Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành thông tư quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (thông tư 01/2023/TT - TANDTC).
Theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án thì những đối tượng đủ điều kiện để được bổ nhiệm hòa giải viên gồm:
Người đã là thẩm phán, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên;
Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;
Thông tư 01/2023/TT-TANDTC có hiệu lực từ ngày 25-4 tới đây xác định "chuyên gia", "nhà chuyên môn khác" là người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ: chuyên gia tâm lý học, chuyên gia tài chính, chuyên gia sở hữu trí tuệ…
Ngoài ra, thông tư trên còn xác định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư.
Là người có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.
Ví dụ: già làng, trưởng bản… tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ứng viên ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện như trên còn phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp; có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại thì có thể nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm hòa giải viên tại tòa án nơi họ có nguyện vọng làm hòa giải viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận