18/06/2013 14:51 GMT+7

Giá như ba đừng đánh con...

TRƯƠNG NAM
TRƯƠNG NAM

TTO - Câu chuyện người cha vì Căm tức vợ cũ, trút đòn dã man lên con trai 9 tuổi, thậm chí ép con trai viết nhật ký "thù hận" mẹ một lần nữa làm nóng lên chuyện bạo lực gia đình.

Vết thương trên da thịt sẽ có ngày lành, song vết thương trong tâm hồn của những đứa trẻ bị chính những người thân đánh đập dữ dội biết bao giờ nguôi ngoai?

Tuổi Trẻ Online xin chia sẻ với bạn đọc tâm sự của bạn Trương Nam với một tuổi thơ tràn ngập đòn roi, những lời chửi rủa của cha mẹ. "Bóng ma" quá khứ đeo bám bạn đến cả hiện tại, khiến những mối dây gia đình trở nên lỏng lẻo.

Nếu tâm hồn bạn đã hoặc đang có một vết thương bởi bạo lực gia đình như thế, mời bạn đọc cùng san sẻ tâm tư.

Vụ hành hạ con ruột: bắt con viết nhật ký "thù hận" má

ZWGU3ZTm.jpgPhóng to
Vết thương trên lưng của một em bé trai 9 tuổi ở Quảng Ngãi. Lý do khiến ông bố bạo hành với chính khúc ruột của mình đơn giản vì căm tức vợ cũ. Vết thương da thịt sẽ có ngày lành, song vết thương tinh thần của em biết bao giờ nguôi ngoai? - Ảnh: Tuổi Trẻ Online

Đã hơn ba năm rồi tôi không về nhà dù nơi tôi đang tạm sống chỉ cách nhà hơn hai giờ chạy xe. Chính tôi cũng thấy mình tệ, mình bất hiếu. Cũng có lúc tôi dắt xe ra, chuẩn bị hành lý về quê nhưng đi được một đoạn thì lại quay về. Nghĩ đến bữa cơm gia đình, đến những gì sẽ phải nghe khiến tôi không còn muốn giáp mặt bất kỳ ai trong nhà.

Tôi sinh ra trong một gia đình có bốn anh em trai. Từ nhỏ, những âu yếm của mẹ, những chỉ dạy của ba đối với tôi luôn là điều xa xỉ. Ba tôi nóng tính, khi không hài lòng bất kỳ điều gì ông đều trút đòn roi lên vợ con. Ông khó chịu với tất cả những gì anh em tôi làm và dù chúng tôi cố gắng bao nhiêu chăng nữa, ông vẫn coi công sức lao động của anh em tôi là “chẳng được tích sự gì”. Mẹ tôi thì lại luôn muốn con phải được như thế này, thế kia, phải hơn con nhà người khác bà mới chịu, bằng không bà đổ hết lên đầu chúng tôi những tràng dài chửi rủa.

"Giá như ngày ấy ba mẹ thể hiện một chút yêu thương dành cho anh em tôi. Giá như ba không dạy dỗ chúng tôi bằng đòn roi thì tôi đã không có quá nhiều ác cảm với ông đến như vậy. Tôi sợ bữa cơm gia đình, sợ cả chính mình, bởi biết đâu trong tương lai tôi sẽ giống ba tôi?!".

Bốn anh em chúng tôi luôn phải cố gắng gấp đôi những đứa trẻ khác, phải thức dậy sớm làm đồng đến tối mịt. Chúng tôi không được nghỉ và nếu bác nào đó khen: “Mấy thằng con nhà này giỏi thế, chả bù thằng con tôi đi chơi tối ngày” thì má sẽ cười hãnh diện và cho chúng tôi nghỉ mát vài phút. Rất nhiều đêm nằm ngủ, tôi thấy anh hai khóc rấm rứt vì vai trầy xước, nhưng hôm sau anh vẫn phải gánh nước hàng cây số về tưới cây nếu không muốn bị đòn.

Thu hoạch xong vụ mùa, chúng tôi đi nhận vé số mang ra thành phố bán. Ba anh em dắt nhau đi dưới trời nắng gắt. Đến chiều thì hẹn nhau ở điểm nào đó rồi dắt nhau về, tóc tai cháy nắng khét lẹt, người đen nhẻm, bết đất và mệt lả. Riêng anh đầu phải theo ba đi phụ hồ khắp các công trình. Ngày nào cũng vậy, hai cha con về, bỏ đồ nghề xuống là ba quất anh vài roi vì tội “không biết làm”. Mà thật ra một đứa trẻ mới mười mấy tuổi thì sao làm thạo bằng người lớn? Anh tôi sợ hãi, co rúm người chịu đòn mà không dám hé ra nửa tiếng. Đến khi lớn, vẫn những cảnh đòn roi đó, nhưng tôi chỉ còn thấy ánh mắt anh lạnh tanh, đưa lưng ra nhận đòn.

Đòn roi chửi bới là điều quá quen thuộc trong cuộc sống của anh em tôi. Bữa cơm gia đình là điều kinh khủng nhất. Lúc này mẹ lôi con nhà hàng xóm ra so sánh rồi nhiếc móc anh em tôi “là đồ vô dụng”. Ba hết nạt thằng này sang nộ thằng kia. Nhiều hôm bất đồng quan điểm, ba mẹ to tiếng rồi ba rượt đánh mẹ ngay trong bữa ăn. Anh em chúng tôi chỉ biết ôm nhau sợ sệt, nếu vào can thể nào chúng tôi cũng bị đánh bầm dập. Khi nóng, ba có thể đánh không thương tiếc và không ngơi tay, hình ảnh hung dữ đó luôn ám ảnh tôi mãi đến sau này.

Cả bốn anh em tôi đều ham học và học rất giỏi, nhưng ba không thích vậy, ba muốn chúng tôi đi làm kiếm tiền chứ không phải đi học để tốn tiền của ông. Ông luôn hoạnh họe các khoản phí, so đo thời khóa biểu để buộc chúng tôi đi làm.

Có hôm tôi đang học môn thể dục, ông đạp xe đến trường lôi tôi về gánh nước tưới rau. Đám bạn nhìn theo ái ngại, lúc đó bao nhiêu uất ức nổi lên, tôi khóc lớn. Ba không quan tâm, ông tát tôi vài cái vì tội “Lười làm việc rồi còn khóc với lóc!”.

Mỗi khi anh em tôi ngồi học lâu, ông liền vụt vài roi, ông cho rằng như thế là mất thời gian và tốn tiền dầu. Mỗi bận được ngồi học bài, anh em tôi đều đổi bằng nước mắt. May mắn anh em tôi thương nhau, khi anh lớn vào đại học, chúng tôi làm việc phụ tiền học. Anh ra trường thì lo cho các em nên cả bốn anh em đều học hết đại học và có nghề nghiệp đường hoàng. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để mẹ hài lòng bởi bà cứ so bì mãi: “Con người ta làm giám đốc hết rồi, bây mới tới đại học thôi à?”.

Gia đình chưa bao giờ là chỗ dựa cho tôi khi gặp sóng gió. Nơi đó có quá nhiều đòn roi và nước mắt. Chính những ám ảnh tuổi thơ khiến tôi không còn muốn trở về nhà, không muốn kéo dài những đau khổ trong lòng.

Mời bạn đọc chia sẻ những ý kiến, trải nghiệm của riêng bạn với chủ đề này. Ý kiến vui lòng gửi về email [email protected] (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt, có đầy đủ thông tin tác giả) hoặc bằng phần Ý kiến bạn đọc bên dưới bài.
TRƯƠNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    C\u0103m t\u1ee9c v\u1ee3 c\u0169, tr\u00fat \u0111\u00f2n d\u00e3 man l\u00ean con trai 9 tu\u1ed5i, th\u1eadm ch\u00ed \u00e9p con trai vi\u1ebft nh\u1eadt k\u00fd "th\u00f9 h\u1eadn" m\u1eb9 m\u1ed9t l\u1ea7n n\u1eefa l\u00e0m n\u00f3ng l\u00ean chuy\u1ec7n b\u1ea1o l\u1ef1c gia \u0111\u00ecnh." />