22/02/2019 10:08 GMT+7

Giá lúa nhích lên, nông dân vẫn khó bán

H.T.DŨNG - K.TÂM
H.T.DŨNG - K.TÂM

TTO - Giá lúa nhích nhẹ nhưng ngày 21-2, lãnh đạo ngành nông nghiệp một số tỉnh ở ĐBSCL cho hay nông dân nhiều nơi vẫn khó bán lúa.

Giá lúa nhích lên, nông dân vẫn khó bán - Ảnh 1.

Người dân ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chiều 21-2, ông Nguyễn Trung Kiên - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết sau chỉ đạo của Thủ tướng, 130 doanh nghiệp (DN) thành viên hiệp hội đã được quán triệt cân đối nguồn tín dụng của DN triển khai tổ chức mua lúa cho nông dân.

Không có chuyện thiếu kho nên không mua

"Trong ngày 21-2, một số nơi ở ĐBSCL giá lúa tiếp tục nhích thêm khoảng 50 đồng/kg. Tuy nhiên, do hiện đang vào thời điểm thu hoạch rộ, trong khi tài chính có hạn, ngân hàng chưa giải ngân bổ sung hạn mức nên DN chưa thể đáp ứng yêu cầu mua lượng lúa rất lớn trong dân" - ông Kiên nói.

Trả lời câu hỏi: có không tình trạng DN đang tồn kho lượng lúa gạo lớn nên không tổ chức mua mà cố neo để bán lượng lúa tồn kho, ông Kiên bác bỏ vì thời gian qua thị trường xuất khẩu khá tốt, mới gặp khó khăn gần đây do Trung Quốc siết xuất khẩu tiểu ngạch. 

Ông Kiên cho hay thời điểm này kho của nhiều DN vẫn còn rất nhiều chỗ chứa. Việc chưa đáp ứng được yêu cầu bán lúa của nông dân là do vào thời điểm thu hoạch rộ, DN thiếu vốn nên không thể mua thêm.

"Tôi nghĩ trong vài ngày tới nếu ngân hàng giải ngân thêm hạn mức tín dụng cho DN vay thêm, tình hình sẽ ổn" - ông Kiên nói.

Nông dân, doanh nghiệp cùng chờ

Trong khi đó, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, giá lúa ngày 21-2 tại Sóc Trăng tiếp tục "đứng" ở mức thấp. Cụ thể, các giống lúa chất lượng tốt được thương lái mua vào từ 4.500-4.700 đồng/kg, lúa thơm RVT từ 5.200-5.400 đồng/kg, giảm bình quân 500-1.500 đồng/kg so với trước tết.

Tương tự, lãnh đạo ngành nông nghiệp một số tỉnh như: Đồng Tháp, An Giang... cho hay tình hình mua lúa tại các tỉnh này vẫn chưa thật sự khởi sắc, giá lúa có tăng lên vài trăm đồng so với vài ngày trước nhưng nông dân vẫn khó bán, do đang có tâm lý cả DN và nông dân đang chờ động thái mới của ngân hàng và chờ giá tốt hơn sau chỉ đạo của Chính phủ.

Hỗ trợ tối đa việc mua lúa

Ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - cho biết để chia sẻ với nông dân trong lúc giá lúa bấp bênh, sở đã chỉ đạo đơn vị liên quan trực 24/24h để vận hành cống, cho ghe tàu của thương lái vào bên trong nội đồng mua lúa. 

"Bất cứ thời điểm nào, khi con nước đứng đảm bảo việc mở cống không để nước mặn vào nội đồng, có ghe vào mua lúa, chúng tôi mở cống ngay. Nhờ ghe tàu vào sâu nội đồng, nông dân không phải chuyển lúa đi xa nên không bị "đè" ít nhất 200 đồng/kg" - ông Quyết chia sẻ.

Ông Phạm Kim Hùng, phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Sóc Trăng, cho biết trong khi chờ chủ trương từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng cho các DN mua lúa gạo theo cam kết tín dụng đã ký. 

Theo ông Hùng, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trên địa bàn đã cho các DN mua lúa xuất khẩu vay 99 tỉ đồng, nâng dư nợ ở lĩnh vực này lên khoảng 500 tỉ đồng.

Bắt đầu mua lúa gạo dự trữ: Đảm bảo dân có lãi

TTO - Ngay từ 20-2, Tổng cục Dự trữ (Bộ Tài chính) đã bán hồ sơ gói thầu mua 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa dự trữ năm nay. 100% lúa và gạo dự trữ đều được mua từ các tỉnh ĐBSCL.

H.T.DŨNG - K.TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên