Ngày 18-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương xác nhận vụ án liên quan cựu bí thư Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh vừa được gia hạn điều tra.
Đại diện gia đình ông Nguyễn Hồng Khanh cũng cho biết sáng cùng ngày, ông Khanh đã nhận được lệnh của cơ quan điều tra cấm đi khỏi nơi cư trú, có hiệu lực trong 3 tháng, kể từ ngày 18-6 đến 18-9-2024.
Đại diện gia đình ông Khanh cũng cho biết ông chưa được thông báo về lý do gia hạn điều tra, nên sẽ làm đơn đề nghị cơ quan chức năng trả lời.
Trước đó, tại cuộc họp báo vào tháng 4-2024 do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, ông Trần Văn Cường - phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương - cho biết lý do vụ án liên quan cựu bí thư Bến Cát tạm đình chỉ điều tra rồi lại phục vụ điều tra, vì chờ kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương.
Theo ông Cường, việc tạm đình chỉ và phục hồi điều tra khi chờ kết quả giám định là đúng luật. Tuy nhiên, khi phục hồi điều tra thì phải tuân thủ về thời hạn điều tra theo quy định pháp luật.
Vụ án cựu bí thư Bến Cát khởi tố từ năm 2018, sau đó TAND tỉnh đã xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, khi xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án, yêu cầu điều tra lại.
"Theo quy định pháp luật thì thời hạn điều tra sau khi phục hồi điều tra là 3 tháng. Nếu có lý do hợp lý thì có thể gia hạn 1 lần. Theo quy định, vụ án cựu bí thư Bến Cát phục hồi điều tra từ 18-3, nên tối đa đến 18-9 phải kết thúc điều tra" - ông Cường cho biết.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ông Nguyễn Hồng Khanh và gia đình mua đất của bà Hồ Thị Hiệp (ngụ xã An Tây, thị xã Bến Cát, đã mất) từng được thế chấp ngân hàng.
Ông Nguyễn Hồng Khanh bị điều tra (được cho tại ngoại) với cáo buộc "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Tuy nhiên, ông Khanh tiếp tục kêu oan.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương đã trả lời cơ quan điều tra, cho biết tổ giám định không thực hiện giám định đối với cả hai yêu cầu giám định của cơ quan điều tra.
Đối với quy định nội bộ của Ngân hàng BIDV, không thuộc quy chuẩn chuyên môn được áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, nội dung yêu cầu giám định thiệt hại vượt quá phạm vi chuyên môn, khả năng nghiệp vụ của người giám định tư pháp của Ngân hàng Nhà nước, vốn thuộc trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết vụ việc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận