Ngày 12-10, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.
Theo phó thủ tướng, bất cập lớn nhất trong thực hiện các chính sách pháp luật về năng lượng là việc thực hiện các bộ luật, gồm Luật Điện lực, Luật Dầu khí… Thực tế, khâu thể chế hóa tinh thần, chủ trương, chính sách còn hạn chế.
Có sơ hở trong chính sách
Các quy hoạch được phê duyệt nhưng triển khai rất lúng túng, chưa chế định được trong các văn bản. Dẫn tới Quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh có nhiều nội dung chưa được cụ thể trong các văn bản, tạo nên sơ hở có thể lợi dụng khiến các cơ quan liên quan đang phải xử lý.
Đối với các nguồn năng lượng sơ cấp như than, khí và sản xuất điện đã xác định sẽ dần dần theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng khâu tổ chức thực hiện vẫn “lúng túng”. Cơ chế mua bán điện trực tiếp chưa có, thiếu cơ sở pháp lý, đặc biệt khâu dễ lợi dụng nhất liên quan tới giá.
Dẫn chứng thực tế từ năng lượng tái tạo gần đây, dù có nhiều chính sách phát triển nhưng không có quy định xác định giá. Vì vậy, nhiều nhà máy cho đầu tư nhưng không định giá được, nên Chính phủ phải đưa ra giải pháp là tính bằng 50%, sau đó kiểm tra, kiểm toán.
Thêm nữa, ông Hà cho rằng giá FIT bị lợi dụng, phát triển ồ ạt năng lượng tái tạo. Vì vậy, dù đây là chủ trương đúng nhưng quản lý thế nào để đảm bảo hiệu quả đầu tư giữa các nguồn điện, truyền tải điện lại là vấn đề.
“Những vấn đề này các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra đang làm và cho thấy nếu những quy định này sai thì chính là chất lượng quy hoạch đang sai. Điều này nói lên sơ hở trong công tác quy hoạch và sơ hở trong việc tổ chức thực hiện” - ông Hà nêu vấn đề.
Đối với việc thực hiện Quy hoạch điện 8, nhiều ý kiến cho rằng còn vướng mắc, phó thủ tướng cho biết những dự án trọng điểm lớn đang triển khai. Tuy nhiên, có vướng khi thực hiện quy hoạch điện với thủy điện nhỏ, điện mặt trời và gió.
Lý do là bởi khi làm quy hoạch cần phải tính toán được tiềm năng, phân tích, cân đối giữa nguồn và lưới điện, hiệu quả đầu tư. Trong khi một lượng lớn nguồn đã được đầu tư trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, nên việc bổ sung thêm vào Quy hoạch điện 8 là thiếu cơ sở.
Dẫn chứng, tổng nguồn điện tái tạo được thực hiện theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh là 14.000MW, tăng gấp 5 lần so với quy hoạch ban đầu. “Thực hiện Quy hoạch điện 7 sửa đổi đã sai rồi và đến bây giờ Quy hoạch điện 8 mà đưa vào, tức là hợp thức hóa nên không thể nào được” - ông Hà nhấn mạnh.
Sớm mở để giá điện theo thị trường
Về chuyển đổi năng lượng công bằng, phó thủ tướng nói đây không phải là cơ chế bắt buộc. Việc đưa ra kịch bản để giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng nhanh hơn. Vì vậy, hiện Chính phủ đang tập trung tiếp cận nguồn vốn, điện gió ngoài khơi, khảo sát và hoàn thiện pháp lý, công nghệ...
Về giải pháp sắp tới, phó thủ tướng nhấn mạnh những việc cần làm là sửa đổi Luật Điện lực, bổ sung các chính sách năng lượng tái tạo; kiên định chuyển sang thị trường; giải quyết chồng chéo quản lý và doanh nghiệp; việc bù chéo giá điện; vấn đề năng lượng sơ cấp, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, vai trò của Nhà nước khi giao nhiệm vụ cho nhà sản xuất, tự chủ về năng lượng…
Về cơ chế giá điện là vấn đề “tranh cãi bấy lâu nay”, phó thủ tướng thông tin vừa qua Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến. Theo đó, trong thời gian chờ sửa Luật Điện lực, có thể quy định giá thị trường của giá điện trên cơ sở mở rộng, cho phép mua bán điện trực tiếp và tính toán thêm một số chi phí vận hành, điều tiết, phân phối…
“Trách nhiệm của Bộ Công Thương là phải ban hành các nghị định, thông tư cho việc này. Chắc chắn cơ quan nhà nước sẽ phải tính toán, kinh doanh là kinh doanh, còn Nhà nước phải quản lý khâu điều phối” - ông Hà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận