Thương lái đang mua heo từ các hộ chăn nuôi, trang trại nhỏ ở Bắc Giang với giá 70.000 - 78.000 đồng/kg - Ảnh: CHÍ TUỆ
Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết dự kiến tổ chức gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn vào ngày 18-11 tới đây để bàn giải pháp bình ổn giá heo, đồng thời yêu cầu các địa phương có giải pháp hạ nhiệt giá, các tỉnh biên giới phải kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ xuất heo tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo người dân thay thế thịt heo bằng các sản phẩm thịt gà, thủy sản...
“Có thương lái, hộ chăn nuôi lợi dụng thời cơ để găm hàng và cùng nhau đẩy giá từ giá cá biệt lên giá toàn thể.
Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Giá tăng cao
Ngày 13-11, giá heo hơi tại các trang trại ở khu vực phía Nam đã lên mức 71.000 - 73.000 đồng/kg và khu vực phía Bắc có nơi đạt mốc 78.000 đồng/kg. Đây là mức giá heo hơi cao nhất từ trước đến nay, đem lại mức lợi nhuận cho người chăn nuôi khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/con heo bán ra (trung bình 100kg/con).
Riêng giá heo hơi bán ra của các công ty chăn nuôi lớn ở mức 65.000 - 66.000 đồng/kg.
Do có sự chênh lệch giá rất lớn giữa các công ty chăn nuôi lớn và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tại Đồng Nai xuất hiện một nhóm đầu nậu chuyên mua gom của các công ty rồi ra ngoài bán sang tay hưởng lợi tới gần 1 triệu đồng/con heo.
Một số đơn vị kinh doanh cho rằng heo của các công ty lớn bán thấp hơn nhiều so với giá bên ngoài là do tác động của Cục Chăn nuôi không cho tăng giá (?).
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi - phủ nhận thông tin can thiệp vào giá heo hơi bán ra của các công ty.
"Không thể can thiệp vào giá bán của các công ty được vì phải tuân thủ quy luật kinh tế thị trường. Chúng tôi chỉ kêu gọi các công ty cố gắng bình ổn giá ở mức 65.000 - 66.000 đồng/kg vì ở mức này thì người chăn nuôi đã có lãi khá cao, giá thịt ra đến thị trường cũng chấp nhận được với người tiêu dùng" - ông Dương nói.
Cùng ngày, giá heo mảnh (đã mổ, không đầu) bán ra tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM đã lên tới 92.000 đồng/kg loại 1, 85.000 - 87.000 đồng/kg loại 2, gấp đôi so với mức giá giữa năm nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Jirawit Rachatanan - phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP, một trong những đơn vị cung cấp thịt heo chính ra thị trường - cho biết lượng heo của công ty cung ứng ra thị trường từ nay đến cuối năm sẽ không giảm.
Tuy nhiên, do tổng đàn heo của cả nước bị thiệt hại nặng do dịch tả heo châu Phi (ASF) nên giá heo sẽ ở mức cao chứ khó giảm xuống.
"Chúng tôi đang phải giữ lượng bán ra ổn định chứ không bán ồ ạt, bán ra bao nhiêu thương lái đều thu gom hết vì chênh lệch tại kho của nhà máy với giá bên ngoài quá cao" - ông Jirawit Rachatanan nói.
Nguồn cung giảm mạnh
Theo ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - giá heo hơi xuất chuồng lên tới 71.000 - 73.000 đồng/kg không phải giá ảo mà do lượng heo còn lại không nhiều.
"Tổng đàn heo của người dân trên địa bàn đã giảm khoảng 80% so với trước khi dịch ASF xảy ra. Do đó, các thương lái đã đẩy giá thu mua lên cao để gom hàng" - ông Đoán nhận định.
Thống kê của Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết gần 7 tháng sau khi xảy ra dịch ASF xuất hiện, tổng đàn heo trên địa bàn đã giảm trên 40% (từ 2,5 triệu con xuống còn 1,4 triệu con). Trong đó, các doanh nghiệp FDI chiếm gần 1,3 triệu con, lượng heo trong dân chỉ còn hơn 100.000 con.
Tính đến cuối tháng 10, Đồng Nai có trên 5.200 hộ chăn nuôi với 430.000 con heo bị tiêu hủy do dịch ASF. Trong khi đó, nhiều người chăn nuôi cho biết vẫn chưa dám tái đàn.
Ông Vy Hướng Mạnh, chủ trại heo VietGAHP tại huyện Thống Nhất, cho biết hơn 100 con heo, gồm cả heo nái và heo thịt của trại gia đình ông đều bị tiêu hủy trước đó do bị nhiễm dịch ASF nhưng gia đình ông cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác trong vùng vẫn chưa thể tái đàn.
"Quanh khu vực lâu lâu lại có trại mắc dịch tả heo châu Phi nên trước mắt vẫn phải chờ, chưa dám tái đàn vào lúc này" - ông Mạnh chia sẻ.
Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, đến cuối năm 2019, sản lượng thịt heo trên địa bàn chỉ đạt khoảng 252.800 tấn, bằng 60% so với cùng kỳ năm 2018. Do đó, các ngành chức năng địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để tăng đàn, chuyển đổi vật nuôi nhằm bù đắp tình trạng thiếu thịt heo.
Ông Huỳnh Thành Vinh - giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai - cho biết cơ quan này đã làm việc và thống nhất với các doanh nghiệp và chủ trang trại về việc tăng đàn.
Cụ thể, với các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh thú y hay nằm trong vùng dịch, tuyệt đối không cho tái đàn. Còn với các doanh nghiệp, trang trại lớn đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh thú y thì khuyến khích tăng đàn.
"Tuy nhiên, việc tăng đàn phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn, có thông báo đến chính quyền địa phương và cơ quan thú y để theo dõi và kiểm soát. Sở cũng khuyến khích người dân chuyển đổi sang vật nuôi khác như trâu bò, gia cầm, thủy sản... để tăng cường nguồn thịt thay thế" - ông Vinh nói.
Các tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết giá thịt heo tăng từng ngày trong thời gian gần đây - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Kêu gọi doanh nghiệp lớn chia sẻ
Ông Nguyễn Xuân Dương xác nhận giá thịt heo tăng nhanh những ngày qua và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhưng khẳng định nguồn cung không thiếu đến mức giá heo hơi xuất chuồng "lập kỷ lục" liên tục như những ngày qua.
Nguyên nhân là do thông tin chưa đầy đủ, phần lớn thông tin giá cao được lấy ở một số địa phương, trong khi cơ sở thu mua giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn thịt của trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn nên giá nào cũng chấp nhận.
"Có thương lái, hộ chăn nuôi lợi dụng thời cơ để "găm" hàng và cùng nhau đẩy giá từ giá cá biệt lên giá toàn thể. Giá heo trong nước không phụ thuộc bất kỳ nước nào mà do người chăn nuôi và người buôn bán trong nước tự xác định" - ông Dương nói.
Đồng thời cho rằng việc bình ổn giá heo không khó nếu như chủ động thông tin và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chia sẻ, điều chỉnh giá xuống. Dự kiến ngày 18-11, Bộ NN&PTNT sẽ họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn điều tiết giá thịt heo.
Cũng theo ông Dương, tổng nguồn cung các loại thực phẩm hiện không thiếu, riêng thịt heo có thiếu "một chút" do tổng đàn giảm 20% (tương đương 10% khối lượng thịt). Bù lại, 10 tháng đầu năm 2019, chăn nuôi gia cầm tăng 13,5%, gia súc ăn cỏ tăng 4,5%, thủy sản tăng 6,5%, trứng 10%.
"Kịch bản VN không xảy ra như Trung Quốc "vỡ trận" do thiếu nguồn vì VN có nhiều nguồn thực phẩm khác" - ông Dương khẳng định.
Tuy nhiên, ông Dương yêu cầu các địa phương biên giới cần phải rà soát, kiểm tra chặt để ngăn chặn hiện tượng heo được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc vì giá heo hơi ở VN hiện chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.
Ngoài ra, ngành công thương các địa phương phải quan tâm bình ổn giá cho mặt hàng thịt heo, ngăn chặn nguy cơ giá thịt heo tiếp tục "leo thang".
"Người dân cũng cần thay đổi thói quen sử dụng thịt, chuyển sang ăn các sản phẩm gia cầm, thủy sản hoặc thực phẩm thay thế khác thay vì chỉ ăn thịt..." - ông Dương nói.
Ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN - cũng cho rằng đã đến lúc người Việt cần thay đổi cơ cấu thịt trong khẩu phần ăn.
"Thịt heo vẫn chiếm 60 - 70% tổng lượng thịt tiêu dùng, còn lại là thịt gà và thịt trâu bò, hải sản. Giá thịt heo hiện đã tăng lên rất cao, nhiều người tiêu dùng sẽ giảm tiêu thụ và chuyển sang các loại thịt khác rẻ hơn như gà vịt, cá tra. Cơ cấu các loại thịt sẽ về mức hợp lý hơn" - ông Bình nhận định.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn (chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội):
Có hiện tượng "làm giá"
Hơn một tuần nay, giá heo trên địa bàn bắt đầu tăng cao và đang giữ ở mức 70.000 - 75.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu chững lại. Một phần do nguồn cung giảm bởi ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (ASF), nhưng không loại trừ có hiện tượng thương lái, người dân đẩy giá lên.
Trong thực tế, do ảnh hưởng của dịch ASF, tổng đàn heo của Hà Nội giảm 31,2%, hiện chỉ còn khoảng 1,1 triệu con, chủ yếu ở các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi lớn.
Do đó, để đảm bảo nguồn cung heo, Hà Nội đang phải tăng nhập thêm từ các địa phương lân cận. Bởi nhu cầu tiêu thụ thịt heo của Hà Nội khoảng 650 - 700 tấn thịt/ngày, trong khi nguồn cung trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 60 - 65% nhu cầu.
Ngành nông nghiệp phải có giải pháp bình ổn giá
Ông Đỗ Quý Phương - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình - cho biết tính đến hết tháng 10-2019, tổng đàn heo trên địa bàn chỉ có khoảng 655.600 con, giảm đến 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung giảm mạnh nên giá heo hơi xuất chuồng bị đẩy lên.
Theo ông Phạm Văn Tiến (56 tuổi, một thương lái chuyên gom heo tại khu vực huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), giá heo hơi tại địa bàn đang dao động ở mức rất cao từ 74.000 - 77.000 đồng/kg.
"Heo nuôi trong dân tại Quỳnh Phụ gần như không còn nên chúng tôi phải mua giá cao" - ông Tiến nói.
Nhiều trang trại của các hộ chăn nuôi ở huyện Tân Yên và huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, đang bán heo hơi với giá 70.000 - 78.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại kho trung chuyển heo của Tập đoàn C.P ở huyện Việt Yên, giá xuất chuồng ngày 13-11 được niêm yết 67.000 đồng/kg.
Theo ông Kiều Đình Thép - giám đốc kinh doanh Tập đoàn C.P khu vực miền Bắc, giá heo hơi xuất chuồng của doanh nghiệp này hiện đang thấp hơn mặt bằng chung khoảng 10.000 đồng/kg.
"Một mình C.P không thể đáp ứng cho tất cả thị trường và giữ nguyên giá thấp, nên ngành nông nghiệp cần phải có ngay giải pháp căn cơ để bình ổn giá" - ông Thép nói.
TP.HCM sẽ không thiếu thịt dịp tết?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thành Kiên - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - khẳng định hiện TP vẫn đảm bảo đủ lượng thịt heo cho nhu cầu người dân.
"Sẽ không có tình trạng thiếu hụt nguồn thịt heo cho TP như nhiều người lo ngại. Không những thịt heo, mà các loại thịt, thực phẩm khác đã được TP chủ động xây dựng kế hoạch nguồn cung nên vẫn sẽ đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng cuối năm, đặc biệt dịp tết" - ông Kiên nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo đại diện Vissan, lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường tết được doanh nghiệp này chuẩn bị trên 7.500 tấn, gồm thịt heo và thịt bò tươi sống khoảng 2.500 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực phẩm chế biến 5.000 tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt tết năm nay là 800 tỉ, tăng 10% so với năm ngoái.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cho biết cũng đã chuẩn bị các sản phẩm thịt heo đông lạnh đóng gói với trọng lượng 1-2kg để đáp ứng thị trường khi giá thịt heo nóng biến động, đây sẽ là sản phẩm trợ giá cho người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận