Giá hàng hóa: Hết thời con ngựa bất kham?

NGUYỄN QUANG BÌNH 18/07/2013 08:07 GMT+7

TTCT - Diễn biến thị trường hàng hóa trong mấy tuần qua thật sự tiêu cực, đúng ngay sau lời phát biểu ngày 19-6 của Ben Bernanke, chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Diễn biến này khiến giới chuyên gia cho rằng khuynh hướng mới trên thị trường nông sản sẽ chuyển từ tay người bán sang tay người mua...


Minh họa: Đức Trí

Ông chủ Fed chỉ cần nói bóng gió rằng nếu có một số tín hiệu khả quan, chương trình kích cầu QE3 (Quantitative Easing - nới lỏng định lượng) sẽ được thu hẹp quy mô và các kế hoạch bơm vốn sẽ được đình chỉ hoàn toàn vào giữa năm sau. 

Thông qua chương trình kích cầu, Fed phải bơm vốn đều chi mỗi tháng 85 tỉ USD để mua lại trái phiếu dài hạn giá cao trước đây và bán ra loại ngắn hạn giá thấp hơn. 

Đây là một cách in và bơm tiền mới vào nền kinh tế, đánh đổi lạm phát lấy phát triển. Ngay lập tức, vị đồng nhiệm cấp tiểu bang William Dudley, chủ tịch Fed bang New York, đồng thanh tương ứng cho rằng phát biểu của vị chủ tịch Fed liên bang là “rõ như ban ngày”, vì nếu như nền kinh tế có dấu hiệu cải thiện thì còn cần bơm vốn làm gì nữa (1).

Chỉ số đồng đôla tăng mạnh đã trở thành cây roi sắt ghìm giá nhiều loại hàng hóa xuống mức sâu sau một thời gian dài tăng dũng mãnh như con ngựa bất kham. Chỉ số USD đã từ mức dưới 74 điểm vào tháng 8-2011 và dưới 81 điểm trước khi Ben Bernanke phát biểu vào ngày 19-6 nay đã tăng lên mức trên 84,5 điểm tính đến hết ngày 5-7.

Thị trường hàng hóa nói chung, đặc biệt các loại nông sản, qua diễn biến thời gian gần đây, đang yêu cầu người sản xuất và kinh doanh mặt hàng này phải quay lại với nghiên cứu cung - cầu một cách nghiêm túc, trân trọng với sản xuất bền vững. 

Lộ diện chiêu trò giới đầu cơ

Thông thường, nước nào phát hành tiền càng nhiều giá trị nó càng rẻ, càng mất giá. Trường hợp này sàn hàng hóa nào lấy đồng tiền USD làm đồng tiền thanh toán, giá được bơm cao hơn nhờ sức mua mạnh hơn và ngược lại (2). 

Giá vàng kỳ hạn tại New York rớt đậm, xuyên qua mức 1.200 USD/oz, nay đang quanh mức 1.210-1.220 USD/oz, giảm 700 USD từ đỉnh (ngày 5-7). Giá cà phê arabica bay hơi gần 2/3 giá trị, từ 6.800 USD nay chỉ còn chừng 2.650-2.700 USD/tấn.

Tính trong giai đoạn từ đầu năm 2009 đến cuối quý 1-2013, đầu cơ tài chính huy động gần 2.400 tỉ USD túc trực thường xuyên trên thị trường tài chính đã “làm dậy” toàn bộ các sàn hàng hóa thế giới (3). 

Những cuộc dàn xếp, làm giá trên các thị trường kỳ hạn, từ lãi suất liên ngân hàng Libor đến giá vàng (4), giá nông sản để hưởng lợi riêng, bát nháo chẳng thua gì kiểu dàn xếp tỉ số các trận bóng đá... đang dần bị phát hiện.

Giá các mặt hàng nhu yếu phẩm trên toàn thế giới tăng trong khi đội quân thất nghiệp nhiều nơi trên thế giới ngày càng lớn. Sau khi đã thắng đậm, nay vì quá bị động, đầu cơ tài chính đang rút vốn về dần. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa hiện tượng giá bong bóng trên các sàn kỳ hạn đang đua nhau vỡ.

Đặc thù kinh doanh trên các sàn kỳ hạn hàng hóa là người tham gia có quyền mua khống hay bán khống bao nhiêu lượng hợp đồng tùy thích, nếu như nhà kinh doanh cảm giác rằng giá mặt hàng mình kinh doanh nay mai sẽ lên hay xuống. 

Nhờ “tiền muôn bạc vạn” và biết sử dụng sức mạnh đồng vốn, các quỹ đầu cơ đã mua tích trữ một lượng rất lớn các hợp đồng kỳ hạn đồng thời bung tiền gom mua một lượng hàng thực cực lớn.

Như trên sàn kỳ hạn cà phê robusta London, từ cuối năm 2010 đến tháng 7-2011 đầu cơ đã tích cực ghim hàng thực, tồn kho đến mức kỷ lục 417.120 tấn cà phê hàng thực, để bán dần cho người cần hàng giao ngay với giá cắt cổ. 

Cà phê, cũng như vàng và nhiều loại hàng hóa có sàn giao dịch kỳ hạn, hầu hết tồn kho hàng thực (physicals stocks) và hàng giấy (futures stocks) thường chỉ nằm trong tay vài quỹ đầu cơ và hãng kinh doanh có máu mặt.

Cũng chính vì thế mà thị trường hàng thực trên toàn thế giới, kể cả tại Mỹ hay tại Anh, nơi đóng bản doanh của các sàn giao dịch, đều có giá hàng hóa như vàng và giá cà phê hàng thực... hiện nay vẫn cao hơn giá sàn kỳ hạn mà ta hay gọi là giá “thế giới”. 

Thật ra đó chính là giá sàn kỳ hạn chủ yếu giao dịch “hàng giấy”, không giao nhận hàng thực, chỉ quyết toán với nhau bằng lệnh chuyển tiền giữa bên mua bên bán, người thắng người thua.

Chênh lệch giữa giá hàng thực mua bán hằng ngày với giá trên sàn kỳ hạn sẽ càng lớn nếu “tồn kho mua” càng lớn do chính đầu cơ tạo thiếu hụt cục bộ và giả tạo nhờ sức mạnh tài chính.

Nhờ mua vào, giá hàng hóa ngày càng tăng, lôi kéo các nhà đầu cơ nhỏ lẻ và các nhà xuất khẩu hàng thực “cừu non” trên toàn thế giới tham gia cùng mua, hay chí ít thông qua các tin đồn mưa bão, hạn hán... để giữ hàng lại không bán nên giá lại càng tăng.

Cho đến khi các quỹ đầu cơ thấy rằng xổ hàng ra bán tháo từ đỉnh để thu lợi, họ quyết định thoái vốn bằng cách bán nhanh bán mạnh tồn kho đã mua từ thấp đến cao để gom vốn về, mặt khác để “sập bẫy” ai đã lỡ mua giá cao phải chịu lỗ bán giá thấp hoặc phải trường vốn nuôi tồn kho đã lỗ do giá xuống.

Đó chính là trường hợp của sàn kỳ hạn vàng vào ngày 15-4 khi đầu cơ quyết định bán tháo. Chỉ trong vòng vài giờ, họ đã bán tháo 400 tấn vàng và giá vàng hôm ấy từ chừng 1.550 USD/oz chỉ còn 1.350 USD/oz (5). 

Đó cũng chính là trường hợp của giá kỳ hạn robusta, liên tục giảm từ tháng 4 đến nay, từ trên 2.050 USD/tấn nay chỉ còn chừng 1.800 USD/tấn khi quyết định “buông” các hợp đồng mua khống bằng cách bán tháo. Giá hiện nay giảm do bán ra mạnh.

Giá càng giảm nếu như đầu cơ tiếp tục bán. Họ đã từ vị thế mua khống 360.000 tấn hàng giấy, nay đã bán hết lượng ấy rồi còn bán khống mới thêm một lượng chừng 100.000 tấn nữa. Như vậy, chỉ trong vòng hai tháng, lượng bán hàng giấy chừng 460.000 tấn, giá kỳ hạn sàn cà phê robusta tại London làm sao không sụp?

Hệ lụy

Đừng tưởng cuộc tháo chạy này chỉ đơn thuần là một đợt rút vốn bình thường. Cái hệ quả tàn độc của nó chưa biết sẽ kéo dài bao lâu, đưa nông dân vào tình cảnh khó khăn và các nhà hoạch định chính sách sẽ phải nhức đầu đến mức nào.

Vì sau khi bơm tiền bơm giá, kích thích phát triển sản xuất và tăng sản lượng một cách thiếu kiềm chế, nay họ đồng thanh rủ nhau rút vốn. Nên giá các mặt hàng giảm và chắc sẽ còn giảm mạnh. Hệ lụy là thị trường thiếu thanh khoản, nhiều loại hàng hóa vì thế sẽ dư thừa, ế ẩm.

Nếu đứng từ góc xa để nhìn, ta thấy rất rõ đầu cơ tài chính đang tìm cách ôm vốn chuồn nhanh khỏi các thị trường kỳ hạn hàng hóa. Rõ nhất là trên thị trường vàng. Đầu cơ đã lẳng lặng rút êm một lượng lớn năm ngoái bằng cách bán tồn kho lúc giá còn cao để thoái vốn, đến nay họ đang đẩy dần vốn khỏi các quỹ chỉ số khai thác và kinh doanh vàng, bán nhanh lượng hàng thực và hàng giấy đã ghim giữ lâu nay.

Như tại SPDR Gold Trust, quỹ tín thác vàng có lượng tồn kho vàng lớn nhất thế giới, đến cuối năm 2012 họ còn giữ 1.353 tấn vàng ròng sau khi quỹ đầu tư Soros Fund Management LLC và Bacon 's Moore Capital Management LP âm thầm bán ra một lượng cổ phiếu lớn. Lượng tồn kho vàng của quỹ này càng giảm mạnh nửa đầu năm 2013. 

Đến ngày 1-7 lượng tồn kho chỉ còn 968 tấn, là mức thấp nhất tính từ tháng 2-2009 đến nay. Chỉ trong tháng 4, đầu cơ rút vốn khỏi quỹ này đến 7 tỉ USD (6).

Chẳng có gì quá đáng khi nhiều thức giả trên thế giới đều xem đầu cơ tài chính như là tên tội đồ của khủng hoảng kinh tế hiện nay. Thật vậy, cách chơi của nhóm đầu cơ này trong thời gian qua đối với nông dân toàn thế giới như những tay cờ bạc bịp, ăn được tiền rồi đi, không cho ai có cơ hội gỡ.

Cái còn lại nay mai với nông dân sẽ là nỗi khổ gạo dư bắp thừa không ai mua. Cách đi của giá trên các sàn hàng hóa thế giới trong những ngày qua như báo hiệu rằng thời của giá tăng “khủng”, tăng không do duyên cớ gì đang ít dần. Gạo thóc, đậu mè, cà phê, bắp, đường dư thừa... không người mua.

Phải chăng đây là dấu hiệu của một biến chuyển lớn: thị trường nông sản sẽ sớm chuyển từ tay người bán sang tay người mua sau một giai đoạn dài bên bán hưởng lạc thú quyền bán trên tay mình.

_____________

(1): ”Gartman: I Like Stocks, Gold is at Its Worst”, CNBC 28-6-2013)(2): ”Đôla Mỹ và giá hàng hóa”, TBKTSG online ngày 2-7-2011 (3): https://www.hedgefundresearch.com/index.php?fuse=products-irglo& 1372651201(4): “Nghi án vàng thế giới bị làm giá”, TBKTSG online ngày 15-3-2013(5): Gold Crush Started With 400 Ton Friday Forced Sale On COMEX tại http://www.zerohedge.com(6): “What gold, silver mining investors should do next”, MarketWatch, 24-5-2013

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận