08/07/2024 09:09 GMT+7

Giá lương thực thế giới đã ổn định

Theo dữ liệu do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố hôm 5-7, chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 6 qua ổn định.

Trong khi giá lúa mì và bắp giảm mạnh, giá gạo vẫn tăng - Ảnh: AFP

Trong khi giá lúa mì và bắp giảm mạnh, giá gạo vẫn tăng - Ảnh: AFP

Theo đó giá ngũ cốc giảm giúp cân bằng xu hướng đi lên của chỉ số giá dầu thực vật và giá các sản phẩm từ sữa.

Người tiêu dùng thở phào

Theo FAO, chỉ số giá lương thực trung bình trong tháng 6 vừa qua đạt 120,6 điểm. Con số này không có nhiều thay đổi so với mức 120,4 điểm được ghi nhận hồi tháng 5 trước đó.

FAO cho biết giá ngũ cốc giảm 3% so với tháng trước khi lượng ngũ cốc thu hoạch ở các nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới như Kazakhstan và Ukraine đã dần được cải thiện. Đồng thời giá bắp xuất khẩu cũng giảm do sản lượng bắp ở Argentina và Brazil dự kiến sẽ cao hơn so với giai đoạn trước đó.

Bản báo cáo của hãng tư vấn độc lập quốc tế Oxford Economics - liên doanh thương mại của Trường Thương mại trực thuộc Đại học Oxford, có trụ sở chính tại Oxford (Anh) - chỉ ra rằng mặc dù giá lúa mì và bắp đã giảm mạnh nhưng giá gạo vẫn tăng đều đặn do nguồn cung toàn cầu bị tắc nghẽn bởi các hạn chế xuất khẩu do Ấn Độ áp đặt. Ấn Độ là quốc gia chiếm khoảng 40% sản lượng gạo trên thế giới.

Trong một báo cáo khác, FAO dự đoán sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2024 có thể đạt kỷ lục mới với 2,854 tỉ tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó dẫn đầu là gạo và ngũ cốc thô.

Dự báo đầy tươi sáng này được đưa ra khi nhiều người kỳ vọng về vụ thu hoạch bắp sẽ tăng cao ở các nước Nam Mỹ như Argentina và Brazil hay ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine. Dự báo mùa vụ lúa mì ở châu Á cũng bội thu, đặc biệt là ở Pakistan.

Theo Oxford Economics, động lực chính giúp giảm giá lương thực đến từ những mùa bội thu các loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và bắp. Từ đó giúp ổn định giá cả của hai loại lương thực này trên thị trường.

Theo CNBC, nông dân đẩy mạnh trồng lúa mì và bắp sau khi giá của cả hai mặt hàng này đột ngột lên cao kể từ khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2-2022. Nhà kinh tế học hàng đầu Oxford Economics Kiran Ahmed cho biết cho dù Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sụp đổ từ tháng 7-2023 nhưng xuất khẩu nông sản của Ukraine vẫn được duy trì tương đối tốt đã phần nào giúp duy trì giá lương thực, thực phẩm ở mức tương đối ổn định. Cũng theo chuyên gia này, lượng xuất khẩu lúa mì của Nga cũng đang phân bố rải rác khắp thị trường quốc tế đã giúp giá lúa mì không bị đẩy lên cao.

Oxford Economics nhận định lúa mì, bắp và gạo chiếm hơn một nửa lượng calo tiêu thụ toàn cầu. Điều này có nghĩa là dao động giá của chúng sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến ngân sách chi tiêu cho thực phẩm của người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Đài CNBC cho rằng khi giá lương thực thực phẩm hạ nhiệt, người tiêu dùng có thể phần nào "dễ thở" hơn trước hàng tá hóa đơn cần chi trả trong cuộc sống hằng ngày.

Vẫn lo an ninh lương thực

FAO cho biết xung đột, hạn hán, thiên tai vẫn đang thúc đẩy tình trạng mất an ninh lương thực ở một số nơi trên thế giới.

Cụ thể, các cuộc giao tranh triền miên đang tạo ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, đặc biệt là ở Yemen - nơi ước tính có gần 4,6 triệu người dân đang phải đối mặt với tình trạng đói ăn nghiêm trọng.

Bên cạnh đó chiến sự ở Dải Gaza và Sudan cũng khiến người dân nơi này đối mặt với nguy cơ bùng phát nạn đói nghiêm trọng.

Bên cạnh ảnh hưởng do chiến tranh, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân làm giảm năng suất cây trồng, dẫn đến cạn kiệt nguồn cung một số loại thực phẩm, từ đó đẩy giá một số mặt hàng lên cao và có thể kéo theo tình trạng lạm phát vĩnh viễn đối với một số thực phẩm, theo báo Financial Times.

Đồng quan điểm, Oxford Economics không loại trừ rủi ro giá thực phẩm sẽ tăng mạnh do điều kiện thời tiết bất lợi.

Ông Giuseppe Divita, chủ một nhà máy sản xuất dầu ô liu ở thị trấn Chiaramonte Gulfi (đảo tự trị Sicily thuộc Ý), cho biết khí hậu tại hòn đảo này vốn là nơi vô cùng thích hợp để sản xuất ô liu.

Tuy nhiên nhiệt độ trung bình hằng năm tăng cao trong khi lượng mưa trung bình năm giảm dần khiến việc trồng ô liu và chế biến chúng thành dầu càng lúc càng trở nên khó khăn hơn. Trên khắp khu vực Địa Trung Hải, thủ phủ của ô liu, năng suất giảm và chi phí đầu vào tăng cao đã đẩy giá dầu ô liu trong năm 2024 lên mức cao nhất trong 20 năm qua.

Cũng theo Financial Times, không chỉ dầu ô liu, biến đổi khí hậu đã làm giá các nông sản khác tăng theo như cam ở Brazil, ca cao ở Tây Phi, ô liu ở Nam Âu hay cà phê ở Việt Nam.

Giá đường, sữa tăng

Trái ngược với giá ngũ cốc đang ở mức ổn định, FAO báo cáo giá sữa và các sản phẩm từ sữa trong tháng 6 tăng thêm 1,2% so với tháng 5. Giá đường cũng tăng 1,9% do kết quả thu hoạch nguyên liệu sản xuất đường ở Brazil thấp hơn so với dự kiến.

Trong các mặt hàng thực phẩm, dầu thực vật tăng giá nhiều nhất với mức tăng 3,1%. Tuy nhiên chỉ có dầu cọ, dầu đậu nành và dầu hướng dương tăng giá, trong khi giá dầu hạt cải hầu như không thay đổi.

Giá các sản phẩm thịt cũng ổn định, trong đó giá các sản phẩm thịt gia cầm có xu hướng giảm trong khi giá thịt cừu, thịt heo và thịt bò lại tăng nhẹ.

Giá lương thực đã hạ nhiệt ở các nước giàuGiá lương thực đã hạ nhiệt ở các nước giàu

Dữ liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy lạm phát giá lương thực tại các nước giàu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước xung đột Nga - Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên