27/07/2020 16:13 GMT+7

Giá giảm mạnh, chứng khoán kích hoạt bán tháo

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Thị trường chứng khoán phiên 27-7 xuất hiện tình trạng kích hoạt bán tháo hàng loạt, hàng trăm mã cổ phiếu chạm sàn, có thời điểm VN-Index giảm sâu gần 6%.

Giá giảm mạnh, chứng khoán kích hoạt bán tháo - Ảnh 1.

Phiên giao dịch chứng khoán 27-7 ngay khi bắt đầu đã chìm trong sắc đỏ - Ảnh: B.MAI

Nhà đầu tư 'tháo chạy' khỏi thị trường, hàng loạt mã cổ phiếu có vốn hóa giảm khá mạnh. Trong nhóm ngân hàng, cổ phiếu Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Vietinbank (CTG), Techcombank (TCB) liên tục lao dốc.

Bộ ba cổ phiếu họ Vin gồm Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail giảm lần lượt...

Song song đó, thị trường còn bị lực kéo từ các 'ông lớn' thuộc nhiều nhóm ngành, điển hình là cổ phiếu Sabeco (SAB), Petrolimex (PLX), PetroVietnam Gas (GAS)...

Trong ngày, có lúc VN-Index giảm tới 47,5 điểm (-5,73%), đây là mức giảm rất cao so với bình quân nhưng không phải là phiên giảm mạnh nhất năm nay. Trước đó, chốt phiên ngày 9-3, VN-Index rớt 6,28%, mức giảm kỷ lục trong vòng 18 năm qua.

Đóng cửa, VN-Index chính thức giảm 43,99 điểm (-5,31%) xuống 785,17 điểm. Giá trị giao dịch trên sàn xấp xỉ hơn 7.018 tỉ đồng. Toàn sàn này có 152 mã nằm sàn/377 mã giảm giá. 

Rổ VN30 mất 42,36 điểm (-5,28%) xuống 729,93 điểm, thanh khoản hơn 3.685 tỉ đồng. Có tới 16/30 thành viên trong rổ nằm sàn, số còn lại rớt giá. 

Sàn HNX và rổ HNX30 giảm lần lượt 6,49 điểm (-5,93%) xuống 102,85 điểm và 13,91 điểm (-6,84%) xuống 189,58 điểm.

Giá giảm mạnh, chứng khoán kích hoạt bán tháo - Ảnh 2.

Bảng giao dịch chứng khoán phiên chiều 27-7 ngập sàn cổ phiếu rớt giá, giảm sàn, trắng bên mua - Ảnh: B.MAI

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Minh (giám đốc phân tích, Yuanta Việt Nam) nhận định nguyên nhân chính khiến thị trường hôm nay suy giảm mạnh đến từ các thông tin liên quan đến COVID-19. 

"Tâm lý nhà đầu tư hiện nay khác hẳn giai đoạn tháng 3", ông Minh nói.

Sự khác biệt này đến từ việc Đà Nẵng mới xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng. Các ca bệnh này lại nhiễm virus SARS-CoV-2 chủng mới xuất hiện ở Việt Nam, có khả năng lây lan nhanh. Đồng thời chưa xác định được nguồn gây bệnh (F0). 

Chính những điều trên khiến tâm lý nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh sẽ lan rộng, làn sóng dịch lần này bùng phát mạnh hơn trong lần trước.

Nguyên nhân thứ hai là trong thời gian qua số lượng nhà đầu tư cá nhân 'non trẻ' gia nhập thị trường khá đông. 

'Nhà đầu tư cá nhân mới mở tài khoản tham gia thị trường chứng khoán vừa qua chiếm tỉ lệ khá cao. Nhóm này đa phần chưa kinh nghiệm, khi có thông tin xảy ra dịch bệnh họ thường phản ứng tiêu cực, gay gắt, không kiểm chứng mà chỉ muốn bán ngay', ông Minh giải thích thêm.

Theo dữ liệu Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, trong nửa đầu năm 2020 đã có thêm hơn 165.800 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới. 

Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng phiên 27-7 diễn ra tình trạng kích hoạt bán tháo (force sell) đối với các tài khoản vay ký quỹ (margin). Với các cổ phiếu có thị giá thấp, biên độ giảm sàn lớn, tích tụ giảm sàn từ 2-3 phiên gần đây cũng khiến áp lực bán tháo trong hôm nay tăng cao hơn.

Trong giai đoạn tháng 5 vừa qua, thị trường chứng khoán có khoảng thời gian hồi phục đáng kể khiến nhà đầu tư tự tin, tăng vay ký quỹ.

Ngoài ra, những ngày này giá vàng tăng cao đã hút một lượng nhà đầu tư chuyển dòng tiền từ kênh chứng khoán sang vàng. 

Trước bối cảnh VN-Index giảm trên 5% chỉ trong một phiên và mất mốc kháng cự 800 điểm, ông Minh khuyến nghị nhà đầu tư không nên dò đáy vì khả năng mở rộng đà giảm tiếp tục diễn ra. Trong tháng 3 nhiều nhà đầu tư có tâm lý mua giá thấp để bắt đáy, nhưng giá thấp hôm nay lại là giá cao của ngày mai.

Do đó nhà đầu tư có thể cân nhắc cắt lỗ, chờ 1-2 nhịp hồi trong phiên tới để tỉ trọng, cơ cấu lại danh mục.

Dù vậy, ông Minh cho biết thị trường vẫn tồn tại tia hi vọng. Điều đó thể hiện qua việc đầu tháng 7 vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ cần nghiên cứu dài hơi từ giờ đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế. 

Tại cuộc họp, TS Võ Trí Thành (viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) cũng nêu quan điểm cần thực hiện nhanh chóng các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỉ đồng...

Ông Minh cho rằng các gói hỗ trợ này sẽ là liều thuốc giúp các doanh nghiệp duy trì sự sống giai đoạn COVID-19, đồng thời là lực đẩy cho thị trường chứng khoán.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên