 50% công suất, giá thành sản xuất cao hơn các nước khoảng 20%! Một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ôtô không đạt kỳ vọng là cơ chế chính sách thuế, phí cao, không ổn định, chưa là công cụ kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô... Ngoài ra, do thị trường ôtô nội địa quá nhỏ bé, chỉ 100.000-120.000 xe/năm nên việc kêu gọi đầu tư sản xuất phụ tùng, linh kiện... là không hấp dẫn vì khó mang lại hiệu quả.
Cũng có cùng quan điểm, ông Lâm Chí Quang, tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, cho rằng do thuế, phí ở mức cao và hạ tầng giao thông chưa phát triển khiến lượng xe bán cả năm của VN chỉ bằng số bán ra của Thái Lan trong khoảng... 20 ngày. “Đây cũng là nguyên nhân các nhà sản xuất linh kiện chưa thể đầu tư vào VN để cung ứng cho các nhà sản xuất ôtô” - ông Quang nói.
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên tổng cục phó Tổng cục Thuế, ôtô ở VN đang “cõng” đến tám loại thuế, phí gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số xe, phí kiểm định, lệ phí đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và mới nhất là phí giao thông đường bộ. Đó là chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp ôtô phải nộp như các doanh nghiệp khác.
Giảm thuế để khuyến khích mua ôtô
Đến năm 2012, VN có 56 doanh nghiệp lắp ráp ôtô với tổng công suất sản xuất lắp ráp khoảng 458.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, các doanh nghiệp trong nước chiếm 53%. Số lượng ôtô sản xuất trong nước chiếm trên 70% thị trường ôtô bán ra năm 2012. |
Ông Dương Đình Giám, viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), cơ quan đang xây dựng dự án Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô VN đến năm 2020 - tầm nhìn đến 2030, thừa nhận nhiều mục tiêu của ngành công nghiệp ôtô, thời gian qua đã không thể hoàn thành. Nguyên nhân là trong khi VN muốn phát triển công nghiệp ôtô nhưng chúng ta lại áp thuế cao và thực hiện chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên, ông Giám khẳng định sẽ không còn tình trạng này nữa sau khi các bộ ngành đã thống nhất “sẽ phát triển”. “Sẽ không có chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, mà phải tận dụng nó để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, thông qua phát triển công nghiệp ôtô” - ông Giám nói. Bởi trong thực tế, nếu không nắm cơ hội phát triển công nghiệp ôtô trong nước, người dân sẽ mua ôtô nhập khẩu.
Cũng theo ông Giám, để hỗ trợ phát triển ngành ôtô, tới đây các chính sách sẽ không ưu đãi chung cho cả ngành mà sẽ tập trung khuyến khích từng phân khúc, ngoài ưu đãi chung sẽ có ưu đãi đặc biệt. “Nếu trước đây các chính sách hỗ trợ chủ yếu nhằm vào hỗ trợ các nhà sản xuất thì tới đây chính sách sẽ kích thích cả khu vực tiêu dùng. Khi tiêu dùng lên cao, thị trường mở rộng thì nhà sản xuất có điều kiện sản xuất hơn” - ông Giám nói.
Đặc biệt, trong dự thảo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô VN đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030, cơ quan xây dựng dự thảo đã kiến nghị VN giữ nguyên mức thuế nhập khẩu cao (50%) với việc nhập khẩu xe nguyên chiếc cho tới năm 2018, không giảm dần theo lộ trình cũ. Ngoài ra, sẽ giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50-70% lệ phí trước bạ cho dòng ôtô chiến lược mà VN chọn, ưu tiên sản xuất...
Trước băn khoăn về hạ tầng không đáp ứng, ông Dương Đình Giám tính toán đến năm 2020, dung lượng các loại xe của VN chỉ khoảng 2-3,5 triệu xe. Trong khi đó theo chiến lược phát triển giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 mới được phê duyệt năm 2013, hệ thống giao thông VN sẽ đáp ứng 3,2-3,5 triệu ôtô. “Như vậy hạ tầng không lo” - ông Giám nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận