19/04/2025 09:37 GMT+7

Giả mạo tổng đài, nhái thương hiệu uy tín để kiếm chác

Những số hotline trên trang tìm kiếm Google dẫn dắt người dùng đến những tổng đài giả mạo, thậm chí dẫn đến những trang xấu độc. Những trang mạng giả mạo đang giăng những cái bẫy lừa tiền vẫn nhan nhản. Lẽ nào bó tay?

nhái thương hiệu - Ảnh 1.

Một trang Facebook mạo danh chuyên gia, hứa hẹn lấy lại được tiền đã bị lừa, nhưng thực chất khiến nạn nhân bị thiệt hại nặng hơn- Ảnh: B.M

Nhiều người đột ngột bị trừ số tiền lớn chỉ sau một cuộc gọi. Chưa kể họ còn bị nhận thông báo đang nợ ngập đầu, liên quan nhiều tội danh nghiêm trọng do dính dáng đến đường dây phi pháp.

Tình trạng mạo danh cơ quan nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp lớn… nhằm mục đích lừa đảo đang diễn ra phức tạp. Những chiêu bài vừa ngọt ngào dụ dỗ vừa dọa dẫm, kèm thông tin và tài liệu giả mạo, kẻ gian đã khiến nhiều nạn nhân nhanh chóng bị sập bẫy, bị cuỗm từ vài triệu đến hàng tỉ đồng.

Tràn lan đầu số giả mạo tổng đài

Các đối tượng lừa đảo tận dụng triệt để nhiều cách thức liên lạc, quảng cáo để tiếp cận "con mồi". Không dừng lại ở việc giả mạo website, fanpage, nhóm lừa đảo còn giả mạo cả số điện thoại tổng đài, dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra gương mặt như người thật, từ đó gọi điện qua video…

Đang trong giờ nghỉ giải lao, chị Trần Bích Thủy (TP.HCM) tranh thủ tìm số điện thoại của bảo hiểm xã hội để liên hệ, hỏi cách lấy lại mật khẩu để truy cập ứng dụng.

Tình cờ thấy được số 1900xxxxxx khi lướt trên mạng, chị gọi điện, phía bên kia cho nghe nhạc chờ một hồi, sau đó bắt máy và nói chuyện vòng vo.

Kết thúc cuộc gọi, chị bị trừ cước phí hơn 300.000 đồng một cách nhanh chóng, thông tin thắc mắc cũng chưa được giải đáp rõ ràng. "Mình cứ tưởng miễn phí, nhưng họ cù cưa, cuối cùng bị trừ một đống tiền", chị Bích Thủy bức xúc.

Gần đây nhiều ngân hàng cũng lên tiếng cảnh báo người dùng về việc kẻ xấu tự nhận là nhân viên ngân hàng gọi điện, gửi tin nhắn, thuyết phục khách hàng chủ động mở thẻ ghi nợ phi vật lý hoặc làm hồ sơ phát hành thẻ tín dụng.

Trong đó có những số điện thoại bắt đầu bằng mã 023, 024, 028… Điều này khiến không ít người bị nhầm tưởng.

Anh M.Hải (giám đốc một công ty du lịch) cho biết trong tuần này có nhận một cuộc gọi từ số điện thoại na ná số tổng đài, báo rằng anh được phía ngân hàng xem xét nâng hạn mức thẻ tín dụng lên 100 triệu đồng, vì vậy hỏi anh có đồng ý nâng hạn hay không.

Mừng rỡ, anh đồng ý. Nhưng sau đó, người của "tổng đài" hỏi anh rất nhiều thông tin sâu, bao gồm cả số CVV (mã bảo mật của thẻ tín dụng).

"Nếu ngân hàng thật, họ sẽ nắm đầy đủ dữ liệu thẻ tín dụng của mình, không cần phải hỏi vòng vo như vậy. Tối kỵ là họ còn hỏi cả mã bảo mật. Tôi nghi ngờ, cúp máy, suýt bị lừa", anh Hải kể.

Theo thông tin từ phía ngân hàng, tình trạng giả danh tổng đài diễn ra ngày càng phức tạp.

Kẻ gian tự nhận là nhân viên của ngân hàng, từ đó tìm cách khai thác thông tin cá nhân, thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng từ khách hàng nhằm liên kết thẻ của khách hàng với ví điện tử của họ, từ đó chiếm đoạt tiền.

Bên cạnh đó, họ còn tìm cách đăng nhập ứng dụng ngân hàng và chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Trong quá trình lừa đảo, kẻ gian còn yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán phí hồ sơ, phí phát hành thẻ…

nhái thương hiệu - Ảnh 2.

Giả danh luật sư để lừa đảo, quảng cáo rầm rộ trên mạng - Ảnh: Cắt từ video

Dọa sẽ "phạt tù" nếu không đóng tiền "lo lót"

Hơn 7h tối, điện thoại reo lên, hiển thị số điện thoại 08xxxxxxxx, anh Long (TP.HCM) bắt máy, đầu dây bên kia xưng là trung úy Lê Đức Thắng với mã số quân nhân 0324xx.

Người này đọc vanh vách số căn cước công dân và nhiều dữ liệu cá nhân khác của anh Long, đồng thời báo rằng anh đang dính dáng vào đường dây lừa đảo quy mô lớn của một đối tượng nguy hiểm ở Hà Nội.

Vì vậy, yêu cầu anh liên hệ đội phòng chống tội phạm để cung cấp thông tin, hợp tác điều tra.

Ban đầu có ngờ ngợ, nhưng rồi anh bị họ thao túng tâm lý. Với sự dẫn dắt của kẻ lạ, anh Long cài ứng dụng Zoom vào điện thoại, sau đó tham gia "cuộc họp kín" với bốn người khác có tài khoản "Viện Kiểm sát" và "Bộ Công an", trong đó có người mặc đồng phục công an. Phía sau nhóm người lạ này là phông nền cờ Tổ quốc, tạo sự uy tín.

Sau gần nửa tiếng nói chuyện qua điện thoại, cộng hơn một tiếng rưỡi nói chuyện qua Zoom, những người xưng danh làm việc trong cơ quan nhà nước dồn dập đưa ra các thông tin chứng minh anh Long phạm tội.

Không chỉ dừng lại ở lời nói và cuộc gọi video, nhóm này còn gửi thêm các "tài liệu mật" có logo và để dòng chữ "Viện kiểm sát nhân dân tối cao", kèm mộc đỏ và chữ ký của viện trưởng.

Họ còn gửi cả "Lệnh bắt giữ hình sự và phong tỏa tài sản", với đầy đủ thông tin cá nhân của anh Long, kèm dòng chữ nhấn mạnh rằng anh có tội danh "rửa tiền phi pháp" thông qua tài khoản ngân hàng.

Nhóm này còn gửi đến anh "giấy chứng nhận tài sản", với logo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kèm chữ ký của thống đốc và mộc cơ quan này. Dựa vào văn bản, anh phải gửi 7 triệu đồng vào số tài khoản ngân hàng 0000043xxxxx do Ha Thanh Thao đứng tên đại diện cho "Cục quản lý giám sát ngân hàng".

"Họ yêu cầu phải bảo mật thông tin, vì đây là vụ án mật. Họ còn gửi "giấy chứng nhận điều tra viên" của một người làm ở "Viện kiểm sát nhân dân tối cao". Ngay sau khi tôi chuyển tiền, họ lập tức cắt đứt liên lạc.

Mình làm ăn lương thiện, không dính dáng đến chuyện rửa tiền hay các hoạt động phi pháp. Nếu bình tĩnh hơn trước khi chuyển tiền, có thể không bị thiệt hại", anh Long nói.

Liên hệ vào một trang Facebook có tên "Bảo hiểm xã hội", chị T.Hương (Bình Dương) nhắn tin mong muốn được tư vấn về nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần, trước hạn.

Phía bên kia lại báo rằng sau khi kiểm tra số bảo hiểm xã hội, phát hiện chị bị truy thu số tiền hơn 1 tỉ đồng, yêu cầu phải nộp nhanh chóng, nếu không sẽ bị bắt giam. Kết bạn Zalo để trao đổi thêm, kẻ lạ còn gửi cả tài liệu giả danh cơ quan bảo hiểm xã hội, kèm số tài khoản để chị Hương tiện chuyển tiền.

"Họ nói nếu mình không có hơn 1 tỉ đồng để đóng thì phải bỏ phong bì để lót cho ông/bà bên thanh tra", chị Hương nói. Theo đó, chị phải gửi 5% số tiền bị truy thu, tương ứng hơn 50 triệu đồng.

Càng muốn "gỡ tiền" càng bị lừa thêm

Sau khi bị sập bẫy lừa đảo của người giả mạo làm bên cơ quan nhà nước, nhiều nạn nhân mất từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng. Trong đó có những khoản tiền phải cầm cố tài sản, vay mượn từ người thân.

Giữa lúc hoảng loạn, có nạn nhân lên mạng xã hội để hỏi cách lấy lại số tiền đã mất. Từ đây, họ tiếp cận nhiều trang Facebook giả mạo cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Viện kiểm sát nhân dân… Trong đó có trang giả mạo nhưng sở hữu cả tick xanh (chứng thực chính chủ).

Đáng chú ý, để tăng niềm tin, ở nhiều trang Facebook đăng đan xen các thông tin giả - thật lẫn lộn. Bên cạnh các bài viết, hình ảnh và video chứa lời lẽ lừa đảo, các trang này cũng đăng thêm các tin tức cảnh báo phòng tránh lừa đảo.

Chẳng hạn, khi vào trang Facebook có tên "Hỗ trợ thu hồi vốn treo…", bài đầu tiên hiện ra là "10 chiêu trò lừa đảo qua mạng cần cảnh giác". Song song đó, trang này còn đăng loạt số điện thoại để cảnh báo mọi người phải cẩn thận.

"Việc tự mình lấy lại số tiền lừa đảo là cực kỳ khó khăn, không hề dễ dàng. Bởi vì chúng ta không biết người lừa đảo mình là ai, hiện đang sống ở đâu…", lời nói của một người mở đầu một video đăng trên mạng, kêu gọi liên hệ để lấy lại được tiền bị lừa.

Sau khi tỉnh ra, số tiền bị mất đã quá lớn, dẫn đến tâm lý lo lắng, đặc biệt đối với những trường hợp giấu gia đình để chuyển tiền cho kẻ gian.

Nhiều cơ quan nhà nước khác cũng liên tục đưa ra khuyến cáo sau khi bị mạo danh để đi lừa đảo, điển hình như: Bảo hiểm xã hội, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Cục Thuế TP.HCM… Trong đó có những trường hợp giả mạo số điện thoại tổng đài.

Gần đây nhiều người dân cũng bị lừa mất số tiền lớn do tin tưởng vào những kẻ mạo danh là nhân sự của các doanh nghiệp lớn, giả mạo nhân viên giao hàng, nhân viên cửa hàng điện thoại, nhân viên bưu điện…

Sau khi bị lừa đảo, mặc dù được phân tích và khuyên can không nên chuyển tiếp tiền cho kẻ gian, nhưng không ít nạn nhân vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy bị thao túng tâm lý, chắc nịch rằng bản thân vừa gửi tiền cho "người nhà nước", cơ quan nhà nước, luật sư... Điều này khiến tổn thất tài sản càng tăng thêm.

Theo thống kê tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 7/10 quốc gia có số lượng người tham gia mạng lưới gian lận hàng đầu bao gồm: Thái Lan (8,9%), Trung Quốc (6,8%), Bangladesh (6,5%), Việt Nam (4,9%), Campuchia (4,6%), Hong Kong (4,6%) và Singapore (4,1%).

Tại khu vực này, top 5 hình thức gian lận danh tính phổ biến nhất là: tài liệu giả (47%), gian lận hoàn tiền (20%), chiếm đoạt tài khoản (11%), gian lận mạng lưới (9%) và deepfake (ghép mặt/giả giọng nói, 5%).

(Nguồn: VNetwork)

Lừa đảo càng tinh vi, càng phải giữ bình tĩnh

Giả mạo tổng đài, nhái thương hiệu uy tín để kiếm chác - Ảnh 3.

Một trang mạng với dòng chữ "TỔNG ĐÀI TƯ VẤN BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM" nhưng các số tổng đài không phải của BHXH Việt Nam - Ảnh: Internet

Ông Hoàng Xuân Hương - giám đốc công nghệ của công ty bảo mật an ninh mạng VNetwork - cho biết một trong những hình thức mạo danh phổ biến là giả mạo nhân viên ngân hàng, công ty tài chính hoặc cơ quan chính phủ… để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền.

Ngoài ra, kẻ gian cũng sử dụng các hình thức khác như mời chào đầu tư hấp dẫn sinh lời cao bất ngờ, trúng thưởng để yêu cầu nạn nhân trả phí hoặc cung cấp thông tin cá nhân. Hay giả mạo tài khoản trên các trang hẹn hò, nhằm lừa đảo tình cảm và trục lợi.

Trước diễn biến các chiêu trò lừa đảo đang phức tạp hơn, ông Hoàng Xuân Hương khuyến cáo người dân cần phải thận trọng, không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mật khẩu hoặc mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, email hoặc tin nhắn.

Luôn xác minh danh tính của người liên hệ, đặc biệt là những người lạ hoặc những người yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền.

Sử dụng mật khẩu mạnh, bật xác thực hai yếu tố, và thường xuyên thay đổi mật khẩu. Đồng thời không tin vào những lời hứa hẹn lợi nhuận cao bất thường hoặc những giải thưởng không có thật.

Khi nhận được những cuộc gọi có ý hướng đe dọa, việc đầu tiên chúng ta nên làm là phải giữ bình tĩnh, đừng để bị áp lực hoặc sợ hãi trước những yêu cầu khẩn cấp từ những kẻ lừa đảo. Tham khảo ý kiến của chuyên gia, công an địa phương hoặc luật sư để được tư vấn và hỗ trợ.

Doanh nghiệp tăng hàng rào phòng bị

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - giám đốc thương mại điện tử, hệ thống bán lẻ 24hStore - cho biết để ứng phó trước tình trạng bị giả mạo, các doanh nghiệp đã phải chi thêm tiền, nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa.

Nổi bật là việc tăng cường nhận diện thương hiệu chuẩn, thông qua việc đồng bộ hóa tên miền, số hotline, fanpage chính chủ. Đưa các kênh chính thức lên đầu website, hóa đơn, bao bì, chiến dịch quảng cáo.

Không quên gửi tin cảnh báo khách hàng thường xuyên. Định kỳ ra bài đăng cảnh báo, gắn cảnh báo ở đầu trang web, chatbot, popup trên mobile app.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần xác thực thương hiệu trên nền tảng lớn. Chẳng hạn Facebook (gắn tick xanh fanpage), Google (xác minh doanh nghiệp trên Google Business), Zalo OA, TikTok Shop, Shopee Mall... (đăng ký gian hàng chính chủ).

Trang bị kiến thức tiêu dùng số an toàn, bằng chuỗi bài viết "Mẹo mua hàng không bị lừa" để họ không bị vướng bẫy lừa.

Thêm vào đó, công ty hướng dẫn khách hàng cách kiểm tra website thật (luôn có https, thường gắn tên miền .vn uy tín). Hotline chính thức nên được tra từ website thật, không chỉ từ quảng cáo.

Về mặt kỹ thuật và pháp lý, bà Ánh Hồng cho rằng doanh nghiệp cần báo cáo vi phạm kịp thời, tổ chức quy trình nội bộ để phát hiện và xử lý các trang mạo danh (quét từ khóa, báo cáo vi phạm...).

Đồng thời, làm việc với luật sư và cơ quan chức năng để gửi công văn yêu cầu chấm dứt tên miền giả, hoặc phối hợp điều tra nếu có thiệt hại tài chính nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

"Việc bị mạo danh là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang có sức ảnh hưởng lớn, nhưng cũng là lời nhắc nhở rằng niềm tin của khách hàng cũng mong manh và dễ bị tổn thương nhất.

Chỉ khi doanh nghiệp, khách hàng và nền tảng công nghệ cùng hành động thì môi trường tiêu dùng số mới thật sự an toàn và minh bạch", bà Hồng nhấn mạnh.

Giả mạo tổng đài, nhái thương hiệu uy tín để kiếm chác - Ảnh 4.Công ty SJC cảnh báo về fanpage giả mạo giữa lúc giá vàng lên 120 triệu đồng/lượng

Công ty SJC phát đi cảnh báo trang fanpage giả mạo SJC có tích xanh đăng thông báo cho khách hàng đặt lịch mua vàng miếng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên