29/03/2020 12:33 GMT+7

Giá lúa bắt đầu giảm nhẹ

N.TÀI - M.TRƯỜNG - K.NAM
N.TÀI - M.TRƯỜNG - K.NAM

TTO - Không chỉ lo ngại cho "sức khỏe" của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhiều chuyên gia cho rằng nếu việc tạm dừng xuất khẩu gạo kéo dài, hơn 20% diện tích lúa chưa thu hoạch tại các tỉnh ĐBSCL sẽ bị ép giá, nông dân bị thiệt hại nặng.

Giá lúa bắt đầu giảm nhẹ - Ảnh 1.

Nhiều nông dân tại huyện Châu Thành (Sóc Trăng) lo giá lúa sẽ giảm trở lại và khó tiêu thụ, sau khi có lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Võ Quốc Hưng - phó giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) - cho biết khu vực ĐBSCL vẫn còn 20 - 25% diện tích lúa đang được thu hoạch, tới ngày 1-5 mới hết. Sau khi có lệnh cấm xuất khẩu gạo, một số doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng trước lợi dụng chính sách "đè" giá xuống để đỡ lỗ. "Những DN chưa ký hợp đồng cũng sẽ giảm 5 - 10% giá mua để chờ cơ hội xuất khẩu. Chỉ có nông dân sẽ thiệt thòi", ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, vấn đề về an ninh lương thực là rất đáng được quan tâm, nhưng việc hạn chế hay dừng xuất khẩu gạo phải có ý kiến của lãnh đạo các tỉnh miền Tây - vựa lúa của cả nước, cũng như những DN thu mua, xuất khẩu lúa gạo bởi họ mới chính là người hiểu nhất về tình hình lương thực thực tại. "Chứ đùng một cái ra lệnh cấm xuất khẩu trong khi hàng hóa của các DN đang còn trên cảng, không kịp trở tay khiến DN mất uy tín với đối tác", ông Hưng nói.

Ông Lê Phát Long - giám đốc Công ty TNHH Phát Tài (Đồng Tháp) - cho biết với lượng gạo tồn kho khá lớn, DN gặp nhiều khó khăn trong việc xoay xở nguồn vốn và trả lãi ngân hàng khi bị cấm xuất khẩu gạo. "Sản lượng lúa gạo còn rất lớn, trong kho của DN và lúa người dân sắp thu hoạch. Nếu không được xuất gạo, chỉ có nông dân bị thiệt hại bởi DN sẽ giảm giá mua lúa của nông dân", lãnh đạo một DN nói.

Ông Lê Văn Thơ - giám đốc HTX Phước Tiền (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) - cho biết thành viên HTX đã thu hoạch hơn 1.200ha lúa đông xuân, còn 600ha sắp thu hoạch. Giá lúa Đài Thơm 8, OM18 dao động 6.100 - 6.200 đồng/kg. "Với việc dừng xuất khẩu gạo, giá lúa chắc chắn sẽ giảm dù hợp đồng đã được ký và đặt cọc tiền. Bởi không giảm thì thương lái sẽ "bẻ kèo" không mua. Nhiều nông dân đang lo dữ lắm", ông Thơ cho biết.

Theo ông Trần Văn Chuyền - thương lái mua lúa tại huyện Châu Thành, Kiên Giang, sau khi giá mua lúa tại ruộng tăng 20-22% so với cùng kỳ năm 2019, khoảng một tuần nay giá lúa bắt đầu giảm nhẹ, chủ yếu do nhiều địa phương thu hoạch rộ và việc tạm dừng xuất khẩu gạo. "Giá mua lúa đầu vụ tăng mạnh do thông tin đợt hạn mặn, nhiều DN mua lúa chế biến gạo xuất khẩu. Nhưng với tình hình hiện nay, giá lúa có khả năng giảm thêm", ông Chuyền dự báo.

Theo ông Đỗ Minh Nhựt - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, vụ đông xuân 2019-2020 địa phương này gieo sạ tổng cộng 289.000ha, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao như Jasmin, DS, OM... Đến nay, Kiên Giang đã thu hoạch được 230.000ha, năng suất bình quân 8 tấn/ha, dự kiến thu hoạch dứt điểm các diện tích còn lại trong những ngày tới.

Ở thời điểm tiêu thụ mạnh những ngày trước, giá mua lúa tươi tại ruộng dao động 5.700 - 6.000 đồng/kg lúa dài, 5.000 đồng/kg lúa thường IR-50404. Tuy nhiên, sau khi có thông tin tạm ngừng xuất khẩu gạo, giá lúa đã chững lại và có dấu hiệu giảm nhẹ, nhiều nông dân chuẩn bị thu hoạch khá lo lắng trước khả năng giá lúa sẽ giảm mạnh hơn.

Chung tay cứu giá lúa Chung tay cứu giá lúa

TTO - Chiều 19-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan về tiêu thụ lúa đông xuân của nông dân ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn.

N.TÀI - M.TRƯỜNG - K.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên