Phát hiện 6 cơ sở dùng hóa chất độc hại làm ra hàng ngàn tấn giá đỗ
Liên quan đến bài viết Bách Hóa Xanh thu hồi toàn bộ giá đỗ được cho là ngâm chất cấm từ nhà cung cấp, nhiều bạn đọc đặt vấn đề về quy trình kiểm soát hàng hóa cũng như trách nhiệm của hệ thống bán lẻ liên quan đến vụ việc.
Quy trình kiểm tra, giám sát của siêu thị ở đâu?
Bạn đọc ký tên Người hâm mộ cho rằng phải xem lại quy trình kiểm soát đầu vào của Bách Hóa Xanh. Nếu có kiểm soát đầu vào nhưng vẫn thu mua hàng hóa của các cơ sở thế này, nguồn thu mua và cách thức thu mua của Bách Hóa Xanh có trục trặc gì không?
Đồng quan điểm, bạn đọc có tên V.T. đặt vấn đề về quá trình hậu kiểm của cửa hàng. "Quá trình hậu kiểm của cửa hàng đâu không thấy nói tới? Có quy trình bao lâu thì gửi mẫu đi kiểm nghiệm ở bên thứ ba lần nào không?".
Trong khi đó, bạn đọc Binh Minh cho rằng đó là riêng ở Đắk Lắk, còn ở những chỗ khác thì sao? Có chỉ đạo kiểm nghiệm kiểm tra hết tất cả các loại mặt hàng của cửa hàng này chưa?
Một bạn đọc nhắc lại quan điểm của siêu thị: "Đơn vị luôn đề cao chất lượng vệ sinh, an toàn sản phẩm. Các sản phẩm được nhập tại chuỗi đều phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu...", và đặt vấn đề vậy làm sao giá đỗ ngâm chất cấm lại lọt vào hệ thống cửa hàng?
Ở góc nhìn khác, bạn đọc Tùy Như cho rằng thực tế mẫu gửi đi kiểm định không hẳn là mẫu đưa vào bày bán. Nên giấy tờ cần thì luôn có, nhưng chất lượng có đúng như giấy tờ được chứng nhận không thì chưa chắc.
Nhiều bạn đọc cho rằng vì sợ hàng chợ không đảm bảo nên vào siêu thị. Nhưng qua vụ việc cũng không yên tâm được, bởi nếu cơ quan chức năng không kiểm tra, phát hiện thì ai mà hay biết sự thật.
Ngoài ra, việc phát hiện sản phẩm nào bẩn rồi thu hồi sản phẩm đó thì chẳng nghĩa lý gì, mà phải làm mạnh tay.
Có bồi thường cho khách hàng?
Không ít bạn đọc đặt vấn đề: Bách Hóa Xanh đã thu hồi sản phẩm, nhưng người tiêu dùng đã ăn phải giá ngâm hóa chất thời gian qua thì ai chịu trách nhiệm? Có thể khiếu nại để đòi quyền lợi, bồi thường thiệt hại, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng không?
Bạn đọc cho rằng Bách Hóa Xanh cần có trách nhiệm về số lượng giá đỗ không đảm bảo chất lượng đã bán cho người tiêu dùng.
Cùng với đó, phải xử lý nghiêm chủ cơ sở làm giá đỗ có chất cấm để răn đe, bởi theo bạn đọc Tuan Ta, đây là hành vi gián tiếp gây ảnh hưởng sức khỏe nhiều người.
Với các cơ quan quản lý nhà nước, bạn đọc Lê Hải cho rằng đơn vị an toàn vệ sinh thực phẩm nên kiểm tra thường xuyên các mẫu bánh phở, bún, hủ tiếu, bánh hỏi, bánh cuốn, giò chả, cá viên chiên...
Đây là các nhóm thực phẩm người dân sử dụng hằng ngày, được bán phổ biến ở các chợ, vỉa hè, siêu thị...
Đồng quan điểm, bạn đọc Minh Ngoc đề nghị cần phải quản lý và kiểm tra nguồn hàng của tất cả hệ thống siêu thị, các cửa hàng bách hóa mini. Đừng đặt hết niềm tin vào nhãn mác ngoài bao bì.
"Người tiêu dùng nên am hiểu thông tin sản phẩm hơn. Cần có sự phối hợp của cơ quan chức năng kiểm tra quyết liệt các nguồn nhập hàng vào hệ thống siêu thị, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng", một bạn đọc nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, bạn đọc Engvinh tỏ ra lo ngại vì vấn đề muôn thuở là hóa chất được mua bán dễ dàng với số lượng lớn, và cho rằng việc quản lý các hóa chất độc hại của chúng ta có vấn đề lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận