Giết mổ heo tại một công ty ở TP.HCM - Ảnh: NG.TRÍ
Giá thịt heo mảnh (đã mổ, không đầu) cũng được đơn vị này tăng lên 106.000 đồng/kg so với mức giá khoảng 97.500 đồng/kg trước đó. Các công ty chăn nuôi heo như C.J Đồng Nai, Japfa... cũng công bố tăng giá bán heo hơi với mức phổ biến hiện vào khoảng 82.000 đồng/kg.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 27-5, ông Lê Xuân Huy - phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam - cho biết công ty đã giữ mức giá heo hơi 70.000 đồng/kg như cam kết với Chính phủ trong gần một tháng rưỡi nhưng giá thịt heo trên thị trường vẫn tăng, người dân vẫn phải mua giá cao do bộ phận trung gian, thương lái làm giá.
Ngoài ra, với 14.000 con xuất bán mỗi ngày, lượng heo của đơn vị chỉ chiếm 10% nguồn cung cả nước, không thể làm chủ giá bán trên thị trường.
"C.P sẵn sàng chịu thiệt để đồng hành với Chính phủ và người tiêu dùng, nhưng thịt heo tới tay người dùng không được giá rẻ. Như vậy, việc giữ giá heo của C.P không mang lại lợi ích gì cho số đông nên công ty tăng giá để hài hòa hơn với cơ chế thị trường" - ông Huy nói.
Đồng thời ông cho rằng giá heo hơi xuất chuồng của doanh nghiệp này hiện đang thấp hơn giá bán của hầu hết công ty chăn nuôi và thấp hơn 15.000 đồng/kg so với thị trường.
Ông Phan Văn Tuy - trưởng phòng sản xuất Công ty C.J (khu vực miền Bắc) - cũng cho biết công ty này đã duy trì giá 70.000 đồng/kg heo hơi trong gần hai tháng nhưng giá heo trên thị trường vẫn cao, người tiêu dùng không được hưởng lợi, trong khi khâu trung gian ăn chênh lệch lớn.
"Việc công ty giữ giá heo không ý nghĩa gì cho số đông người tiêu dùng, nên phải tăng giá lên cho phù hợp so với thị trường" - ông Tuy cho biết.
Chiều cùng ngày, theo ghi nhận của chúng tôi, giá heo hơi xuất chuồng tại các trang trại chăn nuôi khu vực phía Nam đang ở mức 93.000 - 97.000 đồng/kg, giảm nhẹ so với ngày trước đó nhưng vẫn cao hơn nhiều mức giá bán ra của các công ty chăn nuôi.
Do giá heo liên tục tăng, nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ đã chủ động giảm bớt lượng heo bán ra khiến cung - cầu càng mất cân đối, gây áp lực lên giá.
Theo các công ty chăn nuôi, Nhà nước chỉ cần đảm bảo đủ thịt cho người tiêu dùng, chứ không nhất thiết phải đảm bảo đủ thịt heo. Một khi giá thịt heo quá cao, người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng thịt khác.
"Tái đàn cần thời gian cả năm, nhập thịt heo cũng gặp rủi ro về giá do Trung Quốc cũng đang tăng nhập. Do đó, ngoài việc nhập khẩu thịt và tái đàn, cần vận động người dân chuyển sang dùng sản phẩm khác thay thế thịt heo" - một doanh nghiệp gợi ý.
Giá heo sẽ "hạ nhiệt" trong quý 4-2020
Theo ông Nguyễn Như So - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco, các công ty chăn nuôi phải "phá cam kết" giữ giá ở mức 70.000 đồng/kg heo hơi do giá thịt heo trên thị trường không những không giảm mà còn có xu hướng tăng, người tiêu dùng không được hưởng lợi.
Hơn nữa, tổng đàn của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chỉ chiếm khoảng 35% tổng đàn heo cả nước nên không thể kìm giá heo trên thị trường, nhất là trong bối cảnh nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. "Dự báo đến quý 4-2020, khi nguồn cung ổn định, giá heo có thể giảm xuống đến mức hợp lý hơn", ông So nói. (CHÍ TUỆ)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận