Già Giản có thể thuộc làu làu những vị trí trong rừng có cây cổ thụ quý hiếm - Ảnh: ĐỨC THỌ
"Đi mau đi, tranh thủ mưa to bọn phá rừng kéo tới khu rừng lùn phía Đạ Sar, mười người", Ha Giản hối thúc. Cả trạm đội mưa lên đường, Ha Giản dẫn đường. Lúc này, các nhân viên của trạm mới thấy ông đi cà nhắc, ống quần rách bươm lộ ra vết thương trên gối còn đang chảy máu do trượt té trên đường chạy từ làng tới trạm.
Lúc ở cửa trạm, bóng Ha Giản hắt lên nền mưa từ ánh đèn xe máy rọi ngược khiến hình dung ông trở nên vững chãi như hình ảnh những đứa con của rừng trong các câu chuyện người Cil đậm chất sử thi.
"Tay - chân" của kiểm lâm
Nhờ có Ha Giản dẫn đường nên rạng sáng lực lượng kiểm lâm ở Đa Nhim đã đến được nơi "lâm tặc" hạ trại cùng cưa máy - một khoảnh rừng có hàng chục cây bạch tùng, du san, toàn cây có tên trong Sách đỏ. Ông Lê Chí Quang Minh - phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, khi đó là trạm trưởng - bảo những loại cây này phải giữ như giữ vàng, cây ngã xuống thì họ cũng khó mà thoát án tù.
Ha Giản đêm đó xua được nhóm "lâm tặc" ra khỏi khu rừng gỗ quý thì vui lắm. Ông quên luôn cái chân đau và cái xe máy đi rừng đã méo xiên méo xẹo sau những cú ngã. "Tối đó, may không té xuống vực núi. Nghĩ lại sợ chết", giọng kể bằng tiếng Việt lơ lớ.
Già Cil Ju Ha Giản đã 26 năm làm nhiệm vụ tuần tra giữ rừng và tổ chức những đội giữ rừng "chuyên nghiệp". Năm 1994, ông thôi làm phó chủ tịch UBND xã Đa Nhim vì một lý do tế nhị. Từ đó, ngày ngày ông quảy gùi, mang theo rựa phát và đùm cơm nắm cùng kiểm lâm và các đơn vị trồng rừng đi khắp vùng rừng phòng hộ Đa Nhim hơn 4.000ha.
Ông uy tín như một già làng và giỏi đi rừng như con thú đầu đàn nên đơn vị quản lý rừng Đa Nhim nhờ luôn ông tổ chức đội tuần tra rừng với hơn 40 người. "Quân" trong tay ông toàn bộ là những người Cil rành rẽ đường rừng như lòng bàn tay.
Ông Đinh Hữu Đạo, phó ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim, nói anh em quản lý rừng chuyên nghiệp ở đây hay gọi đùa những nhóm người dân do già Ha Giản tổ chức là "đội đặc nhiệm giữ rừng".
Từ cách đây 10 năm, những đội quân khai thác thiếc lậu kèm phá rừng còn hoành hành trong rừng, nhờ thông tin từ những "đội đặc nhiệm" của Ha Giản mà lực lượng chức năng nắm tin tức, tổ chức truy quét đến hôm nay đã sạch sẽ.
Ông Trịnh Văn Phi, trưởng trạm bảo vệ rừng Đa Nhim, thì nhắc đến Ha Giản với sự tin tưởng như "đôi tay tin vào đôi chân" - cách người Cil nói về niềm tin tuyệt đối với nhau. Ông nói Ha Giản yêu rừng một cách lạ thường, ông nhận đi giữ rừng một cách tự nguyện.
Sau này có nguồn tiền để trả công cho ông thì ông nhận, chứ ban đầu tự ông nhận làm công việc vất vả ấy. "Chúng tôi chưa bao giờ phải nhắc Ha Giản việc gì liên quan đến việc trông nom những cánh rừng. Mùa khô, ông "kéo quân" đi dọn rừng cho thông con mọc lên.
Mùa mưa, "đội đặc nhiệm" của Ha Giản đi dài ngày vào trong khu rừng lùn độc đáo của khu vực Bidoup - Núi Bà và Đa Nhim để tuần tra. Nhiều vụ phá rừng đã xảy ra nhưng "đội quân" của Ha Giản quản lý tuyệt nhiên chưa lần nào thỏa hiệp với lâm tặc" - ông Phi nói thêm.
Mất rừng - mất danh dự
Có lần chén rượu đã ngà ngà, ông Phi hỏi già Giản lý do khiến ông có thể đổ máu vì rừng, già Giản nói "tổ tiên người Cil ở giữa cánh rừng này đã từ ngàn năm. Người Cil để mất rừng là mất danh dự".
Danh dự ấy già Giản không gầy dựng riêng cho mình mà như ông Minh nhận xét: "Già Giản có tiếng nói với cộng đồng người Cil, sắc tộc chiếm đa số ở xã Đa Nhim. Những tổ công tác giữ rừng có nòng cốt là người đồng bào Cil do già Giản lập nên luôn là "đội quân" giữ rừng mẫu mực để nhiều xã, huyện học hỏi".
Không khó để gặp "đội đặc nhiệm giữ rừng" của Ha Giản. Sáng đầu tuần, những thanh niên trai tráng người Cil tập trung trước trạm quản lý rừng Đa Nhim để nắm địa điểm tuần tra rừng, trồng rừng. Trên xe đầy đủ rựa phát, cuốc thuổng.
Cứ thế, họ đi hàng giờ đồng hồ vào rừng. Có nhóm đi vào khoảnh rừng nhiều phần trơ trụi. Họ ở đó cả tuần rồi đi ra. Vài năm sau, nơi ấy rừng lên xanh. Và mỗi gốc cây, nói không quá lời, đều có dấu tay của Ha Giản.
Ông Minh còn nhận xét già Giản sành sỏi các nghiệp vụ kiểm lâm, quản lý rừng như những cán bộ lâm nghiệp. Cái hay của già Giản là ông biết cách diễn giải theo đúng kiểu của người Cil để có thể đào tạo ra một đội quân thông thạo kỹ năng như mình.
Ông Minh bảo vùng rừng Bidoup - Núi Bà và Đa Nhim có hàng trăm loại động, thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ nên sức hấp dẫn của rừng với lâm tặc không thể đo đếm được.
Và những người Cil, nhờ già Giản tổ chức, đã bắt tay với lực lượng kiểm lâm chuyên nghiệp. Nhờ có họ mà cánh tay của lực lượng kiểm lâm được nối dài, len lỏi khắp cánh rừng bạt ngàn, mênh mông.
Ở tuổi 62, già Giản vẫn thường xuyên vào rừng thực hiện các nghiệp vụ như một kiểm lâm thứ thiệt - Ảnh: ĐỨC THỌ
Ngày già Giản trở lại rừng cách đây 26 năm, khoa học quản lý rừng mới bắt đầu được triển khai ở địa phương. "Con thú đầu đàn" Ha Giản trở thành người dẫn đường đưa cán bộ quản lý vào rừng cùng kiểm đếm, khoanh thửa làm nền móng để áp dụng các biện pháp quản lý sau này.
Ông Minh nói Ha Giản thuộc rừng, biết "đánh hơi" bẫy thú do các nhóm đi săn đặt và biết cả cách phá bẫy. "Chỉ cần nhìn dấu vết trên lá, trên nền đất là ông dự liệu được nhiều việc để bảo vệ được đoàn cán bộ làm nhiệm vụ. Đi với Ha Giản yên tâm nên không có đoàn công tác đi dài ngày vào rừng nào thiếu Ha Giản" - ông Minh chia sẻ.
Ít người biết, người Cil sống ở xã Đa Nhim bây giờ trước kia sống ở làng Dưng Iar Diêng, một ngôi làng sâu bên trong vùng lõi vủa Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Làng cũ không tiện để có một cuộc sống tiện nghi, phát triển nên người Cil được cấp đất ngoài xã Đa Nhim. Với người Cil, được sở hữu một vùng đất định cư - định canh ở cạnh lãnh địa của tổ tiên xưa kia khiến họ rất biết ơn. Gần như đàn ông người Cil ở xã Đa Nhim đều tham gia nhiều công việc liên quan đến giữ rừng.
Những câu chuyện người Cil ở Đa Nhim giúp ban quản lý Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà và ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim giữ rừng nhiều như những ngày tháng mà họ đã sống cùng rừng. Và lần nào sự nhiệt tình cũng không hề giảm đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận