Nhóm học sinh lớp 11 Trường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM và các bạn luyện ngoại ngữ bằng cách giao tiếp với người nước ngoài tại trung tâm Q.1 sáng 21-2 - Ảnh: Hoài Linh |
Đó là kết quả khảo sát nhanh của chúng tôi trên một mẫu gồm 240 sinh viên thuộc năm trường CĐ - ĐH tại TP.HCM gồm: ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH KHXH&NV, CĐ Kinh tế đối ngoại, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đại diện cho ba khối ngành là kinh tế, kỹ thuật và khoa học xã hội - nhân văn.
Nhiều cơ hội việc làm
Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 72% số sinh viên được hỏi cho biết họ có nghe nói đến AEC, trong đó tỉ lệ sinh viên khối ngành KHXH&NV có tỉ lệ cao nhất với 81%, trong khi sinh viên khối ngành kỹ thuật chỉ có 65,5%.
Dù đa số sinh viên có biết đến AEC nhưng vẫn còn khoảng 1/3 sinh viên không biết đến cộng đồng kinh tế này. Như vậy, giới trẻ mà cụ thể là giới sinh viên vốn là những người lẽ ra phải thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình kinh tế - xã hội lại hình như còn thờ ơ với chuyện hội nhập kinh tế và điều này sẽ là một thách thức nội tại cho chính bản thân họ.
Đối với những vấn đề được sinh viên quan tâm về AEC, trong số 72% (tức 172/240 sinh viên) có biết đến AEC, có 80,7% cho biết họ quan tâm đến việc “thị trường lao động được rộng mở, có nhiều cơ hội việc làm” và 54,4% cho biết họ quan tâm đến việc “lưu chuyển tự do nguồn lao động có tay nghề”.
Như vậy, phần lớn sinh viên đều quan tâm đến vấn đề việc làm trong AEC. Đây là điều hoàn toàn không khó hiểu vì việc làm luôn là sự quan tâm của giới trẻ nói chung và giới sinh viên nói riêng.
Bên cạnh những sự quan tâm này, các sinh viên trả lời khảo sát cũng đã nhìn nhận nhiều cơ hội từ AEC.
Trong đó, có 71,5% số sinh viên cho rằng AEC sẽ giúp họ “có điều kiện trong việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế”, 64,4% cho rằng cộng đồng kinh tế này sẽ mang lại cho họ cơ hội “có thể làm việc trong môi trường năng động và chuyên nghiệp”, và đứng thứ ba là giúp họ “nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn ở các thị trường trong khu vực” với 62,8%.
Rõ ràng là so với nhiều nước trong khối ASEAN, lao động Việt Nam của chúng ta còn kém nhiều thứ từ vấn đề về tính kỷ luật, chuyên nghiệp trong lao động cho đến kinh nghiệm lẫn kỹ năng chuyên môn. Do đó việc các bạn trẻ xem AEC như là cơ hội tốt để họ có thể học hỏi nâng cao kỹ năng cũng như tác phong làm việc là điều dễ hiểu.
Khảo sát ý kiến từ 240 sinh viên - Đồ họa: - N.Khanh |
Nâng cao ngoại ngữ, kỹ năng
Bên cạnh việc nhận diện những cơ hội như trên, các bạn sinh viên trong mẫu khảo sát cũng nêu ra những thách thức mà họ phải đối diện trong bối cảnh cạnh tranh mà AEC mang lại.
Hai thách thức lớn nhất khi tham gia AEC đó là “yêu cầu cao về ngoại ngữ” và phải “cạnh tranh với lao động nước ngoài” với cùng 80,8% số sinh viên chọn và đứng thứ ba là “công việc đòi hỏi chuyên môn cao” với 73,8%.
Nhìn vào các thách thức được sinh viên nêu ra, chúng ta có thể nhận thấy rõ là nguồn nhân lực trẻ của chúng ta đang yếu về ngoại ngữ. Điều này cho thấy việc đào tạo ngoại ngữ của chúng ta trong thời gian qua là không đạt hiệu quả cao, trong khi ngoại ngữ là một trong những kỹ năng tối quan trọng trong cạnh tranh lao động với các nước.
Có một ý nhận định cũng rất đáng quan tâm là có 39% số bạn e ngại “doanh nghiệp nước ngoài đánh giá thấp tác phong làm việc của lao động Việt Nam”, đây rõ ràng là một trong những điểm yếu mà chúng ta cần phải khắc phục.
Tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp trong lao động luôn là những phẩm chất quan trọng để tham gia thị trường lao động.
Nhận diện được thách thức và khó khăn là điều quan trọng để chuẩn bị những điều kiện cần thiết, vì vậy có đến 87,1% sinh viên cho biết họ sẽ nâng cao trình độ ngoại ngữ, đứng thứ hai là “trang bị các kiến thức chuyên ngành” với 65,4% và thứ ba là “kỹ năng giao tiếp” với 61,7%.
Ngoài ra, các bạn sinh viên cũng nêu lên nhiều kỹ năng mà họ nhận thấy mình còn kém và cần cải thiện trong thời gian sắp tới như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức công việc và quản lý thời gian...
Theo chúng tôi, đây là những gợi ý rất quan trọng mà các cơ sở đào tạo cần chú trọng trong quá trình đào tạo sinh viên của mình, bởi nếu chỉ có kiến thức sách vở thì rõ ràng rất khó cạnh tranh với các bạn đồng trang lứa trong khu vực.
Giới trẻ, mà đặc biệt là giới sinh viên, chính là nguồn lao động chủ chốt của đất nước trong thời gian sắp tới. Trong bối cảnh cạnh tranh lao động tự do mà AEC quy định, việc còn một bộ phận sinh viên không biết đến cộng đồng kinh tế này là một điều rất đáng suy nghĩ.
Chúng tôi cho rằng hiện nay giới trẻ Việt Nam vẫn còn chưa có sự chuẩn bị đủ để có thể cạnh tranh với lao động của các nước trong khu vực, họ còn rất nhiều khiếm khuyết mà các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo cần phải khắc phục bởi nếu không thì lao động Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà là điều không thể tránh khỏi.
Ngày 31-12-2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được thành lập. Từ đây, việc lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nội bộ các nước ASEAN sẽ trở nên thông thoáng hơn, đặc biệt là việc lưu chuyển lao động trong khu vực được mở ra cho mọi quốc gia thành viên mà theo đó Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn lao động có kỹ năng cao giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, đồng thời lao động Việt Nam có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các quốc gia phát triển như Singapore, Thái Lan... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận