08/10/2014 09:30 GMT+7

​Giá nước và phí nước thải cùng tăng

Q.KHẢI
Q.KHẢI

TT - Trong khi đề án tăng giá nước sạch (lộ trình 2014-2018) đang được thẩm định để trình UBND TP.HCM phê duyệt thì phí bảo vệ môi trường (BVMT) dựa trên giá nước cũng rục rịch tăng theo.

Việc đề xuất tăng giá nước, phí BVMT (còn gọi là phí nước thải) được Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) giải thích là do nguồn thu hiện không đủ tái đầu tư, duy tu, bảo dưỡng hệ thống cấp - thoát nước và nguồn kinh phí trả nợ vay.

Từ trước đến nay, người dân TP.HCM phải trả tiền nước cho cả một phần nước bị thất thoát.  Trong ảnh: hiện trường vụ bể đường ống nước trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1 (TP.HCM) - Ảnh: Q.Khải
Từ trước đến nay, người dân TP.HCM phải trả tiền nước cho cả một phần nước bị thất thoát. Trong ảnh: hiện trường vụ bể đường ống nước trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1 (TP.HCM) - Ảnh: Q.Khải

Giá, phí cùng tăng

Sawaco cho biết lộ trình giá nước giai đoạn 2009-2013 do UBND TP phê duyệt đã kết thúc và Sawaco đã xây dựng xong đề án giá nước mới cho giai đoạn 2014-2018. Đề án này đang trình các sở ngành liên quan thẩm định, góp ý trước khi trình UBND TP phê duyệt.

Đề nghị điều chỉnh giá nước dựa trên mức lương tối thiểu

Phương án giá nước sinh hoạt được Sawaco trình Sở Tài chính TP thẩm định từ tháng 4-2014 (dự kiến tăng trong năm 2014) nhưng đến nay chưa được UBND TP phê duyệt.

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH TP đề nghị Sawaco điều chỉnh giá nước sạch dựa trên mức lương tối thiểu.

Ngày 7-10, một lãnh đạo Sawaco cho biết đang tính toán lại giá nước trên cơ sở đề nghị của Sở LĐ-TB&XH, theo đó giá nước có giảm so với giá đề xuất như đã nêu nhưng mức giảm không đáng kể.

Một cán bộ Sở Tài chính TP cho biết hiện đề án tăng giá nước đang được Sawaco hoàn thiện. Theo yêu cầu của Sở LĐ-TB&XH TP, Sawaco phải làm việc với sở để cân đối mức lương tối thiểu vào định mức nước.

Sau khi Sawaco và Sở LĐ-TB&XH TP thống nhất với nhau, hoàn thiện đề án thì Sở Tài chính TP mới thẩm định.

Việc tăng giá nước còn phải được lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ TP và cơ quan có thẩm quyền khác thông qua trước khi UBND TP phê duyệt.

Theo đề án của Sawaco, giá nước đối với hộ sinh hoạt dân cư năm 2014 tăng từ 7,8-13% (tùy theo định mức), đối tượng sản xuất tăng 9,3% so với giá hiện hành. Cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh - dịch vụ tăng lần lượt là 6,7 và 6,5%.

Mỗi năm tiếp theo cho đến năm 2018, giá nước đều tăng ở các mức khác nhau (xem bảng biểu). Riêng hộ nghèo đề án đề xuất không tăng giá năm đầu tiên...

Theo đề xuất trên, nếu một hộ dân có bốn nhân khẩu sử dụng trung bình 30m3­/tháng thì phải trả gần 260.000 đồng (chưa bao gồm 5% thuế VAT và 10% phí BVMT), trong khi hiện nay chỉ trả gần 235.000 đồng.

Ngoài đề án tăng giá nước nói trên, UBND TP đã giao Viện Nghiên cứu phát triển TP xây dựng phương án tăng phí BVMT. Phương án này vừa được công bố trong một hội thảo.

Theo đó, mức phí BVMT (được đổi tên là giá dịch vụ thoát nước) được đề xuất tăng lên 25% thay mức phí hiện nay là 10% trên giá nước sạch.

Nếu phương án tăng phí BVMT được thông qua thì một hộ gia đình bốn nhân khẩu sử dụng 30m3/tháng như trên phải trả thêm hơn 41.000 đồng cho phí BVMT.

Tăng phí để bảo dưỡng, trả lãi vay

Theo thạc sĩ Trần Nhật Nguyên - chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu các hình thức huy động vốn xây dựng và vận hành hệ thống thoát nước, xử lý nước thải” (gọi tắt phương án tăng phí BVMT), trước nay nguồn thu từ phí BVMT (Sawaco thu hộ qua hóa đơn tiền nước hằng tháng) được dùng chi trả cho công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, nguồn thu này hiện chỉ đáp ứng 50% mức chi thực tế cho công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước.

Cụ thể, năm 2011 thu phí BVMT gần 200 tỉ đồng thì chi cho công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước hơn 385 tỉ đồng. Đến năm 2012, thu phí BVMT 140 tỉ đồng thì chi cho duy tu bảo dưỡng 434 tỉ đồng... Phần thiếu hụt ngân sách TP bù vào.

Bà Nguyên cho rằng khi theo quy định, nguồn thu từ phí BVMT không chỉ dùng cho công tác duy tu, bảo dưỡng mà còn cho chi phí vận hành, khấu hao và trả nợ vay các dự án sử dụng vốn vay ODA chống ngập. Trong hiệp định vay vốn ODA, UBND TP cũng cam kết lấy nguồn thu từ phí BVMT để trả tiền nợ vay.

Các khoản thu không đủ cho công tác duy tu là một trong những lý do TP phải tăng phí BVMT. Chưa kể theo quy hoạch tổng thể thoát nước TP đến năm 2020, TP có đến 6.000km cống và 12 nhà máy xử lý nước thải, áp lực chi phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng vận hành rất lớn.

Cũng theo bà Nguyên, mức phí BVMT đề xuất tăng như trên tương đương mức thu ở TP Đà Nẵng và vẫn còn thấp hơn một số tỉnh thành khác trong cả nước. 

* Ông NGUYỄN VĂN TÙNG (đại biểu HĐND TP):

Tăng giá nước và phí thời điểm này chưa phù hợp

Việc cơ quan chức năng đề xuất tăng giá nước để tái đầu tư hoặc để có chi phí bảo trì hệ thống thoát nước là cần thiết. Nhưng vì đây là mặt hàng thiết yếu của người dân nên việc tăng giá, phí nên chọn thời điểm thích hợp.

Mấy năm gần đây tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập của nhiều người dân không tăng nên việc tăng giá nước sạch (kèm theo tăng phí nước thải) ít nhiều sẽ gây sức ép lên cuộc sống của người dân. Theo tôi, tăng giá nước trong thời điểm này là chưa phù hợp.

Nước sạch là mặt hàng thiết yếu, nên chăng trong giai đoạn hiện nay Nhà nước sử dụng quỹ bình ổn để không tăng giá nước, góp phần ổn định đời sống của người dân.

Về lâu dài, chính quyền cần phải đẩy mạnh xã hội hóa ngành cấp nước để nâng cao tính cạnh tranh, giảm tỉ lệ nước thất thoát, giảm giá nước để người dân được hưởng lợi.

K.YÊN ghi

 

Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên