20/11/2015 07:43 GMT+7

Già làng, trưởng bản gọi học sinh đến trường

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
NGUYỄN THẾ LƯỢNG

TT - Ở các trường học vùng sâu vùng xa, để học sinh đến trường thầy cô giáo phải đi vận động từng em một, chăm lo chỗ ăn ở cho các em tại trường.

Giờ học của học sinh vùng cao Sa Pa, Lào Cai - Ảnh: Thế Lượng
Giờ học của học sinh vùng cao Sa Pa, Lào Cai - Ảnh: Thế Lượng

Khi tôi vận động, gia đình học sinh liền nghe theo và lại cho con đi học

Ông SÙNG SEO CHU - trưởng bản Mông Lùng Ác (Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai)
Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Tuy nhiên, không thể không kể đến vai trò của các già làng, trưởng bản trên địa bàn đã góp phần không nhỏ vào việc vận động học sinh chịu đi học chữ.

Vào đầu mỗi năm học, nỗi lo đầu tiên của các trường học vùng cao là sĩ số học sinh. Học sinh đi học thưa thớt, thích thì đi, không thích thì nghỉ là tình trạng chung ở nhiều trường vùng sâu vùng xa. Hơn thế nữa, học sinh đúng độ tuổi ở những bản khó khăn thường hay bỏ học, không đến trường nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đầu cấp. Đó là những khó khăn mà hầu như vào năm học nào các trường học ở vùng cao cũng gặp phải.

Không cam chịu đứng nhìn học sinh bỏ học, không ra lớp khi đúng độ tuổi, lãnh đạo các nhà trường và đội ngũ thầy cô giáo không ngừng tìm kiếm những giải pháp để học sinh đến trường.

Ngoài các giải pháp truyền thống như lặn lội đến tận những bản xa để động viên, tặng sách vở, vận động phụ huynh cho con em đến trường, tạo điều kiện về chỗ ăn ở để học sinh yên tâm ở lại trường học chữ... thì việc phối hợp với các già làng, trưởng bản kêu gọi học sinh đi học là cách làm hay và hiệu quả, được ban giám hiệu các trường học ở vùng sâu vùng xa áp dụng.

Các già làng, trưởng bản là những người hiểu biết và có vai trò quan trọng trong đời sống của dân bản, của gia đình học sinh. Vì vậy các nhà trường vùng cao liên hệ với những già làng, trưởng bản ngay từ mùa tuyển sinh đầu năm học.

Suốt năm học, các già làng, trưởng bản còn tích cực giúp nhà trường hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Khi nhà trường có học sinh bỏ học, nghỉ học không lý do, hiệu trưởng sẽ điện thoại cho trưởng bản của học sinh đó hỏi lý do vì sao học sinh không đến trường, tìm hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình học sinh hoặc sự việc bất thường khiến học sinh không đi học.

Khi có thông báo của nhà trường, trưởng bản sẽ trực tiếp điều tra để nắm bắt tình hình về học sinh, gia đình học sinh, từ đó có giải pháp vận động hiệu quả ngay tại bản. Nếu gia đình học sinh gặp khó khăn về kinh tế, ngay lập tức trưởng bản sẽ báo cáo lên Đảng ủy, UBND xã để có phương án hỗ trợ, giúp gia đình ổn định và đưa học sinh trở lại trường.

Trưởng bản, già làng sẽ là nhân tố quan trọng trong cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của họ mà nhiều trường học vùng cao đã duy trì được 100% sĩ số học sinh từ đầu đến cuối năm học.

Ông Sùng Seo Chu - trưởng bản Mông Lùng Ác (Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai) - cho biết: “Khi bản có học sinh bỏ học giữa chừng, tôi đã trực tiếp đến nhà học sinh hỏi lý do, rồi vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Khi tôi vận động, gia đình liền nghe theo và lại cho con đi học”.

Còn ông Sùng A Tủa - trưởng bản Mông Mỹ Á (Thu Cúc, Tân Sơn, Phú Thọ) - chia sẻ: “Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bản của tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò của việc học. Vì vậy, con em của bản dù nhà cách xa trường nhưng vẫn hiếu học và đi học đầy đủ”.

Trước hết phải gương mẫu

Theo nhiều già làng, trưởng bản, nói nhiều, vận động nhiều cũng tốt, nhưng muốn dân bản nghe theo thì trước hết gia đình mình phải gương mẫu đi đầu. Do đó mỗi gia đình của già làng, trưởng bản vùng cao chính là một mô hình nhỏ về phong trào hiếu học để các gia đình trong bản noi theo. Các trưởng bản đã cho con em mình đi học hết bậc THPT rồi tiếp tục đi học đại học và trở thành cán bộ nhà nước.

Tại bản Mông Tổng Kim (Lào Cai), riêng gia đình trưởng bản Lý A Pao đã đóng góp cho bản ba con trai đi học đại học. Con trai cả Lý Chiến Gìn, tốt nghiệp khoa vật lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, giờ làm tổ trưởng tổ toán - lý - tin Trường THPT số 3 Bảo Yên; Lý Chiến Phong - con trai thứ hai, tốt nghiệp ĐH Nông lâm Thái Nguyên - hiện công tác tại huyện Si Ma Cai; còn con trai út Lý Chiến Sách hiện là sinh viên năm 4 Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên