Ngày 6-12, ông Phạm Thái Bình - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho biết thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy 11 tháng đầu năm, gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt con số kỷ lục, với giá trị là 4,4 tỉ USD, tăng 36,3%; về lượng đạt 7,75 triệu tấn...
Gạo bán ra từ 680 - 700 USD/tấn
"Khả năng năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 8 triệu tấn gạo. Rõ ràng chúng ta đã vượt kế hoạch đề ra, cao hơn năm 2022 mấy trăm ngàn tấn. Do thời điểm này Việt Nam rơi vào cuối vụ thu đông nên hết lượng gạo, còn phía Thái Lan đầu vụ nên bán gạo được hơn", ông Bình nói.
Theo ông Bình, giá lúa tươi đã trên 9.000 đồng/kg nên giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới. Vì vậy, các doanh nghiệp phải bán gạo (loại 5% tấm - PV) ra thị trường dao động từ 680 - 700 USD/tấn.
"Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới nên khó bán chứ không phải không tìm được đối tác. Dự kiến hết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt trên 4,5 tỉ USD", ông Bình nói thêm.
Ông Bình cho hay cả nông dân, doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã chuẩn bị tâm thế thực hiện "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao" từ giữa năm 2022 (khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị đề án - PV).
Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào việc ngay, kết hợp cùng một số tổ chức tài chính quốc tế, các địa phương, hợp tác xã và doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị các khâu để thực hiện triển khai các dự án cụ thể trong đề án.
"Các doanh nghiệp và nông dân rất kỳ vọng, đồng lòng sẵn sàng bắt tay vào thực hiện các chương trình, dự án của "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải khí nhà kính" trong sản xuất nông nghiệp sắp tới", ông Bình thông tin.
Kỳ vọng tăng giá trị hạt gạo từ đề án 1 triệu ha
Còn ông Trương Mạnh Linh - tổng giám đốc Gạo A An thuộc Tập đoàn Tân Long - cho hay giá gạo Việt Nam hiện nay cao nhất thế giới nên các nước mua gạo cũng cân nhắc. Việt Nam rơi vào cuối vụ nên lượng gạo còn ít và giá lúa gạo được doanh nghiệp, nông dân giữ giá cao nên dẫn đến giá gạo Việt Nam bán ra trên thị trường cao hơn các quốc gia khác.
"Vửa rồi tôi đi Philippines thì mới biết họ mua gạo của Thái Lan và Pakistan nhiều. Bình thường Philippines không nhập gạo của hai nước này nhưng cuối năm nay giá gạo Việt Nam cao quá và lượng hàng cũng ít, do người dân, doanh nghiệp neo giá gạo dẫn đến cả thị trường trong nước giá gạo quá cao", ông Linh phân tích.
Theo ông Linh, còn hơn 20 ngày nữa sẽ hết năm nên hiện nay đơn vị đóng hàng xuất khẩu khoảng 4.000 tấn/ngày để giao cho các đối tác. Ngoài ra, ngay từ bây giờ, đơn vị đang liên kết với nông dân, hợp tác xã để tìm nguồn hàng xuất khẩu gạo trong vụ đông xuân sắp tới. Việc Chính phủ đã phê duyệt "Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp" đã tạo thêm động lực cho doanh nghiệp rất lớn khi ký kết hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài.
"Chính phủ rất quan tâm đối với ngành hàng lúa gạo. Vì vậy, khi chúng tôi làm việc với khách hàng nước ngoài thì chúng tôi cũng nói rõ là Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp bền vững, xanh đối với cây lúa. Do đó, tôi nghĩ khi nào có giấy chứng nhận giảm phát thải nhà kính thì gạo Việt Nam sẽ còn tăng giá trị thêm nữa. Việc liên kết với nông dân lúc này sẽ bài bản hơn khi có sự quan tâm của Chính phủ như vậy", ông Linh nói thêm.
Kiểm tra các hợp tác xã tại 3 tỉnh
Ngày 5-12, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Huỳnh Kim Định đã ký công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 3 tỉnh: Long An, An Giang và Kiên Giang về việc "Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các hợp tác xã tham gia "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long"".
Theo đó, nhằm chuẩn bị triển khai hiệu quả đề án này tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các tổ chức tài chính quốc tế đến khảo sát hiện trạng và năng lực của hợp tác xã tham gia đề án tại 3 tỉnh: Long An, Kiên Giang và An Giang từ ngày 7 đến ngày 9-12.
Dự kiến đoàn công tác sẽ đến khảo sát và làm việc từ 5-6 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động tiêu biểu tại mỗi tỉnh đã tham gia dự án VnSAT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận