Giá tăng bốc chẳng biết vì sao
CFV, KDM, CIP, TIE, PJS, CPA, VEF, XDC… là loạt mã chứng khoán nhỏ được giới đầu tư chứng khoán chú ý vì tăng trần liên tiếp. Trong đó một số cái tên như XDC hay trước đó là CFV, VEF… xôn xao hơn cả.
Với XDC - cổ phiếu của Công ty TNHH MTV xây dựng công trình Tân Cảng - sau một thời gian làng nhàng quanh vùng 13.500 đồng, chỉ gần 2 tháng (từ 10-4 đến 6-6) tăng lên 165.000 đồng/CP. Qua gần 20 phiên trần, cổ phiếu này tăng hơn 12 lần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6-6, XDC vẫn ghi nhận sắc tím khi tăng gần 15% lên mức đỉnh lịch sử 165.200 đồng, song khối lượng khớp lệnh chỉ 700 cổ phiếu.
XDC được HNX chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu từ 23-11-2022. Đáng lưu ý, thanh khoản mã này khá èo uột, nhiều phiên không có hoặc cũng chỉ dao động 100 - 700 cổ phiếu khớp lệnh.
Bức tranh kinh doanh khá mờ nhạt khi tổng doanh thu công ty năm 2022 là 279 tỉ đồng, đạt 65,7% kế hoạch năm, giảm gần 16% so với năm trước. Còn lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 7,64 tỉ đồng, đạt 76,7% kế hoạch, giảm 19%.
Chưa thấy sự hấp dẫn nhưng giá XDC bắt đầu tăng nhanh hơn sau thông tin giao dịch của cổ đông lớn Đỗ Phú Đạt với việc mua 500 cổ phiếu (bỏ ra khoảng 9 triệu đồng), để nâng sở hữu từ 0% lên 6,1%.
Đến ngày 12-5, HNX đã công bố văn bản đính chính thông tin trên. Theo đó, số lượng cổ phiếu ông Đạt nắm giữ trước giao dịch là 500 cổ phiếu, tỉ lệ cổ phiếu nắm giữ trước khi giao dịch chưa xác định được do chưa chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Việc liên tục tăng trần, giá đội lên nhưng khối lượng giao dịch rất thấp làm nhà đầu tư liên tưởng thêm đến CFV của CTCP cà phê Thắng Lợi.
CFV có 3 phiên tím liên tiếp hồi đầu tháng 6 và đẩy giá từ 18.800 đồng lên 28.400 đồng/CP, tăng 51%. Hồi tháng 2 và 3 năm nay, mã này có 15 phiên tăng trần liên tiếp, đưa giá "bốc" từ 11.200 đồng lên 67.600 đồng/CP, tăng 503%. Thanh khoản không cao, nhiều phiên loanh quanh vài trăm cổ phiếu được giao dịch.
Giá cổ phiếu CFV liên tục tăng trần trong bối cảnh kết quả kinh doanh còn sụt giảm. Năm ngoái, sau 19 phiên tăng trần liên tiếp, lãnh đạo CFV còn có văn bản "kêu cứu" gửi lên HNX.
Theo đó khẳng định việc cổ phiếu công ty liên tục tăng trần và khối lượng như vậy là rất bất thường, tất cả các phiên tăng trần chỉ có một lệnh đặt mua và bán giá trần trong phiên. Công ty này nghi ngờ có một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của TTCK tác động đến giá cổ phiếu công ty vì động cơ cá nhân.
Một cổ phiếu khác cũng khiến thị trường chú ý, đó là VEF của Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam.
VEF chào tuần giao dịch mới bằng 2 phiên sắc xanh, giá giao dịch 116.800 đồng/CP. Trước đó, cổ phiếu này cũng có 4 phiên tăng trần và trên 17 phiên tăng giá liên tục. Chuỗi tăng không ngừng nghỉ của VEF kéo dài từ phiên 21-4 cho đến 19-5, kéo giá từ 73.000 đồng lên 144.000 đồng, tăng 97%. Sau khi lập kỷ lục về giá, VEF rơi dần về mức 114.000 đồng.
Ngoài ra, theo thống kê, tuần qua (tính đến ngày 6-6) cũng có một loạt cổ phiếu tăng rất mạnh như CIP (68,11%), SCY (50%), HRB (45%)... Nếu tính theo tháng, một số mã có mức tăng trưởng hàng trăm phần trăm như: TIE (168,27%), BOT (153,44%), CV7 (140%), PJS (153,91%), CIP (104,25%)...
Cẩn thận cổ phiếu giá tăng nhanh nhưng thanh khoản cực thấp
Ông Bùi Văn Huy, chuyên gia chứng khoán DSC, nói với Tuổi Trẻ Online: Một số nhóm cổ phiếu niêm yết nhưng mang tính đại chúng thấp, ít cổ đông bên ngoài, vốn chủ sở hữu bé, thanh khoản cực thấp. Những cổ phiếu như vậy dễ trần hay sàn nhiều phiên bởi lượng nhỏ.
Theo quan sát của ông Huy, vừa qua khi thị trường tăng tốt trong ngắn hạn, dòng tiền có dấu hiệu cải thiện thì xu hướng chảy vào cổ phiếu nhỏ nhiều hơn.
"Thực tế hành nghề, tôi quan sát sổ lệnh mà giật mình vì nhiều khi trong danh sách có nhiều mã lạ đến nỗi cũng không biết là mã nào...", ông Huy nói.
Theo một số chuyên gia, việc dòng tiền vào các mã nhỏ, dưới mệnh giá, cơ bản kém là biểu hiện cho thấy mức độ chấp nhận rủi ro của thị trường đã ở mức cao hơn, có FOMO (hiệu ứng tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) ở mức nhất định.
"Nhà đầu tư có dòng tiền có thể lướt sóng ngắn hạn nhưng cũng cần lưu ý thị trường đang ở trạng thái quá mua. Nền kinh tế thực vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp có nền tảng cơ bản kém sẽ rất rủi ro vì không chắc có tồn tại được qua suy thoái hay không", ông Huy khuyến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận