Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngày 2-8, trên thị trường gạo thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo kể từ ngày 20-7.
Cụ thể, ngày 2-8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 593 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với ngày 1-8. Hiện giá gạo cùng loại của Thái Lan đang ở mức 625 USD tấn.
Đối với gạo 25% tấm Việt Nam bán ra ở mức 573 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với một ngày trước đó và cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 7 USD/tấn.
Riêng gạo thơm Jasmine lên mức 733 USD/tấn, tăng 45 USD/tấn so với ngày 1-8 và tăng 110 USD/tấn so với ngày 20-7.
Như vậy sau hai tuần kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam tăng 60 USD/tấn, còn Thái Lan tăng lần lượt 81 USD/tấn và 63 USD/tấn.
Giá gạo tăng cao đẩy giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng. Cụ thể, giá lúa OM 5451 lên mức 6.800 - 7.000 đồng/kg, lúa OM 18 lên mức 6.900 - 7.100 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 ở mức 6.900 - 7.100 đồng/kg.
Trước diễn biến này, ngày 31-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngành nông nghiệp ngày 1-8, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết diễn biến giá gạo thế giới tăng cao trong những ngày gần đây là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo, nếu không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội này.
Theo ông Cường, kế hoạch năm nay, cả nước gieo cấy 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn lúa. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được khi theo tính toán hiện nay, sản lượng lúa có thể đạt trên 43 triệu tấn, thậm chí có những kịch bản còn cao hơn.
Để tận dụng, nắm bắt thời cơ xuất khẩu gạo, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích trồng lúa trong vụ thu đông ở Đồng bằng sông Cửu Long lên 700.000ha, trong khi theo kế hoạch từ đầu năm là khoảng 650.000ha.
Ông Cường cũng nhấn mạnh năm 2022, Việt Nam có sản lượng lúa trên 42 triệu tấn thì xuất khẩu được 7,13 triệu tấn gạo.
Còn năm nay, dự kiến sản xuất được trên 43 triệu tấn lúa thì đương nhiên có thể xuất khẩu gạo vượt kỷ lục của năm 2022.
Đối với việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước, ông Cường cho biết khi cân đối nhu cầu tiêu thụ cho 100 triệu dân, cho chế biến, cho làm giống thì đều nâng lên tỉ lệ rất cao. Ví dụ mỗi năm người dân Việt Nam ăn khoảng 7,5kg gạo/tháng thì nâng lên 9kg/tháng.
"Xuất khẩu gạo có thể tăng nhưng nguồn cung gạo trong nước sẽ không ảnh hưởng, tuy nhiên có vấn đề về tâm lý, hơn nữa đây là vấn đề cơ chế thị trường nên giá cả có thể gia tăng nhất định" - ông Cường nói.
Đến hết tháng 7, xuất khẩu gạo đạt 2,58 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2022, giá gạo bình quân 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Dự kiến cả năm 2023 sẽ xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo và thu về 4,1 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận