23/12/2015 15:47 GMT+7

Giả nghèo để xí đất của người thu nhập thấp

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Lợi dụng chính sách cấp đất cho người thu nhập thấp, nhiều cán bộ tại các cơ quan thuộc tỉnh Gia Lai đã làm khống giấy tờ chưa có nhà để được cấp các lô đất tại vị trí quy hoạch.

Đất tại khu dành cho cán bộ công chức thu nhập thấp tỉnh Gia Lai đang được các hộ dân xây nhà ở - Ảnh: B.D
Đất tại khu dành cho cán bộ công chức thu nhập thấp tỉnh Gia Lai đang được các hộ dân xây nhà ở - Ảnh: B.D

Ngày 23-12, một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết Sở Nội vụ, Kho bạc Nhà nước Gia Lai, Cục an ninh Tây nguyên… đã báo cáo kết quả xử lý cán bộ viên chức sai phạm trong đợt cấp đất cho người thu nhập thấp tại P.Thắng Lợi, TP. Pleiku.

UBND tỉnh Gia Lai cũng đã ra quyết định thu hồi sáu lô bị cấp sai đối tượng để giao lại cho người nghèo.

Có ba lô đất vẫn… nghèo

Theo UBND tỉnh Gia Lai, trước tình trạng nhiều cán bộ công chức có thu nhập thấp chưa có nơi ở ổn định, UBND tỉnh đã có chính sách cấp đất với giá ưu đãi.

Vị trí đất được quy hoạch tại khu dân cư P.Thắng Lợi - cách trung tâm TP.Pleiku khoảng 3km.

Để được cấp một lô đất có tổng diện tích 150m2, giá ưu đãi là 42 triệu đồng/lô thì cán bộ, công chức phải có hệ số lương dưới 3.0 và chưa có nhà ở, đất.

Từ khi thông báo chính sách cấp đất, đã có hơn 1.200 hồ sơ của cán bộ công chức khắp nơi gửi về, trong đó có những trường hợp đặc biệt khó khăn, thu nhập chỉ vài ba triệu/tháng và phải dắt díu nhau đi ở trọ nhưng UBND TP.Pleiku chỉ có thể xét duyệt được 561 trường hợp.

Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương này, nhiều cán bộ công tác tại các sở, ban ngành tại tỉnh Gia Lai đã hợp thức hóa, xác nhận khống giấy tờ để “đóng cảnh nghèo” xin đất.

Một trong những trường hợp nổi cộm là bà Trương Thị Thúy An - cán bộ Sở Khoa học công nghệ tỉnh Gia Lai.

Năm 2013, sau khi được thông báo về đợt cấp đất ở phường Thắng Lợi, bà An đã làm đơn trình cơ quan để xem xét và được ông Nguyễn Hồng Hà - lúc đó đang là giám đốc Sở Khoa học công nghệ Gia Lai (hiện là bí thư Huyện ủy Chư Sê) ký xác nhận bà An là “cán bộ có thu nhập thấp, chưa có nhà ở đất ở”.

Tuy nhiên, thực tế lúc làm đơn bà An và chồng đã có… 3 lô đất với tổng diện tích hàng trăm m2. Đến tháng 10-2013 vợ chồng bà An mua được nhà với giá trị gần 700 triệu đồng tại P. Thống Nhất, TP.Pleiku.

Một trường hợp khác mặc dù có mức lương cứng hàng tháng hơn 13 triệu đồng nhưng vẫn làm đơn xin đất của người nghèo là ông Đoàn Văn Tuấn - cán bộ của Cục An ninh Tây nguyên.

Năm 2013, ông Tuấn làm đơn xin được cấp đất ở khu dành cho cán bộ thu nhập thấp và được ông Nguyễn Xuân Hà - phó Cục trưởng Cục An ninh Tây nguyên ký.

Dù lương hàng tháng nhận tới 13,7 triệu đồng, lương vợ hơn 5 triệu đồng, bình quân mỗi thành viên trong gia đình có thu nhập 5,037 triệu/tháng nhưng ông Tuấn vẫn kê khai mức thu nhập bình quân của cả gia đình chỉ 2,645 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, các cán bộ ở các đơn vị như Sở Nội vụ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Kho bạc Nhà nước Gia Lai… dù đã có đất, có nhà ổn định nhưng vẫn làm đơn để xin cấp đất. Các hồ sơ này đã được xác nhận trót lọt và được UBND TP.Pleiku ra quyết định giao đất.

Trong khi số lượng hồ sơ đề nghị cấp đất lên tới hàng ngàn hộ, nhiều đối tượng đặc biệt khó khăn phải xếp hàng đợi thì việc nhiều người có đất, có nhà rồi vẫn xin đất khiến người dân hết sức bức xúc và phản ánh lên các cơ quan chức năng.

“Do nể nang, tình cảm”

Một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết sau khi tiến hành thanh tra, đơn vị này đã phát hiện có tổng cộng 7 cán bộ được xác định là xác nhận sai về hoàn cảnh thực của mình để làm thủ tục xin đất.

UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu thu hồi 6 lô đất, một cán bộ được xem xét giữ lại đất vì thuộc diện chính sách.

“Đây là chủ trương mang tính nhân văn của tỉnh, dù giá trị không thực sự lớn nhưng giúp nhiều gia đình khó khăn có chỗ ở ổn định. Tuy nhiên rất đáng buồn là nhiều cán bộ có nhà cửa rồi vẫn làm giấy tờ chưa có đất, nhà để xin. Tôi thật không hiểu được” - lãnh đạo này nói.

Sau khi thu hồi đất của các trường hợp sai phạm, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các đơn vị kiểm điểm, xử lý cả cán bộ trực tiếp xin đất và lãnh đạo xác nhận hoàn cảnh gia đình.

Giải thích về việc mình đã có đất, nhà ở ổn định ở đường Bùi Dự - trung tâm TP.Pleiku nhưng vẫn làm đơn xin đất, bà Nguyễn Thị Hằng Nga - cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai nói: “do lúc làm đơn tôi đang ở …nhà chồng, giấy tờ đất đai vẫn đứng tên chồng chứ không phải tên tôi nên tôi làm đơn xin. Tỉnh thu hồi lại rồi thì thôi, tôi cũng bị kiểm điểm, cả lãnh đạo cũng bị nhắc nhở nữa”.

Nhiều cán bộ khác bị tỉnh Gia Lai thu hồi đất cũng giải thích rằng “do không hiểu hết chính sách” hoặc “có nhà nhưng …lụp xụp quá, muốn có một lô đất để xây nhà ổn định” nên đánh liều viết đơn.

Ông Đặng Toàn Thắng - trưởng Ban quản lý dự án đầu tư chuyên ngành y tế Gia Lai, người trực tiếp ký xác nhận cho ông Nguyễn Văn Thông - thuộc cấp của mình có hoàn cảnh khó khăn để được cấp đất - tiếc nuối: “Thấy anh em hoàn cảnh cũng long đong quá, anh Thông gia đình trục trặc, có nhà rồi nhưng cũng còn khó khăn nên mình đã ký xác nhận để xin được cấp đất. Sau sự việc này cả anh Thông và mình đều bị kiểm điểm, đây cũng là cái sai của cả mình lẫn cán bộ cấp dưới”.

Đất tại khu dành cho cán bộ công chức thu nhập thấp tỉnh Gia Lai đang được các hộ dân xây nhà ở - Ảnh: B.D
Đất tại khu dành cho cán bộ công chức thu nhập thấp tỉnh Gia Lai đang được các hộ dân xây nhà ở - Ảnh: B.D
THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên